Hiển thị các bài đăng có nhãn Thơ kháng chiến. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thơ kháng chiến. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Cây Thông Già Và Anh Thợ Rừng - Huỳnh Văn Nghệ

Dưới bóng cây thông già 
Anh thợ rừng nghỉ trưa 
Gác đầu trên cán búa
Nghe chim hát vu vơ... 

Mơ thấy thông thành người 
Một lão già râu bạc 
Ngồi kể lể chuyện đời
Lời ôn tồn tha thiết: 

“Lưỡi búa anh bén quá 
Chặt tôi đành sao anh 
Chúng mình nào xa lạ...
Cùng khổ trong chiến tranh.

Cả họ rừng tôi đây 
Con sóc đến cây cầy
Không một người theo Tây
Không một ai theo Mỹ

Chúng tôi quyết bám rễ 
Đứng giữ mảnh đất này 
Dù đội bom chịu lửa 
Một bước chẳng hề lui

Rừng ta che bộ đội
Rừng ta vây quân thù 
Tuy rừng chưa biết nói 
Chuyện rừng đã nên thơ.

Quân thù đã phá hủy
Hai triệu mẫu rừng xanh 
Mối thù này phải trả 
Hỡi loài người văn minh 

Đất rừng còn nhức nhối
Hố bom khoét thân mình 
Cây dầu còn rỉ máu
Vết đạn vẫn chưa lành.

Rừng đang kêu cấp cứu 
Ú ớ chẳng nên lời 
Tiếng rừng nào ai hiểu
Chỉ gió thổi, thông reo. 

Anh hãy thương rừng với 
Chặt nhẹ búa mà thôi 
Để núi rừng đâm chồi 
Sống cho đời thêm đẹp

Vì lợi ích cả nước 
Trước mắt và lâu dài 
Nghĩ kỹ mới ra tay 
Kẻo ngày mai ân hận. 

Lời Bác Hồ căn dặn 
“Phải trồng cây, gây rừng” 
Khó khăn cùng ráng chịu 
Tiêu diệt rừng sao đang.

Rừng chết dễ như chơi 
Vừa ngã xuống, vừa cười 
Thương đời không bóng mát 
Ai che đất, che trời. 

Chim thú không chỗ sống
Bước lưu vong ngậm ngùi
Mất rừng tan tổ ấm
Của tổ tiên loài người.

Dân mình còn gian khổ
Hòa bình chưa ăn mừng
Lo thiếu gạo, thiếu gỗ
Nhưng phải bảo vệ rừng.

Ngày mai rừng tươi lại
Cho người đỡ nắng mưa
Thêm lúa thơm, gỗ quý
Suối trong veo, bốn mùa...”

Anh thợ rừng tỉnh giấc
Ngơ ngác nhìn mênh mông
Tìm ông già râu bạc
Chỉ chim hót cành thông.

Đường về lúa ngoảnh lại
Chỉ thấy ngọn thông già
Như một chàng dũng sĩ
Đứng gác rừng bao la.

7-3- 1976

Chiến Khu Đ Chống Bão - Huỳnh Văn Nghệ

Rùng rợn giữa đêm mưa
Tiếng vợ khóc gọi chồng chới với:
“Con trôi rồi, con trôi theo bè chuối...!” 
Không tiếng trả lời 
Chỉ từ nóc nhà tranh 
Tiếng chó đứng sủa hời.
Trời sáng rồi, mưa vẫn cứ rơi
Những nóc nhà trôi
Những thân cây đổ.
Suối ngập thành sông, sông tràn thành biển
Mênh mông sóng vỗ chân trời. 
Thôi hết rồi, hết lúa, hết khoai 
Chiến khu Đồng Nai lại đói. 
Con ngậm củ mài, cha nhơi củ chuối. 
Ứớt mắt chồng nhìn vợ nuốt vỏ khoai 
Đứt ruột mẹ tiếng con thơ đòi bú.
Voi cũng trôi tận Cù lao Phố 
Mấy con trâu vướng cột cầu Gành. 
Một tượng Phật dời lên nóc đình 
Đành chắp tay nhìn dòng nước lũ. 
Trút cả hũ, còn không đầy nắm muối
Cho ngày ăn cả đại đội Lam Sơn.
Ba người chia một vắt cơm. 
Tạm đỡ dạ cả tiểu đoàn chủ lực. 
Chèo chống ngày đêm, lênh đênh trên mặt nước.
Vớt của, vớt người. 
Thân trần chèo chống dưới mưa.
Tiếng cười vẫn nô đùa sóng gió.
Từng manh chiếu, quả dừa, chiếc bừa, bó đũa.
Vớt lên mang trả lại từng người.
Đồn Rạch Đông nước ngập sắp trôi
Lính ngụy lên nóc đồn kêu cầu cứu:
“Huyện đội Vĩnh Cửu ơi... Vĩnh Cửu,
Cứu chúng em, ơn trả, nghĩa đền”. 
Chiến sĩ ta, cười reo lên
Nghe lệnh đồng chí chính trị viên:
“Chèo nhanh lên, cứu chúng nó...”
Nhưng giặc Pháp muốn thừa cơ trận bão
Đánh chiến khu, một trận cho tiêu tan
Dồn sức tấn công, lừa bịp, chiêu hàng.
Tăng cường truyền đơn và bom pháo.
Cả chiến khu đêm nay không ngủ 
Tụ năm, tụ ba, 
Bàn tán về tiểu đoàn ba trăm ba:
“Dù thiếu cơm, dù thiếu áo 
Đánh giặc càng hay, 
Ăn củ mì cũng giỏi
Thế nào cũng thắng, và... phải thắng!”

Bỗng được tin loa:
“Ta tiêu diệt hoàn toàn đồn Bến Sắn”.
Tiệc liên hoan có bát cơm gạo trắng
Tiếng cười, tiếng hát, vang rừng.

Hà Nội 1960.

Cái Chết Của Anh Xiểng - Huỳnh Văn Nghệ

Đầu năm 1946, ông Nguyễn Văn Xiểng, Nghị sĩ Quốc hội người thiểu số tỉnh Biên Hòa trên đường đi Hà Nội để họp Quốc hội lần đầu tiên, bị giặc bắt giết hại tại Xuân Lộc.

Anh Xiểng mở mắt tròn xoe 
Trừng trừng nhìn lũ giặc
Đang trói vòng anh
Sau xe Jeep
Giữa biển nắng trưa vàng
Ngoảnh đầu nhìn ngọn núi Chứa Chan
Nhớ lại ngày anh trúng cử:
Đồng bào Xuân Lộc
Từ rừng xanh, núi đỏ kéo về đây.
Tiệc mừng anh, đêm ấy cả rừng say
Trăng lảo đảo, trên chăn mây, gối núi.
Mới hôm qua, chia tay trên bờ suối
Mừng mừng, tủi tủi, mến thương. 
Từng con chim, cái sóc, cành hương 
Cũng thỏ thẻ vuốt ve, lưu luyến...
Một dây siết hai cổ tay tê điếng
Nhựa đường trưa như điện đốt bàn chân
Nhưng ngọn núi Chứa Chan
Vẫn cao đầu hiên ngang dưới nắng.
Lời kêu gọi của núi rừng
Còn vang lừng trong từng tiếng suối, lời chim.
Anh vẫn đứng lặng im, 
Trước bao nhiêu lời dụ, dọa: 
“Không biết nói thì cúi đầu cũng được
Chịu đầu Tây, cho về huyện làm quan
Không thì xe sẽ kéo xác trên đường”. 
Anh vẫn đứng lặng im 
Hiên ngang như ngọn núi. 
Máu căm thù dâng lên trong mắt đỏ
Nhìn lũ giặc như hùm thiêng nhìn chó
Bỗng gầm lên mấy tiếng vang trời:
“Không, không đầu Tây
Tao thề chết tại đây!”
Chiếc xe hốt hoảng rồ ga
Phóng tới như điên, kéo anh ngã gục 
Từ cao xa ngọn Chứa Chan còn thấy 
Thây một anh hùng dân tộc 
Đuổi theo xe như một khối căm hờn
Máu anh đỏ mãi ruộng vườn
Núi rừng Xuân Lộc nhớ thương đời đời.

Hà Nội 1956

Hành Quân - Huỳnh Văn Nghệ

Đoàn quân đi như thân rắn uốn
Quanh đồi, qua suối, qua đồng, 
Qua xóm làng như dải lụa cong cong
Êm như dòng nước.
Trẻ em chạy theo nhìn không chớp mắt. 
Đếm hoài chưa hết đoàn quân. 
Lúa khoai mừng đếm ướt những bàn chân,
Cành lá ngụy trang múa reo trên mũ áo.
Cơm vắt ban đêm ngày không đỏ lửa,
Thương đồng chí anh nuôi cặp mắt mơ màng.
Chiếc nồi đồng há miệng thênh thang
Như buồn ngủ ngáp dài vô tận.
Thương anh trinh - liên suốt ngày lận đận
Chạy như thoi gác trước canh sau.
Thương chị cứu thương mũ chẳng vừa đầu.
Vì tiếc mãi chưa “hy sinh” búi tóc.
Đường gập ghềnh, quanh co, hố, dốc,
Thương anh công binh lo từng bước cho đoàn,
Nối cây rừng thành cầu dọc, cầu ngang 
Lưỡi rựa bén chưa bao giờ được nghỉ
Thương đoàn ngựa thồ vừa đi vừa thở
Lưng nặng oằn chân bước mãi không than.
Bờ suối xanh mừng có lệnh nghỉ chân
Cả ngựa lẫn người cong lưng uống nước.
Thương đồng chí chỉ huy
Tới giờ đi rút vội điếu thuốc
Thương cả đoàn quân đi dưới nắng mưa
Áo ướt rồi khô, khô rồi lại ướt,
Nước lắt ống tre; muối mè cơm vắt 
Nương áo nhau lần bước đêm rừng. 
Cũng mệt rã rời, mỏi cả tay chân
Nhưng chị cứu thương đến đâu
Nghe cười tràn đến đó.
Cũng có người vừa đi vừa mớ.
Nhưng cả đoàn quân chung một giấc mơ:
“Ông Địa cười xe địch sẽ thành tro,
Xung phong ra đường vung cao mã tấu.
Giặc quỳ xuống lạy xin tha thứ: 
“Cho em về kẻo tội nghiệp vợ con”. 
“Nhưng thôi đừng đi lính nữa nghe không?”. 
Bận trở về được đi đường tắt.
Súng giặc nặng vai, đầu thêm mũ sắt.
Giày đinh thu được rộng chật cứ mang
Vang bước đoàn quân chiến thắng giữa đường làng,
Đêm liên hoan đồng bào mừng trăng sáng.

1955

Hội Nghị Bình Công - Huỳnh Văn Nghệ

Ngọn đèn dầu leo lét 
Đại đội họp bình công.
Đại đội phó giải thích
Chiến sĩ chưa chịu thông.
Hầu hết cho rằng vội:
“Kháng chiến chưa thành công
Chúng mình còn có tội
Với dân tộc, núi sông.
Chỉ những người chiến đấu
Đến giọt máu cuối cùng
Mới cần được bình công
Trước chúng mình tất cả.
Bao người mòn ngục tối
Bao xác lạc giữa rừng,
Ai bờ sông, hóc núi
Người còn mộ, người không.
Họ cần được khen thưởng
Chớ chưa phải chúng ta.
Chúng mình còn sung sướng
Còn đánh giặc được mà. 
Đồng ý các đồng chí
Gác lại cuộc bình công
Độc lập làm luôn thể 
Một lần đỡ mất công. 
Giờ lo đánh giặc đã
Rủi có chết thì thôi, 
Thành công khen tất cả
Cho về thủ đô chơi”.
Đại đội phó lúng túng
Nghe họ nói hay hay, 
Nhìn ông đại đội trưởng 
Nhờ kết luận kẻo khuya. 
“Thi đua là lệnh Bác
Để kháng chiến thành công. 
Muốn thi đua giết giặc 
Đại đội phải bình công.
Chuyện trước, sau sẽ hay
Kể từ trận ngày mai
Có bình công khen thưởng
Anh em mình ráng ghi
Cả công mình, công bạn”. 
Đèn tắt, lệnh giải tán
Anh em cười vang rừng. 
Mò mắc võng, giăng màn 
Vừa thách thi chiến đấu.

1954