Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Thơ Đường luật - Bài 2 - Thơ Tứ Tuyệt vần bằng (loại 2 vần) - Hoàng Thứ Lang

Thơ Tứ Tuyệt Vần Bằng 2 vần cũng có hai thể: 

- Luật Trắc Vần Bằng. 
- Luật Bằng Vần Bằng. 

Đầu tiên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng - 2 vần. 

Sau đây là Bảng Luật Thơ Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng - 2 vần: 

1. THƠ TỨ TUYỆT LUẬT TRẮC VẦN BẰNG - 2 VẦN (KHÔNG ĐỐI) 

BẢNG LUẬT: 

T - T - B - B - B - T - T 
B - B - T - T - T - B - B (vần) 
B - B - T - T - B - B - T 
T - T - B - B - T - T - B (vần) 

Ghi chú: Đây là bản chính luật (sẽ có bảng luật bất luận sau). Mới đầu chúng ta nên cố gắng giữ theo chính luật để âm điệu bài thơ được hay. Tuy có bị gò bó nhưng sau nầy sẽ dễ cho chúng ta hơn. 
Các tiếng cuối của các câu 2 và 4 bắt buộc phải cùng vần với nhau. 

Trước khi đi vào chi tiết của bài Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng - 2 vần, chúng ta thử cùng nhau ngắt bài thơ Thất Ngôn Bát Cú ra thành nhiều bài Tứ Tuyệt để "nghiên cứu" và phân tích. 

Bài thơ Thất Ngôn Bát Cú có thể ngắt thành 4 bài thơ Tứ Tuyệt theo 4 cách như sau: 
- Bài 1: 4 câu đầu (1-4). 
- Bài 2: 4 câu cuối (5-8 ). 
- Bài 3: 4 câu giữa (3-6). 
- Bài 4: 2 câu đầu (1-2) và 2 câu cuối (7-8 ). 

Thí dụ: bài thơ sau đây: 

THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ 

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường 
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương 
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo 
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương 
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt 
Nước còn cau mặt với tang thương 
Ngàn xưa gương cũ soi kim cổ 
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

Bà Huyện Thanh Quan 

Ngắt ra: 

1. 
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường 
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương 
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo 
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương 

2. 
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt 
Nước còn cau mặt với tang thương 
Ngàn xưa gương cũ soi kim cổ 
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường 

3. 
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo 
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương 
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt 
Nước còn cau mặt với tang thương 

4. 
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường 
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương 
Ngàn xưa gương cũ soi kim cổ 
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường 

Nhận xét: 

Bài 1: Tứ Tuyệt 3 vần bằng. 
Bài 2: Tứ Tuyệt 2 vần bằng. 
Bài 3: Tứ Tuyệt 2 vần bằng. 
Bài 4: Tứ Tuyệt 3 vần bằng. 

Như vậy bài thơ Tứ Tuyệt có loại 3 vần và có loại 2 vần. 

Phân tích kỹ hơn, chúng ta nhận thấy một bài thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật là do hai bài thơ Tứ Tuyệt ghép lại mà thành, 4 câu đầu là Tứ Tuyệt 3 vần, 4 câu sau là Tứ Tuyệt 2 vần. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là 4 câu giữa (3-4-5-6) đối nhau từng cặp một (câu 3-4 đối nhau, câu 5-6 đối nhau) theo phép đối thơ loại 7 chữ (còn gọi là đối ngẫu). 
Nếu chỉ làm thơ Tứ Tuyệt thường thì chúng ta không cần làm có đối. Nếu làm thơ Thất Ngôn Bát Cú thì bắt buộc phải có đối như đã nói trên. 

Dừng lại ở thơ Tứ Tuyệt, chúng ta có thể làm nhiều bài thơ Tứ Tuyệt cùng diễn tả chung một ý (một nội dung) gọi là Tứ Tuyệt Trường Thiên, dài bao nhiêu cũng được, nhưng nên ngắt ra từng đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Muốn làm loại 3 vần cũng được (như bài thơ Hai Sắc Hoa Ti-gôn của T.T.Kh.). Muốn làm loại 2 vần cũng được (như bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của Kiên Giang Hà Huy Hà). Muốn làm lẫn lộn (mixed) vừa 3 vần vừa 2 vần cũng được. 

Bây giờ trở lại ý chính của bài Tứ Tuyệt 2 vần bằng. Vì chưa làm thơ Thất Ngôn Bát Cú nên chúng ta chỉ làm thơ Tứ Tuyệt không có đối (tương tự như loại 3 vần mà chúng ta đã làm ở bài 1). 

Vậy chúng ta cùng nhau bắt đầu làm bài thực hành 

BẢNG LUẬT: 

T - T - B - B - B - T - T 
B - B - T - T - T - B - B (vần) 
B - B - T - T - B - B - T 
T - T - B - B - T - T - B (vần) 

Bài thơ thí dụ để minh họa: 

1. 
Xác pháo còn vương màu mực tím 
Thư tình vẫn thắm chữ yêu thương 
Nhưng ai lại nỡ quên thề ước 
Nước mắt nào vơi nỗi đoạn trường 

Hoàng Thứ Lang 

2. 
Đọc áng thơ sầu sa nước mắt 
Nghe lời giã biệt giọt châu rơi 
Trời cao nỡ đoạn tình đôi lứa 
Kẻ nhớ người thương khổ cả đời 

Hoàng Thứ Lang 

3. 
Yến phượng lìa đàn ai oán thảm 
Uyên ương lẻ bạn ngẩn ngơ sầu 
Đôi ta cách trở ngàn sông núi 
Ngắm mảnh trăng tàn lệ thấm bâu 

Hoàng Thứ Lang

4. 
Nếu chẳng cùng em chung lối mộng 
Anh vào cửa Phật nguyện tu hành 
Chuông chiều mõ sớm quên tình lụy 
Gởi lại am thiền mái tóc xanh 

Hoàng Thứ Lang

2. TỨ TUYỆT LUẬT BẰNG VẦN BẰNG - 2 VẦN (KHÔNG ĐỐI) 

BẢNG LUẬT:

B - B - T - T - B - B - T 
T - T - B - B - T - T - B (vần) 
T - T - B - B - B - T - T 
B - B - T - T - T - B - B (vần) 

Ghi chú: Đây là bản chính luật (sẽ có bảng luật bất luận sau). Mới đầu chúng ta nên cố gắng giữ theo chính luật để âm điệu bài thơ được hay. Tuy có bị gò bó nhưng sau nầy sẽ dễ cho chúng ta hơn. 
Các tiếng cuối của các câu 2 và 4 bắt buộc phải cùng vần với nhau. 

Bài thơ thí dụ để minh họa: 

1. 
Hè về đỏ thắm màu hoa phượng
Ánh mắt buồn tênh buổi bãi trường
Gạt lệ chia tay người mỗi ngã
Âm thầm cố nén giọt sầu thương

Hoàng Thứ Lang 

2. 
Trên sông khói sóng buồn hiu hắt
Dõi mắt phương trời nhớ cố hương
Trắng xóa màn sương trời chớm lạnh
Thương ai khắc khoải đoạn can trường

Hoàng Thứ Lang

0 nhận xét:

Đăng nhận xét