Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Hermann Hesse (1877 – 1962) Germany (Đức)

Hermann Hesse (1877 – 1962) Germany (Đức)
Hesse c. 1946

Hermann Hesse sinh ngày 02. 07. 1877 tại Calw, Đức và mất ngày 09. 08. 1962 tại Montagnola, Thụy Sĩ. Ông là một nhà thơ, nhà văn và họa sĩ người Đức,. Ông được tặng Giải Goethe và Giải Nobel Văn học năm 1946. Ông thành công với các tiểu thuyết nổi danh khắp thế giới như Siddhartha (Tất Đạt Đa-1922), Der Steppenwolf (Sói thảo nguyên- năm 1927), Das Glasperlenspiel (Trò chơi hạt ngọc thủy tinh-1931).... Ở Việt Nam người ta biết và ái mộ ông nhiều nhất ở tiểu thuyết Siddhartha (Tất Đạt Đa), tác phẩm này từ lâu đã được Bùi Giáng dịch lần đầu tiên với tên “Câu chuyện của dòng sông”.
Ông còn là một nhà thơ xuất sắc, nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc. Xin giới thiệu một vài bài thơ của ông.

1) Bài 1 : Bởi vì tôi yêu em

Bởi vì tôi yêu em
Hermann Hesse

Bởi vì tôi yêu em trong đêm tối.
Nên bên em tôi cuồng dại, thầm thì.
Và để em không bao giờ quên lãng, 
Tôi bắt giữ hồn em theo với khối tình si.

Giờ hồn em thuộc về tôi mãi mãi,
Dẫu cảnh trạng xấu xa hay tốt đẹp êm đềm.
Từ cuồng dại, lửa tình yêu bốc cháy,
Không thiên thần nào cứu rỗi được giùm em.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Heinrich Heine (1797 - 1856) – Đức

Heinrich Heine (1797 - 1856) – Đức
Heinrich Heine sinh ngày 13.02.1797 ở Düsseldorf, Đức. Mất ngày 17 ,02. 1856 tại Paris, Pháp. Ông là một nhà thơ nổi tiếng hàng đầu của Đức chỉ đứng sau Goethe. Hai ngôi sao này đã đưa nền văn học Đức tiến lên ngang tầm thế giới. Người ta cho ông là nhà thơ duy nhất của mọi thời đại có thơ được phổ nhạc nhiều nhất trên thế giới ( Gần10.000 nhạc phẩm).
Một và bài thơ tiêu biểu:

1) Bài thơ “ Vì sao đóa hồng tái nhợt”( Why Is The Rose So Pale)

VÌ SAO ĐÓA HỒNG TÁI NHỢT?
Heinrich Heine

Người yêu ơi! Em hãy nói vì sao
Đóa hoa hồng lại trở nên tái nhợt?
Sao hoa tím điểm màu xanh phơn phớt
Thung lũng này giờ tàn tạ héo khô?

Sao sơn ca lẩn khuất bóng mây mờ
Cất tiếng hót nghe u buồn não ruột?
Nụ hoa thơm đáng yêu từ thuở trước
Cũng làm nên cảnh chết chóc mùa xuân?

Sao mặt trời trên đồng cỏ tơ nhung
Lại khắc nghiệt đến vô cùng kinh sợ?
Sao trái đất chỉ còn như nấm mộ.
Vỡ vụn rồi ảm đạm một màu tang?

Và tại sao đau khổ chính anh mang
Lại tiều tụy đến võ vàng như thế?
Sao tim ta vốn chân thành vô kể
Vì lẽ gì em lại bỏ rơi anh?

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Han Yong'un (1879-1944) Korea (Hàn Quốc)

Han Yong'un (1879-1944) Korea (Hàn Quốc)
Han Yong'un cũng được viết là Han Yong-woon, có tên thật là Han Yu-cheon và còn có bút danh quen thuộc là Manhae. Ông sinh ở tỉnh Gyeongsang. Ông là thiền sư, nhà cải cách Phật giáo Hàn Quốc, là nhà văn xã hội , là nhà thơ nổi danh của thời cận đại Hàn Quốc trong thế kỷ 20.Ông còn là nhà yêu nước đã tham gia kháng chiến chống Nhật giành độc lập.
Tập thơ nổi danh “ The Silence of Love” được viết năm 1926. Nó có mối quan hệ với “Bản tình ca mùa đông”- một bộ phim truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc.
Một số bài thơ của ông:

1) Bài thơ “Sự im lặng của tình yêu”:

Sự im lặng của tình yêu 
Han Yong'un  

Người yêu tôi từ biệt, tình yêu đằm thắm đã ra đi. 
Ánh sáng chia từng mảng trên dãy núi xanh, tan vỡ cùng tôi từng bước.
Theo con đường nhỏ dẫn đến khu rừng mùa thu.
Lời thề xưa, đã một lần tác động, rạng rỡ như một đóa hoa vàng.
Giờ trở thành tro bụi âm u, bay theo gió lộng.
Nỗi nhớ về nụ hôn đầu say đắm.
Nụ hôn làm thay đổi số phận, đã ràng buộc đời tôi.
Giờ cũng nhạt nhòa tan biến mất.
Tôi trở thành người điếc trước giọng nói dịu ngọt của người yêu.
Và trở thành mù lòa trước khuôn mặt hoa xinh xắn.
Từ thời điểm chúng tôi đã gặp, tôi đã mang nỗi lo âu về sự biệt ly,
Bởi tình yêu con người cũng là cái nghiệp.
Tôi từng nhắc nhở nàng lưu ý, nhưng biệt ly vẫn đến bất ngờ.
Làm choáng váng con tim, khiến nó bật tung theo nỗi buồn đau mới.
Dẫu thế nào đi nữa, tôi biết đó cũng là điều để ta nhận rõ tình yêu.
Đễ xóa bỏ biệt ly, không để nó hiện về trong giếng nước mắt sâu vô ích.
Tôi đã chuyển đi nỗi đau đớn dày vò không thể nào kiềm chế.
Trút lên niềm hy vọng vừa mới tái sinh.
Ngay khi chúng tôi gặp gỡ, chúng tôi đã lo lắng về nỗi biệt ly.
Và khi chúng tôi chia tay, chúng tôi vẫn có niềm tin về một ngày gặp lại.
Ôi! Người yêu tôi đã bỏ đi, và tôi không muốn đuổi theo.
Có bài hát tình yêu bất khuất, nó vòng quanh trong im lặng tình tôi.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

GIORGOS SEFERIS (1900 - 1971) - Hy Lạp

GIORGOS SEFERIS (1900 - 1971) - Hy Lạp 
Giorgos Seferis at age 21 (1921) 
Giorgos Seferis có tên thật là Giorgos Stilianu Seferiadis. Sinh ngày19-2-1900 tại Smyrna (nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Mất ngày 20-9-1971 tại Athen, Hy Lạp. Ông là nhà thơ xuất sắc của Hy Lạp được trao giải Nobel Văn học vào năm 1963.

HÃY NÓI LÊN BẰNG ĐÀN UKULELE (1)
(Fog : Sương mù)
Giorgos Seferis

Hãy nói lên bằng đàn Ukulele.
Tiếng rè rè phát ra từ máy cũ. (2)
Biết nói gì để cho nàng hiểu.
Lòng cô đơn buồn bã của tôi?

Với hòa quyện của phong cầm ép chặt. (3)
Dáng bảnh bao của những gã ăn mày.
Họ kêu gọi thiên thần nơi thượng giới.
Nhưng thiên thần là địa ngục không may.

Dẫu thiên thần mở ra đôi cánh.
Bên dưới kia lại dày đặc sương mù.
Tạ ơn trời, họ có gì nắm bắt.
Ngoài linh hồn nghèo khổ sống âm u.

Và cuộc sống lạnh câm như loài cá.
Cuộc sống thế này ? Biết cách nào hơn?
Bao nhiêu người đã bị dìm chết đuối.
Dưới mặt giường biển cả mông mênh.

Cây cũng giống rừng san hô uốn lượn.
Trong sắc màu biến đổi lặng trôi.
Xe bò giống con tàu chậm chạp.
Bị chìm trong cô độc lẻ loi.

Hãy nói lên bằng đàn Ukulele.
Lời cho lời và lời hơn thế nữa.
Người yêu ơi! Nhà thờ em ở đâu?
Tôi mệt mỏi vì quạnh hiu ẩn dật.

Ôi! Đời vốn thế nhưng vô cùng trung thực.
Rồi chúng ta phải biết sống thế nào!
Nhưng số mệnh còn quẩn quanh cơm áo.
Trong phận đời, người đến nhỏ nhoi sao!

Và người đến là những gì? Ai biết?
Khi ánh sáng mặt trời bên ánh sáng hẩm hiu.
Xám xịt, xanh xao thảy đều câm lặng.
Và linh hồn chúng ta bị đày đọa quá nhiều.

Chúng ta tìm có thấy nguồn an ủi.
Trước cảnh ngày đang đặt vào đêm.
Khi tất cả mọi thứ đều đen tối.
Sẽ kiếm được điều chi nếu chúng ta tìm?

Hãy nói lên bằng đàn Ukulele.
Tôi nhìn thấy tay nàng móng đỏ.
Ánh lò sưởi họ phải cời rực rỡ.
Và sực nhớ nàng qua tiếng nàng ho. 

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG 

Gaius Valerius Catullus (Từ 84 - 54 tr.CN) - La Mã cổ đại

Gaius Valerius Catullus (Từ 84 - 54 tr.CN) - La Mã cổ đại

Tượng bán thân của Catullus tại Sirmione
Gaius Valerius Catullus (khoảng năm 84 - 54 tr. CN) là một nhà thơ Latin
của La Mã cổ đại . Tác phẩm của ông phần lớn đã bị thất lạc, tuy nhiên số còn lại vẫn có giá trị và tiếp tục ảnh hưởng đến các hình thức nghệ thuật thi ca đời sau.
Một vài bài thơ của ông.

1) Bài 1 :

Hãy để chúng ta sống
Catullus

Lesbia, hãy để chúng ta sống và chúng ta yêu.
Xét lại mọi tin đồn của những người thủ cựu
Giá trị chỉ đáng một xu.
Mặt trời có thể lặn đi rồi mọc dậy.
Khi ánh sáng lịm dần.
Ta phải ngủ say một đêm bất tận.
Hãy cho anh nghìn nụ hôn, rồi trăm nụ nữa.
Rồi thêm nghìn nụ khác, rồi sau nữa hai trăm.
Rồi lại hơn một nghìn, rồi hơn trăm nụ khác.
Khi chúng ta đã thực hiện hàng nghìn.
Sẽ hòa lẫn chúng vào nhau để không còn thể biết.
Vì lẽ này, không còn ai ganh tị, không thể phát hiện ra.
Có bao nhiêu nụ hôn mình đã cùng chia sẻ

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG