Hiển thị các bài đăng có nhãn Thơ dịch các nước khác. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thơ dịch các nước khác. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

KHUYẾT DANH - WHAT LOVE SAYS

TÌNH YÊU NÓI NHỮNG GÌ ?

Tình yêu không hỏi.
Rằng: “Anh là ai?”
Tình yêu chỉ nói:
“Anh là của em!”

Tình yêu không hỏi:
“Anh đến từ đâu?”.
Tình yêu chỉ nói:
“Anh ở tim em!”

Tình yêu không hỏi.
Rằng:“Anh làm gì?”.
Tình yêu chỉ nói:
“Rộn ràng tim em!”

Tình yêu không hỏi:
“Sao anh xa em?”.
Tình yêu chỉ nói:
“Mãi là với em!”

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG 

WHAT LOVE SAYS??? 

love dont ask!! 
"who are you??" 
love only says!! 
"you are mine!!" 

love dont ask!! 
"where are you from???" 
love only says!! 
"you lives in my heart!!" 

love dont ask!! 
"what do you do???" 
love only says!! 
"you make my heart to beat!!" 

love dont ask!! 
"why are you far away???" 
love only says!! 
"you are always with me!!" 
(Không rõ tên tác giả nhưng qua phong cách thơ diễn đạt)
có thể là một tác giả trẻ người châu Á hoặc người Việt)

Johann Wolfgang Von Goethe (1749-1832) - Đức

Johann Wolfgang Von Goethe (1749-1832) - Đức
Johann Wolfgang von Goethe là tiểu thuyết gia, đại thi hào, nhà viết kịch, nhà triết học tự nhiên, nhà hội họa, nhà điêu khắc, nhà khoa học,(chuyên gia của nhiều lĩnh vực như địa chất, xây dựng, giải phẫu). Bởi vậy, ông được tôn vinh là nhà bác học thông thái của Đức. Marx và Engels đã đánh giá Goethe là “Người Đức vĩ đại nhất”, “Vị thánh trong văn học Đức”. 
Ông là một trong những danh nhân bậc nhất của văn học phương Tây và thế giới, nổi tiếng với kịch thơ “ Faust”.

Một vài bài thơ.

1) Bài thơ: “Hiện diện”

Hiện diện
Johann Wolfgang Von Goethe

Em có mặt mọi vật đều lên tiếng.
Khi mặt trời huy hoàng xuất hiện.
Hy vọng em sẽ nối tiếp theo sau.

Khi thư thả bước trong vườn đi dạo.
Em là đóa hồng xinh của mọi đóa hồng.
Là hoa huệ dẫn đầu muôn hoa huệ trắng trong.

Khi em xoay, chuyển mình theo điệu múa.
Mọi vì sao đều rung động long lanh.
Hướng về em, sao bàng bạc vây quanh.

Đêm! bây giờ mới thật là đêm!
Em rạng rỡ theo vầng trăng chiếu.
Đầy quyến rũ dưới ánh mờ huyền diệu.

Em gợi cảm đáng yêu biết đến ngần nào.
Cả hoa, trăng, và những vì sao.
Đều sùng bái riêng em - ôi, mặt trời của anh lộng lẫy!

Mặt trời của anh! Đối với anh cũng vậy.
Đã tạo nên những ngày mới huy hoàng.
Cho cuộc sống này vĩnh cửu trước thời gian.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Johan Ludvig Runeberg (1804 - 1877) - Nhà thơ Phần Lan


Johan Ludvig Runeberg sinh ở Jakobstas và mất ở Porvoo. Là nhà thơ Phần Lan sáng tác bằng tiếng Thụy Điển. Hai tập Dikter (Thơ, 1985) và Nya dikter (Thơ mới, 1915) là những tác phẩm thơ tiêu biểu nhất của ông. Thơ Runeberg đã có ảnh hưởng lớn đến nền văn học Thụy Điển, được so sánh với thơ lãng mạn châu Âu như Hugo, Shelley, Keats ... 

Xin giới thiệu một bài thơ ngắn theo bản dịch tiếng Pháp.

MỐI TÌNH ĐẦU.
Johan Ludvig Runeberg

Những bọt nước nổi đầu tiên trên sóng.
Sẽ tan đi trước các bọt bồng bềnh.
Những đóa hoa trong mùa xuân nở sớm.
Sẽ mau tàn vì có mặt đầu tiên.

Duy chỉ có mối tình đầu còn lại.
Trong tâm hồn đau khổ của ta thôi.
Vẫn nở mãi bền lâu hơn mọi thứ.
Vẫn chôn sâu thầm lặng giữa tim người.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Le premier amour 
Johan Ludvig Runeberg
Les premières bulles, sur l'onde. avant les autres sont dissoutes 
Les premières fleurs du printemps meurent les premières de toutes ,
Audis que le premier amour don’t ton âme sent la douleur 
Fleurira beacoup plus longtemps que tous les autres dans ton coeur.

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Johanes Vihelm Jensen (1873 – 1950) Đan Mạch (Denmark)

Johanes Vihelm Jensen (1873 – 1950) Đan Mạch (Denmark)
Johannes Vilhelm Jensen thường được gọi là Johannes V. Jensen là nhà văn , nhà thơ lớn của Đan Mạch trong thế kỷ 20.Ông đạt giải Nobel văn học vào năm 1944. 

BÀI CA ĐIỂM CHÍ
Johanes Vihelm Jensen

Mặt trời chúng ta giờ trở nên lạnh lẽo.
Chúng ta đang giữ mùa đông.
Với những ngày mệt mỏi vô cùng.
Giờ đã qua những đêm sâu dài nhất.
Hy vọng chúng ta lại bừng sáng rực.
Vâng, hy vọng chúng ta lại bừng sáng rực.
Đến trong chân lý mặt trời.
Ánh sáng sớm về, ngày trở lại vui tươi.

Màu xanh cây linh sam đáng yêu, thi vị.
Nơi dải rừng hùng vĩ.
Làm bức bình phong báo hiệu cảnh hè xinh.
Ngọn nến vàng trong lễ Giáng sinh.
Như vì sao đón mời lấp lánh.
Vâng, như vì sao đón mời lấp lánh.
Mặt trời kỳ diệu để ánh nhìn.
Và tất cả hoa hướng dương màu vàng giờ đang ngái ngủ.

Mùi thơm của linh sam quyến rũ.
Dành cho không khí hè sang.
Và mỗi con người mới dạo cảnh quan.
Năm mát mẻ dưới bầu trời Đan Mạch,
Tất cả giục lòng rạo rực.
Nhảy múa vòng quanh.
Vâng, nhảy múa vòng quanh.
Bên mùa xuân vĩnh cửu yên bình.
Hãy để mọi tâm hồn cùng nhau ca hát.
Trong mùa hè trỗ sắc, trong mùa hè Đan Mạch đáng yêu.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG 

Jaroslav Seifert (1901 – 1986) Tiệp Khắc (Czechoslovakia)

Jaroslav Seifert (1901 – 1986) Tiệp Khắc (Czechoslovakia)
Jaroslav Seifert sinh tại Praha) là một nhà văn, nhà thơ và nhà báo Tiệp Khắc Ông là thành viên Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, được bổ nhiệm thành Nghệ sĩ quốc gia năm 1967 và trở thành chủ tịch Hiệp hội Nhà văn Tiệp Khắc từ năm 1968- 1970.
Thơ của ông nhận được nhiều giải quốc gia quan trọng trong những năm 1936, 1955,1968. Ông nhận giải Nobel văn học năm 1984. 

Xin giới thiệu một bài thơ của ông.

Mảnh vỡ của lá thư
Jaroslav Seifert

Mưa đêm quất vào cửa sổ.
Tôi nằm thao thức không yên.
Tôi trở dậy bật đèn,
mở trang thư ngồi viết.
Giá tình yêu có thể bay xa,
nhưng dĩ nhiên làm sao có được.
Nó cũng không ở gần mặt đất chúng ta,
để mang vị hương hoa,
thoảng về trong cơn gió nhẹ.
Nhưng lại gống con ong tức mình lặng lẽ,
ganh tị với bầy đàn lên xuống tiếp giao,
trước cơ thể con ong cái ngọt ngào,
với tay ôm vội vàng hối hả,
mong đạt điều kỳ lạ,
bởi khát vọng dâng trào không thể giảm suy.
Dẫu cái chết ập về
cũng không làm nó sợ hãi bay đi,
trong khoảnh khắc hân hoan mãnh liệt.
Nhưng nào ai có bao giờ tính ra để biết,
bao nhiêu cuộc tình đã tan tác đổi thay
của từng cặp yêu nhau đã rộng mở vòng tay!
Những lá thư gửi cho phụ nữ,
Tôi luôn để chim bồ câu trao chữ.
Lương tâm tôi trong sáng nhẹ nhàng.
Tôi không hề giao cho bồ cắt chuyển sang
Hoặc gửi đi bằng loài chim ó.
Dưới ngòi bút thơ tôi không thể còn múa may hơn nữa,
như giọt lệ vừa ngăn trong khóe mắt bờ mi,
để lời thơ treo lại chuyên yêu vì.
Và cả cuộc đời tôi, nơi cuối cùng điểm tựa,
giờ chỉ giống cuộc hành trình qua mau trên tàu lửa:
Tôi đứng trong toa bên cửa sổ lắc lay,
ngày tiếp theo ngày...
với vận tốc của hôm qua giục giã,
nối liền với sương mù tối tăm buồn bã.
Tôi vô phương để giữ nắm phanh
chờ lúc cần tàu được thắng nhanh.
Có lẽ cái nhìn của tôi sẽ còn gặp nhiều quyến rũ
về nụ cười của người phụ nữ,
như đoa hoa khô lệ gửi sang
từ trên mi mắt của nàng.
Có lẽ tôi vẫn còn được phép
gửi đến mắt nàng nụ hôn thắm thiết,
trước khi chúng mất cùng tôi trong bóng tối đen.
Có lẽ thêm một lần, tôi sẽ có cơ hội để nhìn
hình ảnh mắt cá chân thon thả,
nổi tròn như viên ngọc lạ,
toát ra ấm áp dịu dàng
cho tôi một lần mơn man
nghẹt thở với khát khao thèm muốn.
Biết bao nhiêu đàn ông,
bị bỏ lại phía sau sầu muộn,
như chuyến tàu đi không chuyển bánh đến gần
về lại Sân ga Lãng quên (1)
với khu vườn thủy tiên lung linh mờ ảo (2)
giữa mọi thứ hương thơm phai tàn chao đảo.
Bao gồm bản thể tình yêu
Đó là điểm cuối dừng chân:
Của chuyến tàu phiêu lưu – chuyến tàu không thể nào còn đi xa hơn nữa.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Hermann Hesse (1877 – 1962) Germany (Đức)

Hermann Hesse (1877 – 1962) Germany (Đức)
Hesse c. 1946

Hermann Hesse sinh ngày 02. 07. 1877 tại Calw, Đức và mất ngày 09. 08. 1962 tại Montagnola, Thụy Sĩ. Ông là một nhà thơ, nhà văn và họa sĩ người Đức,. Ông được tặng Giải Goethe và Giải Nobel Văn học năm 1946. Ông thành công với các tiểu thuyết nổi danh khắp thế giới như Siddhartha (Tất Đạt Đa-1922), Der Steppenwolf (Sói thảo nguyên- năm 1927), Das Glasperlenspiel (Trò chơi hạt ngọc thủy tinh-1931).... Ở Việt Nam người ta biết và ái mộ ông nhiều nhất ở tiểu thuyết Siddhartha (Tất Đạt Đa), tác phẩm này từ lâu đã được Bùi Giáng dịch lần đầu tiên với tên “Câu chuyện của dòng sông”.
Ông còn là một nhà thơ xuất sắc, nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc. Xin giới thiệu một vài bài thơ của ông.

1) Bài 1 : Bởi vì tôi yêu em

Bởi vì tôi yêu em
Hermann Hesse

Bởi vì tôi yêu em trong đêm tối.
Nên bên em tôi cuồng dại, thầm thì.
Và để em không bao giờ quên lãng, 
Tôi bắt giữ hồn em theo với khối tình si.

Giờ hồn em thuộc về tôi mãi mãi,
Dẫu cảnh trạng xấu xa hay tốt đẹp êm đềm.
Từ cuồng dại, lửa tình yêu bốc cháy,
Không thiên thần nào cứu rỗi được giùm em.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Heinrich Heine (1797 - 1856) – Đức

Heinrich Heine (1797 - 1856) – Đức
Heinrich Heine sinh ngày 13.02.1797 ở Düsseldorf, Đức. Mất ngày 17 ,02. 1856 tại Paris, Pháp. Ông là một nhà thơ nổi tiếng hàng đầu của Đức chỉ đứng sau Goethe. Hai ngôi sao này đã đưa nền văn học Đức tiến lên ngang tầm thế giới. Người ta cho ông là nhà thơ duy nhất của mọi thời đại có thơ được phổ nhạc nhiều nhất trên thế giới ( Gần10.000 nhạc phẩm).
Một và bài thơ tiêu biểu:

1) Bài thơ “ Vì sao đóa hồng tái nhợt”( Why Is The Rose So Pale)

VÌ SAO ĐÓA HỒNG TÁI NHỢT?
Heinrich Heine

Người yêu ơi! Em hãy nói vì sao
Đóa hoa hồng lại trở nên tái nhợt?
Sao hoa tím điểm màu xanh phơn phớt
Thung lũng này giờ tàn tạ héo khô?

Sao sơn ca lẩn khuất bóng mây mờ
Cất tiếng hót nghe u buồn não ruột?
Nụ hoa thơm đáng yêu từ thuở trước
Cũng làm nên cảnh chết chóc mùa xuân?

Sao mặt trời trên đồng cỏ tơ nhung
Lại khắc nghiệt đến vô cùng kinh sợ?
Sao trái đất chỉ còn như nấm mộ.
Vỡ vụn rồi ảm đạm một màu tang?

Và tại sao đau khổ chính anh mang
Lại tiều tụy đến võ vàng như thế?
Sao tim ta vốn chân thành vô kể
Vì lẽ gì em lại bỏ rơi anh?

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Han Yong'un (1879-1944) Korea (Hàn Quốc)

Han Yong'un (1879-1944) Korea (Hàn Quốc)
Han Yong'un cũng được viết là Han Yong-woon, có tên thật là Han Yu-cheon và còn có bút danh quen thuộc là Manhae. Ông sinh ở tỉnh Gyeongsang. Ông là thiền sư, nhà cải cách Phật giáo Hàn Quốc, là nhà văn xã hội , là nhà thơ nổi danh của thời cận đại Hàn Quốc trong thế kỷ 20.Ông còn là nhà yêu nước đã tham gia kháng chiến chống Nhật giành độc lập.
Tập thơ nổi danh “ The Silence of Love” được viết năm 1926. Nó có mối quan hệ với “Bản tình ca mùa đông”- một bộ phim truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc.
Một số bài thơ của ông:

1) Bài thơ “Sự im lặng của tình yêu”:

Sự im lặng của tình yêu 
Han Yong'un  

Người yêu tôi từ biệt, tình yêu đằm thắm đã ra đi. 
Ánh sáng chia từng mảng trên dãy núi xanh, tan vỡ cùng tôi từng bước.
Theo con đường nhỏ dẫn đến khu rừng mùa thu.
Lời thề xưa, đã một lần tác động, rạng rỡ như một đóa hoa vàng.
Giờ trở thành tro bụi âm u, bay theo gió lộng.
Nỗi nhớ về nụ hôn đầu say đắm.
Nụ hôn làm thay đổi số phận, đã ràng buộc đời tôi.
Giờ cũng nhạt nhòa tan biến mất.
Tôi trở thành người điếc trước giọng nói dịu ngọt của người yêu.
Và trở thành mù lòa trước khuôn mặt hoa xinh xắn.
Từ thời điểm chúng tôi đã gặp, tôi đã mang nỗi lo âu về sự biệt ly,
Bởi tình yêu con người cũng là cái nghiệp.
Tôi từng nhắc nhở nàng lưu ý, nhưng biệt ly vẫn đến bất ngờ.
Làm choáng váng con tim, khiến nó bật tung theo nỗi buồn đau mới.
Dẫu thế nào đi nữa, tôi biết đó cũng là điều để ta nhận rõ tình yêu.
Đễ xóa bỏ biệt ly, không để nó hiện về trong giếng nước mắt sâu vô ích.
Tôi đã chuyển đi nỗi đau đớn dày vò không thể nào kiềm chế.
Trút lên niềm hy vọng vừa mới tái sinh.
Ngay khi chúng tôi gặp gỡ, chúng tôi đã lo lắng về nỗi biệt ly.
Và khi chúng tôi chia tay, chúng tôi vẫn có niềm tin về một ngày gặp lại.
Ôi! Người yêu tôi đã bỏ đi, và tôi không muốn đuổi theo.
Có bài hát tình yêu bất khuất, nó vòng quanh trong im lặng tình tôi.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

GIORGOS SEFERIS (1900 - 1971) - Hy Lạp

GIORGOS SEFERIS (1900 - 1971) - Hy Lạp 
Giorgos Seferis at age 21 (1921) 
Giorgos Seferis có tên thật là Giorgos Stilianu Seferiadis. Sinh ngày19-2-1900 tại Smyrna (nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Mất ngày 20-9-1971 tại Athen, Hy Lạp. Ông là nhà thơ xuất sắc của Hy Lạp được trao giải Nobel Văn học vào năm 1963.

HÃY NÓI LÊN BẰNG ĐÀN UKULELE (1)
(Fog : Sương mù)
Giorgos Seferis

Hãy nói lên bằng đàn Ukulele.
Tiếng rè rè phát ra từ máy cũ. (2)
Biết nói gì để cho nàng hiểu.
Lòng cô đơn buồn bã của tôi?

Với hòa quyện của phong cầm ép chặt. (3)
Dáng bảnh bao của những gã ăn mày.
Họ kêu gọi thiên thần nơi thượng giới.
Nhưng thiên thần là địa ngục không may.

Dẫu thiên thần mở ra đôi cánh.
Bên dưới kia lại dày đặc sương mù.
Tạ ơn trời, họ có gì nắm bắt.
Ngoài linh hồn nghèo khổ sống âm u.

Và cuộc sống lạnh câm như loài cá.
Cuộc sống thế này ? Biết cách nào hơn?
Bao nhiêu người đã bị dìm chết đuối.
Dưới mặt giường biển cả mông mênh.

Cây cũng giống rừng san hô uốn lượn.
Trong sắc màu biến đổi lặng trôi.
Xe bò giống con tàu chậm chạp.
Bị chìm trong cô độc lẻ loi.

Hãy nói lên bằng đàn Ukulele.
Lời cho lời và lời hơn thế nữa.
Người yêu ơi! Nhà thờ em ở đâu?
Tôi mệt mỏi vì quạnh hiu ẩn dật.

Ôi! Đời vốn thế nhưng vô cùng trung thực.
Rồi chúng ta phải biết sống thế nào!
Nhưng số mệnh còn quẩn quanh cơm áo.
Trong phận đời, người đến nhỏ nhoi sao!

Và người đến là những gì? Ai biết?
Khi ánh sáng mặt trời bên ánh sáng hẩm hiu.
Xám xịt, xanh xao thảy đều câm lặng.
Và linh hồn chúng ta bị đày đọa quá nhiều.

Chúng ta tìm có thấy nguồn an ủi.
Trước cảnh ngày đang đặt vào đêm.
Khi tất cả mọi thứ đều đen tối.
Sẽ kiếm được điều chi nếu chúng ta tìm?

Hãy nói lên bằng đàn Ukulele.
Tôi nhìn thấy tay nàng móng đỏ.
Ánh lò sưởi họ phải cời rực rỡ.
Và sực nhớ nàng qua tiếng nàng ho. 

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG 

Gaius Valerius Catullus (Từ 84 - 54 tr.CN) - La Mã cổ đại

Gaius Valerius Catullus (Từ 84 - 54 tr.CN) - La Mã cổ đại

Tượng bán thân của Catullus tại Sirmione
Gaius Valerius Catullus (khoảng năm 84 - 54 tr. CN) là một nhà thơ Latin
của La Mã cổ đại . Tác phẩm của ông phần lớn đã bị thất lạc, tuy nhiên số còn lại vẫn có giá trị và tiếp tục ảnh hưởng đến các hình thức nghệ thuật thi ca đời sau.
Một vài bài thơ của ông.

1) Bài 1 :

Hãy để chúng ta sống
Catullus

Lesbia, hãy để chúng ta sống và chúng ta yêu.
Xét lại mọi tin đồn của những người thủ cựu
Giá trị chỉ đáng một xu.
Mặt trời có thể lặn đi rồi mọc dậy.
Khi ánh sáng lịm dần.
Ta phải ngủ say một đêm bất tận.
Hãy cho anh nghìn nụ hôn, rồi trăm nụ nữa.
Rồi thêm nghìn nụ khác, rồi sau nữa hai trăm.
Rồi lại hơn một nghìn, rồi hơn trăm nụ khác.
Khi chúng ta đã thực hiện hàng nghìn.
Sẽ hòa lẫn chúng vào nhau để không còn thể biết.
Vì lẽ này, không còn ai ganh tị, không thể phát hiện ra.
Có bao nhiêu nụ hôn mình đã cùng chia sẻ

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG 

FRIEDRICH HÖLDERLIN (1770–1843) – Thi hào Đức

 FRIEDRICH HÖLDERLIN  (1770–1843) – Thi hào Đức
Friedrich Hölderlin, thi hào Đức, sinh tại Lauffen-Neckar ngày 30.3.1770, mất tại Tubingen ngày 7.6.1843. Ông là bạn học cũ cùng thời của Hegel và Schillerở Đại học Tubingen. Hölderlin là nhà thơ kỳ tài ở đầu thế kỷ 19, thơ ông mang nặng tư duy về triết học và được nhiều người ngưỡng mộ. Chính vì vậy,tên tuổi của ông đã gắn liền với những triết gia lớn như Kant, Plato, Hegel, Nietzsche và Heidegger.......

Xin giới thiệu vài bài thơ của ông:

Bản dịch 1:

Nửa phần cuộc sống
Friedrich Hölderlin

Lê vàng buông treo lơ lửng..
Hoa hồng hoang dại nở đầy.
Soi bóng bên mặt hồ lay.
Những con thiên nga xinh xắn.
Chạm từng nụ hôn say đắm.
Chúi đầu lặn ngụp triền miên.
Tỉnh táo trong dòng nước thiêng.

Đáng tiếc cho tôi sẽ mất!
Khi mùa đông vắng hoa tươi.
Và đâu ánh sáng mặt trời.
Và đâu bóng che cõi đất?
Những bức tường câm lặng ngắt.
Lạnh lùng trong gió chơ vơ.
Chỉ nghe khua động lá cờ.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Federico Garcia Lorca (1898 - 1936) - Tây Ban Nha

Federico Garcia Lorca (1898 - 1936) - Tây Ban Nha
Federico Garcia Lorca (5 tháng 6 năm 1898 – 19 tháng 8 năm 1936) là một nhà thơ, nhà soạn kịch, ông còn nổi tiếng là nhạc công và họa sĩ. Trong cuộc nội chiến của Tây Ban Nha, khi ông trở về Granada ở miền Nam( quê hương ông), ông bị phe phát- xít Franco bắt và xử bắn. Ông được xem là một trong những nhà thơ hiện đại lớn nhất của Tây Ban Nha trong thế kỷ 20.
Thơ của Federico García Lorca được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Giới thiệu một vài bài thơ của ông.

1) Bài 1:
Lời oán trách ngọt ngào 
Federico Garcia Lorca

Đừng để anh đánh mất vẻ diệu kỳ.
Ánh mắt em lặng thầm như pho tượng.
Từ giọng nói, hơi thở còn thoảng vướng.
Đóa hồng đơn trên má ngát hương đêm.

Anh sợ e mình chỉ đứng bên triền.
Làm thân cây trọi cành đau khổ nhất.
Không hoa trái, không được nuôi từ đất.
Bởi loài sâu gây tuyệt vọng mỏng manh.

Nếu em là kho báu giữ riêng anh.
Là thập giá làm nỗi đau dịu tắt.
Anh sẽ mãi trung thành với em là chủ nhân duy nhất. (1)

Đừng để anh đánh mất cả thiên đường. (2)
Đừng điểm tô sông rẽ nhánh yêu thương.
Với lá mùa thu lìa cành hiu hắt.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Faiz Ahmad Faiz (1911 – 1984) - Pakistan

Faiz Ahmad Faiz (1911 – 1984) - Pakistan

Faiz Ahmad Faiz sinh ngày 13.02.1911 ở Sialkot, Punjab và mất ngày 20.11. 1984 ở Lahore (73 tuổi).. Ông là giáo viên, nhà báo, nhà văn, nhà thơ xuất sắc, nhà thơ lớn hàng đầu của Urdu trong thế kỷ 20...Ông từng bị chính phủ Pakistan cầm tù và sống lưu vong với người Palestine tại Beirut. Năm 1964, Faiz trở về đất nước của mình và định cư tại Karachi. Năm1984 ôngđược đề cử nhận giải Nobel Hòa bình nhưng cũng vừa lúc ông qua đời. Faiz Ahmad Faiz đã nhận nhiều giải thưởng về văn học, đặc biệt là giải thưởng Lenin của Liên Xô.

Sau đây là bài thơ của ông được nhiều người ưa thích.

Xin em đừng hỏi
Faiz Ahmad Faiz

Người yêu ơi! Xin em đừng hỏi!
Về tình yêu một lần anh đã có với em.

Khoảng thời gian đời tươi sáng êm đềm.
Tuổi thanh xuân tựa như hoa bừng nở.
Và nỗi buồn gây em đầy khốn khổ
Vẫn nhiều hơn qua đau đớn gian truân.
Vẻ đẹp em còn mãi sắc hương xuân.
Đôi mắt em để hồn anh mộng mị (1)
Mọi thứ khác như trở thành vô vị.

Anh ngỡ em là thế giới của anh.
Giờ biết mình mang ảo giác mong manh
Điều tưởng tượng chỉ do anh để lại.
Khi nỗi buồn còn lớn hơn tình ái
Hơn cả niềm vui tràn ngập vây quanh.

Người yêu ơi! Xin em đừng hỏi anh!
Về tình yêu đã một lần với em hiện diện.

Được dệt bằng lụa, xa tanh, bằng gấm thêu kim tuyến
Có lời nguyền bạo ác tối tăm nhiều thế kỷ đi qua.
Có những thân thể dính bụi nhơ và tắm máu sa.
Từ thị trường này bán ra cho thị trường nơi khác.
Những cơ thể mọc lên từ bệnh tật ốm đau chứa đầy trong vạc.
Mủ nhỏ giọt tanh hôi từ các vết thương.
Làm mắt anh phải thay đổi hướng nhìn...
Em vẫn đẹp xinh, hỡi em yêu dấu!
Anh vô vọng tột cùng, em nào hiểu thấu. (2)
Bởi những nỗi buồn còn hơn cả tình yêu
Dẫu có niềm vui dào dạt biển triều. (3)

Người yêu ơi! Xin em đừng hỏi!
Về tình yêu vời vợi, về tình yêu một lần anh đã có với em...

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Eugenio Montale (1896 – 1981) - Ý (Italia)

Eugenio Montale (1896 – 1981) - Ý (Italia)

Eugenio Montale sinh ngày 12 tháng 10 năm 1896 tại Genova và mất vào ngày 12 tháng 9 năm 1981 tại Milano (Thọ 85 tuổi). Là nhà thơ, nhà phê bình văn học người Ý, đoạt giải Nobel Văn học năm 1975. Ông được đánh giá một trong những nhà thơ lớn nhất của Ý trong thế kỷ 20.

Trích Phần 14 của XENIA 1

Họ bảo rằng thơ anh...
Nguyên tác: Eugenio Montale

Họ bảo rằng thơ anh không tùy thuộc người nào.
Nhưng đã từng là của em, vậy cũng là của một ai rồi đó.
Nó từng là của em, hình thức xưa không kéo dài hơn nữa,
nhưng lại mang bản sắc bóng hình riêng.
Họ bảo rằng thơ vẫn có đỉnh cao.
Được tôn vinh, cánh nàng thơ bay bỗng.
Họ bảo nó là rùa.
Không thể nhanh như ánh chớp.
Em một mình đã biết.
Rằng vận động hay đứng yên cũng chỉ một mà thôi.
Rằng trống không cũng là chính tràn đầy.
Và bầu trời sáng trong vẫn có mây bàng bạc.
Em sẽ hiểu mình hơn cuộc hành trình xa thẳm.
Bị giam cầm trong khuôn đúc, vải băng.
Đã khiến anh thêm nhạy bén cảm quan.
Biết việc làm của chúng ta vẫn còn đơn độc.
Cho dù đó là hai hay một,
vẫn khiến anh không được phút yên bình.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Emily Dickinson (1830-1886) - nhà thơ Mỹ (American)

Emily Dickinson (1830-1886) - nhà thơ Mỹ (American)
Là nhà thơ nữ ở thế kỷ 19 nhưng lại nổi tiếng ở thế kỷ 20. Bà được đánh giá là một trong những nhà thơ lớn của Mỹ cùng với những nhà thơ lớn khác như Walt Whitman, Wallace Stevens,Robert Frost, T. S. Eliot... Là tác giả củakhoảng 1.800 bài. Những bài thơ tuy ngắn nhưng rất súc tích, chứa nhiều ý tưởng mới lạ, độc đáo. Ở nước ta, từ lâu cũng như hiện nay, một số bài thơ của bà được dịch và đã được trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn (khoa văn học và ngôn ngữ)giới thiệu.

Sau đây là một vài bài thơ của bà.

Bài 1 :
Dòng sông của tôi
Emily Dickinson

Dòng sông tôi dào dạt tới nơi anh.
Vùng biển xanh, có ân cần tôi đến ?
Dòng sông tôi chờ đợi trả lời.
Ơ, biển ơi! Sao cứ nhìn độ lượng.
Tôi sẽ mang lại niềm say mê bằng hồn của suối.
Từ góc bình yên bị pha lẫn ố hoen.
Hãy nói đi, biển ơi! Hãy chấp nhận giùm tôi tâm tưởng.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

My River
Emily Dickinson

My river runs to thee.
Blue sea, wilt thou welcome me?
My river awaits reply.
Oh! sea, look graciously.
I’ll fetch thee brooks
from spotted nooks.
Say, sea, Take me!

Des Nhà thơ Nam Phi (South Africa)

Tình yêu từ xa
Des

Tôi nhìn thấy màu xanh lá cây từ cơn bão hất tung sóng biển.
Phản chiếu trong mắt em vẻ khôn ngoan, liều lĩnh, đáng yêu.
Có núi lửa phun trào, lửa tóe rơi, chảy tràn cùng tro bụi.
Mái tóc em tuyệt vời, em để vẻ đắm say nhiệt tình náo nức.
Vẻ đẹp thanh thản của bóng trăng cũng chính là khuôn mặt của em.
Như có mặt trời mọc dậy cho trái tim em nồng ấm tình yêu, thêm phần quyến rũ.
Tôi được ve vuốt bởi cảm giác mù sương, ẩm ướt, nồng nàn.
Gợi nhớ đôi môi đáng yêu của em khi chúng ta trao gửi nụ hôn.
Dù chúng mình cách xa cô độc, nhưng tinh thần vẫn như là một.
Mọi hơi thở này dành để cho em, em là tình yêu của tôi, là mặt trăng, mặt trời bất diệt.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Love From Afar
by Des 

I see the green of a storm tossed ocean wave
Reflected in your eyes, wise, loving and brave
The volcano erupts, spewing fire, lava and ash
Your hair crowning your passion, verve and dash
The serenity and beauty of the moon is your face
The rising sun your heart’s warm love and grace
I am caressed by the feel of the warm moist mist
A reminder of your lovely lips when we two kissed
Though we are apart and lonely, our spirits are one
Every breath is for you my love, my moon and my sun

Dante Alighieri (1265 – 1321) - Ý (Italia)

Dante Alighieri (1265 – 1321) - Ý (Italia)
Durante degli Alighieri hay Dante Alighieri, gọi tắt là Dante. Ông sinh ngày 14.05.1265 (có tài liệu là 13.06.1265) tại Firenze, Italy. Mất ngày16 tháng 2, 1321(Thọ 56 tuổi) tại Ravenna, Italy. Ông là nhà thần học, thi hào nổi danh của Ý. Có hai kiệt tác là La Divina Commedia (Thần khúc) và La Vita Nuova (Cuộc đời mới).
Sau đây là vài bài thơ được trích đoạn ở La Vita Nuova (Cuộc đời mới).

1) Bài 1 : Trích Phần 07 của tác phẩm “La vita Nuova” 

Hỡi những ai đi qua con đường tình yêu!

Hỡi những ai trải qua đường tình ái!
Hãy lắng nghe để xem xét giùm tôi.
Nỗi khổ đau chôn như nấm mộ đời.
Hãy dung thứ và cho lời phản ảnh.
Nào tôi phải là đỉnh cao, mở mọi điều bất hạnh.
Đâu phải tình yêu có giá trị mỏng manh.
Mà đã qua bao tráng lệ huy hoàng.
Cho đời tôi thật ngọt ngào hoàn mỹ.
Tôi thường nghe lời bên sau thầm thĩ:
“Trời đã ban cho đức hạnh tuyệt vời.
Trái tim này chắc hẳn ngập niềm vui”?
Giờ tôi mất cả mọi lời thuyết phục.
Bị tan biến cả tình yêu vàng ngọc.
Tôi trưởng thành trong khổ sở đáng thương.
Trên lối đời trơ trọi rỗng lời buông.
Khi ước vọng chỉ dường như có một.
Tôi che dấu nỗi khốn cùng chua xót.
Bằng niềm vui biểu lộ vẻ bên ngoài.
Mà trong tim thổn thức khóc vì ai.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Charles Harpur (1813 - 1868) - Austrelian (Úc)

Charles Harpur  (1813 - 1868) - Austrelian (Úc)
Charles Harpur được sinh ra tại Windsor, New South Wales. Ông trải qua các công việc : làm nông trại, chăn nuôi, khai thác vàng... Ông là nhà phê bình, nhà văn, nhà viết bi kịch, sử thi, là nhà thơ khá thành công ở Úc.Ông đã chịu nhiều ảnh hưởng ở Shakespeare ngay từ thuở nhỏ. Thơ ông được xuất bản từ năm 1853.
Xin giới thiệu một vài bài Xôn-nê của ông.

Bài 1 :
XÔN-NÊ 
( Bài I )
Charles Harpur

Khi bình minh mang vẻ đẹp lên đồi,
Như cô dâu rời phòng khuê dạo bước.
Khuôn mặt hồng, ửng sáng ngời hạnh phúc,
Sau hợp hôn hoàn hảo của tình yêu.
Để tim đầy mộng ước, mắt bừng theo.
Giữa ngàn xanh, hoa yêu kiều ám ảnh.
Sương dìu dịu đón nắng về lóng lánh.
Bóng núi xanh vươn sừng sững giữa trời.
Từ đêm qua nghe gió nhẹ buông lơi.
Xuyên rừng rậm như đáp lời ẩn chứa.
Thêm dịu dàng cho ánh trăng nhảy múa.
Hòa điệu nhạc thiên nhiên từ nơi tiếng thác reo.
Tuy chúng mình chưa cảm nhận được nhiều.
Nhưng mãnh lực tình yêu đã kề trong mắt liếc.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG 

Boris Pasternak (1890 – 1960) Nga - Xô viết

Boris Pasternak (1890 – 1960) Nga - Xô viết
Boris Leonidovich Pasternak (tiếng Nga: Борис Леонидович Пастернак). Ông sinh ngày 10.02.1890 tại Moscow và mất vào ngày 30. 5.1960 (70 tuổi). Pasternak là một nhà thơ lớn, nhà văn lớn Nga-Xô viết đoạt Giải Nobel Văn học năm 1958. Ông nổi tiếng thế giới với tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago (Доктор Живаго), tuy nhiên người Nga lại coi trọng thơ ca của ông nhiều hơn.

MÙA THU
Boris Leonidovich Pasternak

Anh chấp nhận để gia đình phân tán.
Cùng em yêu ta chung bước khởi hành.
Một lần nữa sống triền miên cô độc.
Cả đất trời hiu hắt ở hồn anh.

Túp nhà tranh nơi chúng mình ẩn náu.
Rừng âm u hoang dã,vắng chân người.
Lối đường mòn tựa như trong bài hát.
Cỏ mọc tràn qua hang hốc mọi nơi.

Chúng ta ngồi chỉ đôi mình hiện diện,
Trông vách gỗ nhìn ta chăm chú vẻ thê lương.
Ta thầm hiểu phải vượt nhiều trở ngại,
Phải lo toan cho sự thực cùng đường.

Ngồi một lúc, lần thứ ba rời dậy.
Anh sách đèn, em kim chỉ đều tay.
Không lưu ý rạng đông, mình âu yếm.
Nụ hôn nào kết thúc để tình ngây.

Em đáp lại niềm đắm say vội vã.
Tiếng áo quần sột soạt khẽ khàng buông.
Chén cay đắng rót đầy ngày quá khứ.
So hôm nay còn chất ngất đau buồn.

Trong niềm vui, sự hiến dâng, khao khát.
Tháng Chín về náo động tiếng lòng xô.
Em đắm mình giữa mùa thu xào xạc.
Để ngất ngây mang im lặng điên rồ.

Khi em rơi vào vòng tay êm dịu.
Em khoác người trong chiếc áo choàng tơ.
Em khẽ lắc cho lụa là trút xuống.
Như thân cây làm rụng lá không ngờ.

Em hạnh phúc giữa đời anh tai hại.
Khi cuộc sống tồi hơn chờ bệnh tật ốm đau.
Chỉ can đảm là gốc nguồn vẻ đẹp.
Để đôi lòng kéo ta lại gần nhau.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Blaga Dimitrova (1922 – 2003) - Bulgaria

Blaga Dimitrova  (1922 – 2003) - Bulgaria
Blaga Dimitrova (Блага Димитрова ) có tên đầy đủ là Blaga Nikolova Dimitrova . Sinh ngày 02.01.1922 tại Byala Slatina , Bungaria. Mất ngày 02 . 05. 2003 (81 tuổi) tại Sophia. Năm 1951,bảo vệ luận án tiến sĩ thành công ở Moscow (Liên Xô). Là nhà thơ nữ , nhà văn, nhà báo nổi tiếng, được trao tặng nhiều giải thưởng văn học ở Âu Châu... làm Tổng thư ký hội Hữu nghị Bungaria –Việt Nam 
Trong thời gian chiến tranh bà có sang thăm Hà Nội 5 lần và viết nhiều tác phẩm về Việt nam.

Ôm
Nguyên tác: Blaga Dimitrova

Trái tim trong trái tim – Hơi thở chìm trong hơi thở.
Em không còn nhìn thấy anh vì anh quá đỗi gần.
Chỉ thấy ngọn núi mờ xa khuất trên vai anh.
Em cảm thấy dường như mình trượt về phía trước.

Em nghe tiếng tim đập loạn cuồng của những vì sao.
Gió hổn hển đứt hơi bị chặn mình trong lá. (1)
Như mở chào bóng tối rừng đêm trải dài lan tỏa.
Có những cành dang tay tìm đón tình em.

Em nuốt chửng khoảng không trong rạo rực âm thanh.
Siết cả núi, mây, cả những vì sao, áp vào lồng ngực.
Trong vòng hẹp của cái ôm quyện chặt. (2)
Em ôm choàng cả thế giới vô biên.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG