Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Tam Vỹ Thanh - Hàn Sĩ Nguyên

TAM VỸ THANH là một thể thơ thất ngôn bát cú cổ (bảy chữ, tám câu), có một nét đặc trưng “quái chiêu” là ba âm cuối trong mỗi câu đều được LÁY ÂM.

+Nếu từ chính vần bằng, ba âm láy sẽ là từ ấy được thay đổi dấu thanh. 
Thí dụ 
-TE : “tẻ tè te” 
-HÒ : “hó hỏ hò” 
-HÈ : “hé hẻ hè”
-TI : “tỉ tì ti” v.v...

+Nếu từ chính vần trắc, từ đầu của ba âm láy sẽ phải biến cải thành thanh bằng, bằng cách dùng một từ tương cận. 
Thí dụ 
-RÉC : “Reng réc réc” 
-SÁT : “San sát sát” 
-VÓT : “Von vót vót”
-KIẾU : “Kiêu kiếu kiếu” v.v... 

Trong các thư tịch cổ, hầu như đều không thấy bóng dáng thể loại thơ này, duy chỉ có “Việt Nam Văn Học Sử Yếu” và “Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển” của GS.Dương Quảng Hàm là có ghi lại một bài thơ Tam Vỹ Thanh như sau :

VỸ TAM THANH

Tai nghe gà gáy tẻ tè te, 
Bóng ác vừa lên hé hẻ hè. 
Non một chồng cao von vót vót, 
Hoa năm sắc nở loẻ loè loe. 
Chim tình bầu bạn kia kìa kỉa, 
Ong nghĩa vua tôi nhẹ nhẻ nhè. 
Danh lợi mặc người ti tí tỉ, 
Ngủ trưa chưa dậy khoẻ khoè khoe.

Vô Danh 

Trong bài thơ nói trên có 2 điều cần cân nhắc lại :

-Một là, tên của thể loại thơ này, theo thiển ý, phải là TAM VỸ THANH, chứ không phải VỸ TAM THANH như đã được GS.Dương Quảng Hàm ghi chép lại. Bởi vì nếu muốn nói chữ Nho “Ba âm cuối” tất phải nói là TAM VỸ THANH, chứ không thể nói ngược thành VỸ TAM THANH được. 

-Hai là, về tác giả bài thơ nói trên, dù GS.Dương Quảng Hàm đã ghi tên tác giả là VÔ DANH (tức ...không tên), nhưng nếu xét theo văn phong, cá tính người viết, thì có đến 90% tác giả bài thơ ấy là “ông Nghè hay trào lộng” Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến vậy. Trong số các tác gia thời cổ, hầu như chỉ riêng có Nguyễn Khuyến là có kiểu thơ dùng những vần “tí”, “teo”, “te”, “loè” v.v... trong “bé tẻo teo”, “mây gợn tí”, “đóm lập loè” .... mà thôi. Dù sao, đây cũng chỉ là một nhận xét có tính chủ quan, HSN thực sự không dám khẳng định bất cứ điều gì.

Tóm lại, mặc dù Tam Vỹ Thanh có nguồn gốc từ Thất ngôn bát cú Đường luật của Trung Quốc, nhưng lại chính là một nhánh Thất ngôn bát cú biến cách của Việt Nam ta, mà người sáng tạo ra nó có thể là Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, cách đây hơn một trăm năm.

Từ sau bài thơ ấy, hầu như không thấy có tác giả thứ hai nào khác sử dụng thể thơ này, từ Tú Xương, Học Lạc, Tú Mỡ cho đến các nhà thơ trào phúng gần đây như Bút Tre, Cung Văn v.v... cũng đều không thấy có tác phẩm nào viết dưới dạng Tam Vỹ Thanh cả.

Kể ra như thế thật là đáng tiếc cho một thể loại thi ca đặc sắc, đậm đà hương vị Việt Nam, lại bị mai một dần cùng năm tháng. Xuất phát từ niềm luyến tiếc ấy, Hàn Sĩ Nguyên và các bạn thơ như Hồng Thất Công, Ngu Phu, Chu Hà, Tâm Đạo ... gần đây đã không quản sức mình bất khả, thơ mình vụng về, mạnh dạn khôi phục lại thể thơ này.

Tại đây, xin hiến tặng quý vị độc giả một ít bài thơ Tam Vỹ Thanh, như một tấm chân tình nhớ đến sáng tạo của người xưa. Mong quý vị độc giả miễn thứ cho nếu có điều gì còn sơ xuất. HSN trân trọng.

BÁC ĐẾN CHƠI NHÀ 

Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà
Cải chửa ra hoa cà chửa nụ
Bầu vừa rụng rốn mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách trầu không có
Bác đến chơi đây ta với ta 

Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến

BÁC ĐẾN CHƠI NHÀ 
-Tam Vỹ Thanh-

Bác ghé lại thăm nhá nhả nhà
Chợ thời xa quá xá xà xa
Bạn nghèo chớ mộng cà ca cá
Chủ kiết đừng mơ gá gả gà
Cà cải còn đang nhu nhú nhũ
Mướp bầu chưa trổ hỏa hòa hoa
Trầu vôi em chẳng cò co có
Ngáp gió cười suông há hả hà 

Hàn Sĩ Nguyên

CẢM TẾT 

Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo !
Tiền bạc trong kho, chửa lĩnh tiêu.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu
Bánh đường sắp gói, e nồm chảy,
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu...
Thôi thế thì thôi, đành tết khác,
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo ! 

Tú Xương

Hai bài cảm tác Tam Vỹ Thanh 

TẾT ... PHÈO 

Tết này Tết nhịn phẻo phèo phèo
Chơi Tết, chẳng cần tiểu tiểu tiêu
Rượu đắng môi khô không khốc khốc
Trà ngon miệng nhạt nhẽo nhèo nhèo
Lòng không dạ trống rồng rông rỗng
Mỏi gối mòn gân khoẻo khoẻo khoeo 
Bắt rận tiêu sầu, gai gái gãi
Tết này Tết nhịn phẻo phèo phèo 

Hồng Thất Công 

MEO ... TẾT 

Tết này ca khúc mẻo mèo ... meo !
Bạc cắc tiền xu, quéo quéo queo
Rượu cúc nhép môi chem chép chép
Trà sen chặc lưỡi xíu xìu xìu
Chả, nem nghĩ tủi thân thần thẫn
Giò, kiệu mơ buồn thỉu thỉu thiu
Ngáp gió hẹn xuân khang khác khác
Tết này ca khúc mẻo mèo ... meo ! 

Hàn Sĩ Nguyên 

Thêm một vài bài thơ TAM VỸ THANH 

ĐÊM 30 NẰM NGHE ...

Canh khuya máy nổ ỏ ò o
Vang vọng tiếng ai hó hỏ hò
Đón Tết ve sầu reng réc réc ?
Mừng Xuân ong mật vỏ vò vo ?
Dăm con vượn ốm hù hu hú ?
Một đám thợ rừng cứa cứa cưa ?
Tỉnh giấc giật mình ... ơn ớn ớn
Mới hay : vợ ngáy ... khỏ khò khò !

Hàn Sĩ Nguyên

CHƯA ... HỎI

Vội vàng chưa hỏi ... chửa, chừa chưa ?
Cái tội ham vui bứa bửa bừa
Kế hoạch chẳng may hô hố hố 
Buồn tênh nghe tiếng mửa mừa mưa 
Thở dài than ngắn nhìn nhin ... nhịn 
Tựa gối kề vai ... ngứa ngửa ngừa 
Nở nhụy, chồng con rinh rích rích 
Lại vui như thuở xứa xừa xưa ! 

Hàn Sĩ Nguyên 

Đặc trưng của thể loại TAM VỸ THANH : 

-Nếu 3 âm cuối chỉ là 3 từ láy âm bình thường : thì bài thơ chỉ có tính cách vui nhộn mà thôi, ngoài ra không có gì đặc sắc cả 

-Trong trường hợp 3 từ láy âm có đến 2, hoặc 3 nghĩa khác nhau : thì bài thơ trở thành một ... “quái chiêu” thực sự vậy 

Thí dụ : 
Trong bài thơ TẾT PHÈO của Bác Bảy H7C có câu : 

Tết này tết nhịn phẻo phèo phèo 
Câu này chỉ là láy âm thường : ý nói NHỊN PHÈO. 

Chơi tết, chẳng cần tiểu tiểu tiêu 
Ba chữ cuối câu này có 2 nghĩa : ý nói “Không ăn tết, chỉ đi chơi tết, thì không cần phải TIÊU tiền”, nhưng lại bao hàm nghĩa thứ nhì : chẳng cần ... đi tiểu, đi tiêu chi sất !!! Có gì vào bụng đâu mà ... ra? Thế mới ... quái !) 

Thí dụ khác : 
Trong bài thơ CHƯA HỎI của HSN có câu : 

Vội vàng chưa hỏi chửa, chừa chưa ? 
.......................Láy âm 3 nghĩa : chửa, chừa chưa ? 
Cái tội ham vui bứa bửa bừa 
.......................Láy âm 2 nghĩa : bửa bừa = phang ẩu 
Kế hoạch chẳng may hô hố hố 
.......................Láy âm 2 nghĩa : kế hoạch ... hố (lỡ bộ, bể kế hoạch), và cười ... hô hố 
Buồn tênh nghe tiếng mửa mừa mưa 
.......................Láy âm 2 nghĩa : tiếng mửa, và tiếng mưa 

Tóm lại 

Muốn cho TAM VỸ THANH đặc sắc, nhất thiết phải gài được vào bài thơ những từ láy âm 2, 3 nghĩa thì TAM VỸ THANH mới hay . Còn nếu chỉ láy âm bình thường thì kể như ... uổng lắm, uổng lắm vậy ! Ước mong sao thể loại thơ này còn lại mãi với thời gian !

0 nhận xét:

Đăng nhận xét