11. Nỗi buồn của Diệu-thường trong khi ở chùa
Thoắt thôi về chốn tĩnh-đường,
Buồn trông phong-cảnh tha-hương ngập-ngừng.
Kìa thì bụt, nọ thì tăng,
Than rằng: "Đội đức cù lao,
Bể sâu mấy mấy trượng ? Trời cao mấy trùng ?
Nếu sinh là kiếp đàn ông,
Thời tìm nước thẳm, non bồng quản chi ?
Bởi sinh là phận nữ-nhi,
"Nghĩ thì càng tủi, nhớ thì luống thương.
Từ-ô chim-chóc vật thường,
Còn mong kiếm chốn tìm đường trả ơn.
Mưa sầu gió thảm từng cơn,
Để ai chịu phận thờn-bơn một bề !
Biết ai giãi tấm lòng quê ?
Có chăng đợi đức từ-bi chuyển vần."
Nghĩ xa thôi lại nghĩ gần,
Chạnh lòng xảy nhớ Châu, Trần nghĩa xưa.
Giãi-dầu kể mấy nắng mưa,
Thề phai, nguyền nhạt, bây giờ biết đâu ?
Quạt này ai để cho nhau,
Phong phong, mở mở giãi sầu làm khuây.
Chốn Lam-kiều cách nước mây,
Bùi-Hàng kia dễ biết đây nẻo nào ?
Non Thiên-thai mấy trượng cao,
Lưu-Lang chưa dễ tìm vào tới nơi.
Đã đành góc bể bên trời,
Lân-la ngày bạc quá vời xuân-xanh.
Một mình những tủi duyên mình,
Nén hương biếng thắp, quyển kinh ngại nhìn.
12. Sư già khuyên giải Diệu-Thường
Phải khi sư-phụ bước lên,
Dè chừng mới hỏi rằng "duyên-cớ nào ?
Ra chiều ủ liễu phai đào,
Hạt châu lai-láng, quyển bào chưa phai.
Hay là nhớ chốn Chương-đài,
Xạ lan mùi cũ, hán hài thói xưa.
Hay là nhớ nỗi mây mưa,
Ước ao nghĩa phượng, đợi chờ bạn loan ?
Hay là tiếc thuở hồng-nhan,
Sợ phai thức phấn, e tàn nhị hoa ?
Hay là khổ-hạnh tương cà,
Hư thân mâm ngọc đũa ngà bấy nay ?"
Diệu-Thường ren-rén thưa bày :
"Nỗi tôi, tôi bạch, lạy thầy, thầy thương.
Loạn-ly từ cách gia-hương,
Trông ơn thầy đã rộng đường bao-dong.
Tưởng câu sắc sắc không không,
Dám đâu còn bận chút lòng gió trăng !
Chỉn e từ-mẫu lạc chừng,
Một mình chẳng biết suối rừng là đâu.
Mẹ già bóng ngả cành dâu,
Phòng khi sốt mặt, váng đầu cậy ai.
Đã lo cầu khẩn bụt trời,
Nào khoa cứu khổ, nào bài độ sinh.
Càng trông càng vắng phong thanh,
Lẽ nào hai chữ ân tình chẳng thương."
Thầy rằng: "Bĩ thái khôn lường,
"Trăng thường tròn khuyết, nước thường đầy vơi!
Nhịn sầu mà gượng làm tươi,
Kẻo khi nguyệt mỉa, hoa cười chẳng hay.
Hãy tu vẹn quả phúc này,
Đừng long tiết ngọc, chớ lay cơ huyền.
Kià Điạ tạng, nọ Mục-Liên,
Độ thân dẫu xuống cửu-tuyền cũng an.
Lọ là người ở trần-gian,
Đừng lo lắng nữa, chớ phàn nàn chi.
Ở đây nhờ đức Từ-bi,
Mẹ con ắt cũng có khi lại gần."
13. Diệu-Thường yên tâm nương-náu cảnh chùa
Nàng nghe thầy dạy ân-cần,
Tát vơi bể Sở, khơi dần sông Nghiêu.
Muối dưa đắp-đổi ít nhiều,
Sớm khua mõ cá, tối khiêu chuông kình,
Vầng trăng bạc, ngọn đèn xanh,
Dâng hương ngũ-vị, tụng kinh tam-thừa
Nhân hẩy gió, đức nhuần mưa,
Vượn dâng quả cúng, chim đưa hoa mừng.
Đàn thông, phách suối vang lừng,
Cá khe lắng kệ, chim rừng nghe kinh.
Mây phủ tán, liễu che mành,
Nước non Thiên-trúc, cung đình Bồng-lai.
Hoa thơm cỏ lạ đòi nơi,
Đã hay rằng cảnh có người mới yêu !
Vãng lai quan-khách dập-dìu,
Kẻ lên lễ phật, người vào bạch sư.
Nơi viết kệ, chốn đề thơ,
Mắt trần càng nhộn, lòng từ càng thanh.
Rửa không thế-tục thường tình,
Một bình-tĩnh-thủy, một cành dương-chi.
Nhữ mong nương náu qua thì,
Biết đâu cơ-tạo, chắc gì nhân-duyên.
14. Phan-sinh đến thăm cô ở Kim-lăng
Ai ngờ một tấm tự-nhiên,
Có khi cũng động đến trên chuyển vần.
Hai phương chỉ Tấn, tơ Tần,
Bỗng đâu như giắt dần-dần lại cho.
Phan-sinh từ ở Thành-đô,
Lần lần nắng hạ, mưa thu từng ngày.
Nhớ song thân, ngậm-ngùi thay,
Nhớ hương-thôn, cách nước mây mấy từng.
Nhớ xưa còn nhỏ nghe rằng :
Có cô tu ở Kim-lăng cũng gần.
Tức thì trỏ nẻo dời chân,
Thênh-thênh bãi bạc, lần lần dậm xanh.
Mới hay sơn thủy hữu tình,
Cỏ hoa đón khách, én anh đưa người.
Cửa chùa phơi-phới gần nơi,
Nhác trông cảnh bụt bầu trời lạ sao !
Chập-chồng quán thấp, lầu cao,
Hương nghi-ngút tỏa, hoa ngào-ngạt bay.
Chuông rền, mõ ruổi, khánh lay,
Thông già điểm trống, trúc gầy khua sênh.
Thầy đương kinh-giáo tập-tành,
Diệu-Thường đứng tựa bên mành câu-lơn.
Nhác trông ra mái tam-quan,
Thấy chàng niên-thiếu lạc ngàn ngẩn-ngơ.
Lạ con mắt, hãy còn ngờ,
Thác mành-mành, hỏi: "Khách thơ quê nào ?
Vả con người cửa mận đào,
Việc gì mà khéo tìm vào non sâu ?"
Sinh nghe khúm núm dưới lầu,
Gửi rằng: "Con cháu sang hầu sư cô.
Trình tên tuổi, bạch duyên-do,
Giở nông-nỗi trước, kể trò-chuyện sau."
Sư nghe lặng ngắm giờ lâu,
Quyển vàng sẽ gác, hạt châu sụt-sùi.
Dạy rằng: "Hãy bước vào ngồi,
Thế mà cô nghĩ là ai, vô tình !
Mới thăm hỏi sự nhà mình,
Anh thong-thả, chị bình-ninh, cô mừng.
Khen ai tỏ nẻo đưa chừng,
Cho con lặn suối, băng rừng tới đây !
Đây tuy thú mọn cỏ cây,
Thanh nhàn cứ ở lâu ngày cũng quen.
Gần cô cho tiện sách đèn,
Lọ là khuất-nhiễu chốn phiền-hoa chi !
Cũng đừng áy-náy lòng quê,
Bao giờ áo gấm mặc về mới cam !
Ngựa hồng, đai bạc, áo lam,
Trời cho, vả có chí làm thì nên !
Phải khi hương lửa bén duyên,
Bõ công tuổi-tác, rạng nền tổ-tông."
15. Phan-sinh được sư cô lưu ở chùa đọc sách
Dạy thôi mới dặn Hương-Công,
Đưa chàng về mái tây phòng nghỉ chân.
Trải xem thú lạ chiều xuân,
Hoa kề cửa động, đá ngăn vách chiền.
Người thành-thị, kẻ lâm-tuyền,
Đòi phen thấy cảnh, đòi phen chạnh niềm.
Tưởng người nương cánh hé rèm,
Gọi Hương-Công mới dò xem sự lòng :
"Ấy ai tầm thước trẻ-trung,
Chực hầu sư-phụ đứng trong giảng-đường.
Bấy giờ e-lệ chưa tường,
Lâu lâu lại thấy thoáng gương ả hằng ?"
Thấy lời, Hương mới thưa rằng:
"Người đâu chẳng biết, lạc chừng tới đây.
Vả khi lỡ bước đường mây,
Nàng Trương đưa lại chốn này qui-y.
Khách đà về đạo từ-bi,
Nhìn làm chi ? hỏi làm chi ? hỡi chàng !
Già nua thưa-thốt sỗ-sàng,
Thôi thôi xin xuống tĩnh-đường hầu cô."
Nghe lời sinh mới thẹn-thò,
Gượng thưa rằng: "Hãy xét cho, chớ cười.
Lạ lùng nên mới hỏi chơi,
Há rằng đã tận tình ai ru mà !"
Vãi Hương từ trở lại nhà,
Một mình chàng chốn lầu hoa, lại càng.
Thôi thắc-thỏm, lại mơ-màng,
Đèn xanh một ngọn, quyển vàng ba con,
Biết ai mà được nỉ-non,
Tối than trăng chị, ngày đon gió dì.
Niềm riêng khôn chút tả đề,
Hoàng-oanh hót nhớ, tử-qui kêu sầu.
Bồi-hồi tháng trọn, ngày thâu,
Trong lòng đã vậy, trên đầu chưa hay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét