Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Chương 25 - Vằng vặc Sao khuê

Các công thần họp bàn chánh sự
Quyết chọn người nắm giữ triều ca
Nếu theo thứ bực trong nhà
Khắc Xương xứng đáng lên tòa long ngai
*
Nên được cử đến ngay Cung viện
Thỉnh Khắc Xương chấp chưởng quân quyền
Lê Lăng vừa thỉnh vừa khuyên
Cung Vương nhứt quyết xuôi thuyền trên sông
*
Vì tự biết tấm lòng phong nhã
Sống cuộc đời thư thả nho sinh
Không tài điều khiển cung đình
Thà làm dân sống thỏa tình ngao du
*
Quý quá thay ! Nhân từ hiếu tử
Không đổi dời quyết giữ lòng son
Mấy ai vẹn chữ sống còn ?
(2480) Coi thường danh lợi, xem lờn quyền uy ? 
*
Trước con người biết suy biết luận
Các công thần cẩn thận đề cao
Trong cơn giông tố rạt rào
Ngược theo làn gió cũng đào mồ chôn
*
Người hội đủ tâm hồn đất nước
Cả văn tài dũng lược điều binh
Còn ai nhân đức chí tình?
Thuộc dòng quý tộc, Tư Thành Huy Gia!
*
Được đề cữ đến nhà vương tử
Đinh Liệt mời nắm giữ nước non
Trước đem chí cả lòng son
Sau đem tài đức đúc hồn Thăng Long
*
Kể từ đãy Thánh Tông tức vị (104)
Quyết chăm lo cương kỷ nhà Lê
Tận dùng tài đức đôi bề 
Đấp xây gìn giữ những lề lối xưa
*
Một tấc đất không thua không nhượng (105)
Một cõi lòng nhiều thưởng ít chê
Lấy câu tận sức làm lề
(2500) Học hành, công việc mọi bề lo toan 
*
Ngày với tháng trăng tròn lại khuyết
Gió đùa trăng biền biệt đưa xa
Bốn năm thầm lặng trôi qua
Mắt buồn theo bóng chiều tà lãng quên
*
Một màu xám trên nền xanh thẳm
Nhớ đến người lệ đẩm hoen mi
Ngày nay ngôi cả trị vì
Nhớ ai đã bị tru di thảm lòng
*
Hoàng Thái hậu mòn trông mỏi đợi
Đứa con yêu nghĩ tới người xưa
Quang Thục còn thấy thẹn thùa (106)
Tình oan chưa giải, lòng chưa hết buồn
*
Nhìn thấy Mẹ lệ tuôn lả chả
Thánh Tông quỳ xin tỏ nguồn cơn
-Tại sao giọt lệ tủi hờn
Phải chăng con trẻ không tròn đạo con ?
*
-Con có nhớ mẹ còn sống sót
Và con ngồi chót vót trên cao
Nhớ ngày hẩm hút cháo rau
(2520) Nhờ ai con, mẹ tại đào yên thân ?
*
-Con vẫn nhớ công thần Nguyễn Trãi
Bị hàm oan tội phải tru di !
-Thế con làm được nh"ng gì ?
Ngày qua tháng lại có chi vui lòng ?
*
-Bẩm thưa mẹ, con không quên lãng
Đã từ lâu, ngày tháng chí tâm
Người về quê nội viếng thăm
Trước tìm con cháu, sau tầm văn thư 
*
Nhưng rất tiếc văn từ thiêu hủy
Vì sợ rằng liên lụy vào thân
Đến nay góp được mấy phần
Chỉ mong tìm lại hai Vầng Mây xanh
*
Luật Thư trước tạo thành nề nếp
Nay không còn dấu vết người xưa
Bình Ngô Đại Cáo mới vừa
Tìm thu mấy quyển vẫn chưa hài lòng
*
Trong các sách chổ không chổ có
Nhiều câu thơ nghĩa đỏ nghĩa đen
Tiếc thay bảng khắc đầu tiên
(2540) Do Lê Thái tổ đặt nền quốc gia
*
Theo thảm án nay đà thiêu hủy
Không thể tìm nguyên ủy nguồn cơn
Chỉ mong văn kiện vẫn còn
Trong tay bè bạn, cháu con ruột rà
*
Con còn muốn ngay Tòa Văn Miếu
Trước bàn thờ truy điệu Quốc dân
" Mãy ai đáng mặt công thần "
"Phò vua, dựng nước, dạy dân, cứu đời"
*
Đôi câu liểng, sáng ngời công đức
Lời hịch truyền thúc giục hăng say 
Nước non nào quản chông gai
Quyết đem chiến thắng dệt ngày vinh quang
*
-Mẹ nào biết, con ngoan của mẹ
Đã âm thầm lặng lẽ nghĩ suy
Hạo ơi ! đáng bậc tu mi (107)
Từ đây mẹ chẳng còn gì để lo
*
-Con đã soạn xong tờ chiếu nhỏ
Dâng giấy vàng, triệu đỏ mẹ xem
Sao khuê sáng rực trước rèm
(2560) Hương danh Vũ Mục quyết đem sánh tài (108)
*
Trong buổi hội với hai công tước
Đinh , Nguyễn bàn việc nước việc non (109)
Đến hồi luật pháp vuông tròn
Tiếc thay Thư Luật không còn nghiệm suy
*
Vừa lúc, đô chỉ huy bẩm tấu (110)
Một ông già chống gậy xin tâu
Nói rằng mắt kém tay đau
Muốn cùng Thánh thượng cạn bầu tâm tư
*
Người còn bảo văn từ quan trọng
Chỉ tỏ cùng Thánh thượng mà thôi
-Nhà ngươi có hỏi khúc nôi
Tánh danh quê quán, hiện thời ở đâu ?
*
-Bẩm Thánh thượng, người tâu họ Nguyễn
Làng Nội Duệ thuộc huyện Tiên Du
Thần xem gương mặt hiền từ
Nho phong, khả kính hình như gặp rồi
*
Nghe nói thế, đang ngồi bật dậy
Quan Chánh sứ ! người đãy phải chăng ?
Thần xin ra tiếp người thân
(2580) Họ Đinh vừa tấu vừa lần khỏi cung
*
Nguyễn Thiện Tích khòm lưng làm lễ
Vua đở người xin hãy bình thân
- Việc chi người cứ phân trần
Tuổi già sức yếu còn lần lên kinh
*
Trẩm sung sướng thấu tình tôi chúa
Ông tuổi già xin tựa hiên tây
Sai người đến bẩm nơi đây
Việc chi mà phải tự đày tấm thân ?
*
Tâu bệ hạ, biết thần sức yếu
Mắt đã lờ, còn hiểu bao nhiêu
Nào đâu dám tỏ đôi điều
Cùng người không giữ được nhiều âu lo
*
Theo lệnh chỉ đã dò mấy quyển
Thần nghĩ rằng khó kiếm Luật Thư
-Chánh Sứ còn giữ văn từ ?
Thánh hoàng mừng rở, thật hư thế nào ?
*
Thưa Thánh thượng, làm sao có đư(r)c
Luật Thư đà bị đốt từ lâu
Nhưng khi làm Thẩm hình hầu
(2600) Những khi xử án, đêm thâu sưu tầm
*
Qua mấy lượt, trong tâm nhớ rõ
Có thể tâu bày tỏ thật hư
Cho người ghi chép để lưu
Sau đem sửa đổi thành thư Luật hình (111)
*
Vua sung sướng trần tình mọi lẽ 
Tiên Vương đà san sẻ niềm tin
Khen người đúng bậc anh minh
Nước non sẽ được yên lành, nhờ ngươi
*
Nguyễn Trãi được mĩm cười chín suối
Thanh danh cùng tên tuổi đề cao
Rồi đây sáng tựa ngàn sao
Sử xanh công đức đưa vào thiên thu
*
Một buổi sáng mùa thu nắng ấm
Vua đón mừng họ Phạm nên danh
Lãy tên Anh Vũ học hành (112)
Ngày nay đỗ đạt, công thành vẻ vang
*
Vua cho đổi họ sang thành Nguyễn
Rồi bổ làm tri huyện Phú Xuyên (113)
Mong sao xứng đáng tôi hiền
(2620) Cố công học tập theo truyền thống xưa
*
Sao cho xứng kế thừa họ Nguyễn
Đem danh thơm lay chuyển đất trơi
Sao Khuê vằng vặc muôn đời
Dầu trong bão tố còn ngời tuổi tên
*
Thưa bệ hạ, thần quên chưa tỏ
Có một người tên họ Thị Xoan (114)
Trao thần một bức cẩm nang
Chính tay dì Lộ gọn gàng chép ghi
*
Bình Ngô Đại cáo ! khi thừa thiếu
Đã có nhiều không hiểu đúng sai
-Nếu là chính thực do tay
Lễ Nghi học sĩ, Lan Đài trổ hoa
*
Vua vội vã kính bà Quang Thục
Mời người xem nét bút khoan thai
Thướt tha phượng múa rồng bay
Dịu dàng như ánh ban mai lững lờ
*
- Dòng chữ đó còn ngờ chi nữa
Bức thư nây còn tựa song thưa (114)
Nhớ thương gợi mấy cho vừa
(2640) Ảnh hình năm tháng vẫn chưa phai mờ
*
Lệ thấm ướt theo tờ thư cũ
Tám ngàn ngày chưa đủ hy sinh (115) 
Người còn gởi gấm chút tình
Để tìm cho được công trình ngươi xưa
*
Với Nguyễn Trãi, con thừa ân nghĩa
Với Lễ Nghi, thấm thía dường bao
Mẹ cùng chung phận má đào
Không đành lòng để rơi vào lãng quên
*
Đây dòng chữ nói lên cảm nghĩ
Về con người có thủy có chung
Sương khuya dù có lạnh lùng
(2652) Ánh hồng sẽ rực theo từng mây tan

HẾT

(103) Nghi Dân chết vào tháng 6 năm 1460 sau 8 tháng trị vì
(104) Vua Lê Thánh Tông lên ngôi năm 1460 và trị vì đư(r)c 37 năm (1497)
(105) Thời vua Lê Thánh Tông thời đại thịnh hành dưới triều Lê về văn cũng như về võ 
(106) Hoàng Thái Hậu
(107) Hạo là tên ngoài của Tư Thành (Lê Thánh Tông)
(108) Khi giải oan cho Nguyễn Trãi vua Lê Thánh Tôn đã viết : 
Ức Trai lòng sáng ánh sao khuê
Vũ Mục bụng bày muôn giáp sĩ
(109) Đinh Liệt và Nguyễn Xí điều có tước công
(110) Luật Thư được chép lại, sửa đổi, sau nầy Lê Thánh Tông ban ra luật Hòng Đức
(111) Phạm Anh Vũ, con bà Phạm Thị Mận, người vợ thứ ba của Nguyễn Trãi, bà có mang khi Nguyễn Trãi bị giết và khi sanh Anh Vũ ra đổi tên là Phạm Anh Vũ để dễ bề trốn tránh
(112) Phú Xuyên là quê của bà Phạm thị Mẫn
(113) Thị Xoan là con của Già Bát, người lão bộc trung tín của Nguyễn Trãi, cũng là vợ của Đặng Hiếu Lộc 
(114) Bà Quang Thục còn giữ những bức thư trao đổi cùng Lễ Nghi học sĩ
(115) Từ khi chết năm 1442 đến khi được giải oan năm 1465

Khóc Lễ Nghi Học Sĩ
(Nguyễn Thị Lộ)
Bên vầng dương sáng, bóng giai nhân
Tranh đấu xông pha lướt bụi trần
Kháng chiến bao năm nêu tích sử
Lễ Nghi một thuở giúp minh quân
Đông Triều manh chiếu hương thơm nhẹ
Trại vải ly cung tiếng lạnh dần
Khí tiết sắc tài ai dám sánh ?
Sao làm hoen ố kiếp hồng nhan !

Nguyễn Gia Linh

Tài liệu tham khảo :
1) Truyện Nguyễn Trãi của Bùi Văn Nguyên, Hà Nội (1980)
2) Nguyễn Trãi và bản hùng ca đại cáo của Bùi Văn Nguyên, nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội (1999)
3) Vằng vặc sao khuê của Hoàng công Khanh, nhà xuất bản Văn học, Hà Nội (1998)
4) Việt Nam danh nhân tự điển của Nguyễn Huyền Anh, nhà xuất bản Zieleks, Texas (1981)
5) Việt Nam Văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm, nhà xuất bản Sống Mới, in lần thứ 10 (1968)
6) Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim, nhà xuất bản Đại Nam, in lần thứ 1 bởi Trung Tâm học liệu Sài gòn (1971)
7) Các Triều đại Việt Nam của Quỳng Cư Đỗ Đức Hưng, nhà xuất bản Ban Thanh Niên (1995)
8) Di tích lịch sử-Danh thắng Côn Sơn, Ban quản lý Di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc (1996)

*** 
Nguyễn Gia Linh sang Pháp du học năm 1974, đỗ Tiến sĩ quốc gia về Hóa học, hiện đang làm việc tại Trung Tâm nghiên cứu Paul Pascal (Bordeaux). Là một nhà khoa học, lại sống xa quê hương hơn một phần tư thế kỷ, nhưng Nguyễn Gia Linh lại yêu thơ và yêu sử. Lệ Chi hận sử là một tập truyện thơ lịch sử gồm 2652 câu song thất lục bát.
Tác giả ca ngợi Nguyễn Trãi, nhà yêu nước lỗi lạc góp phần to lớn vào sự nghiệp cứu nước và dựng nước đầu thế kỷ 15, đề cao Nguyễn Thị Lộ, người phụ nữ tài ba đức hạnh, có công cứu sống một vị anh quân, khi còn nằm trong bụng mẹ (vua Lê Thánh Tông) đồng thời lên án bà Hoàng hậu độc ác cùng các nịnh thần đã vu cáo vợ chồng Nguyễn Trãi dẫn đến bản án thảm khốc tru di tam tộc.

Tuy kể truyện lịch sử, nhưng ngòi bút Nguyễn Gia Linh không kém phần tài hoa.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét