Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Khuyến. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Khuyến. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2015

Di Chúc - Nguyễn Khuyến

Kém hai tuổi xuân đầy chín chục.
Số thầy sinh phải lúc dương cùng. (2)
Đức thầy đã mỏng mòng mong,
Tuổi thầy lại sống hơn ông cụ thầy.
Học chẳng có rằng hay chi cả.
Cưỡi đầu người kể đã ba phen; (3)
Tuổi là tuổi của gia tiên,
Cho nên thầy được hưởng niên lâu ngày.
ấy thuở trước ông mày chẳng đỗ, (4)
Hóa bây giờ cho bố làm nên;
Ơn vua chửa chút báo đền,
Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời.
Sống không để tiếng đời ta thán,
Chết được về quê quán hương thôn;
Mới hay trăm sự vuông tròn,
Sống lâu đã trải, chết chôn chờ gì?
Đồ khâm liệm chớ nề xấu tốt,
Kín chân tay đầu gót thời thôi;
Cỗ đừng to lắm con ơi,
Hễ ai chạy lại, con mời người ăn.
Tế đừng có viết văn mà đọc,
Trướng đối đừng gấm vóc làm chi;
Minh tinh (5) con cũng bỏ đi,
Mời quan đề chủ (6) con thì không nên.
Môn sinh (7) chớ bổ tiền đặt giấy,
Bạn của thầy cũng vậy mà thôi;
Khách quen chớ viết thiếp mời.
Ai đưa lễ phúng con thời chớ thu.
Chẳng qua nợ để cho người sống,
Chết đi rồi còn ngóng vào đâu!
Lại mang cái tiếng to đầu,
Khi nay bày biện, khi sau chê bàn.
Cờ biển của vua ban ngày trước,
Khi đưa thầy con rước đầu tiên;
Lại thuê một lũ phường kèn,
Vừa đi vừa thổi mỗi bên dăm thằng.
Việc tống táng nhung nhăng qua quýt,
Cúng cho thầy một ít rượu hoa;
Đề vào mấy chữ trong bia,
Rằng: "Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu".
1. Theo ý kiến một số cụ già ở địa phương nhà thơ, thì bài này là do cụ Trần Tán Bính dịch trong buổi lễ đưa ma cụ Nguyễn Khuyến.
2. Dương cùng: ý nói nhà thơ đã đến ngày tận số.
3. ý nói: nhà thơ qua ba kì thi đều đỗ đầu bảng (tam nguyên).
4. Ông cụ thân sinh nhà thơ thuở trước cũng là chân học khoa cử, nhưng không đỗ đạt cao.
5. Minh tinh: một mảnh lụa, mảnh vải hoặc mảnh giấy đề tên hiệu, tên thụy, tuổi và chức tước, địa vị người chết trong khi đưa đám ma.
6. Đề chủ: viết tên và hiệu người chết vào. Việc viết này thường được coi là tôn trọng, nên phải mời người có chức tước làm.
7. Môn sinh: học trò cùng học một thầy.

Mừng Đốc Học Hà Nam - Nguyễn Khuyến

Ông làm đốc học bấy lâu nay,
Gần đó mà tôi vẫn chửa hay.
Tóc bạc răng long chừng đã cụ,
Khăn thâm áo thụng cũng ra thầy.
Học trò kẻ chợ trầu dăm miếng,
Khảo khóa ngày xưa quyển một chầy. (1)
Bổng lộc như ông không mấy nhỉ?
Ăn tiêu nhờ được chiếc lương Tây.

1. Một chầy: tức một tiền. Ngày xưa, mỗi thí sinh khi vào nộp quyển khảo thi, phải nộp kèm theo một tiền (60 đồng kẽm).

Đĩ Cầu Nôm - Nguyễn Khuyến

Thiên hạ bao giờ cho hết đĩ?
Trời sinh ra cũng để mà chơi!
Dễ mấy khi làm đĩ gặp thời,
Chơi thủng trống long dùi âu mới thích
Đĩ bao tử càng chơi càng lịch,
Tha hồ cho khúc khích chị em cười:
Người ba đấng, của ba loài,
Nếu những như ai thì đĩ mốc.
Đĩ mà có tàn, có tán, có hương án, có bàn độc (2)
Khá khen thay làm đĩ có tông (3)
Khắp giang hồ chẳng chốn nào không.
Suốt Nam Bắc Tây Đông đều biết tiếng.
Đĩ mười phương chơi cho đủ chín,
Còn một phương để nhịn lấy chồng.
Chém cha cái kiếp đào hồng, (4)
Bạn với kẻ anh hùng cho đứng số.
Vợ bợm, chồng quan, danh phận đó,
Mai sau ngày giỗ có văn nôm.
Cha đời con Đĩ Cầu Nôm.

1. Cầu Nôm thuộc làng Đại Đồng ở Hải Hưng.
2. Có lẽ ở đây nhà thơ nói đến Tư Hồng, một nhân vật lúc ấy làm đĩ lấy Tây.
3. Có tông: có nòi.
4. Kiếp hồng đào: Kiếp trăng hoa.

Tặng Đốc Hà Nam - Nguyễn Khuyến

Ai rằng ông dại với ông điên,
Ông dại sao ông biết lấy tiền?
Cậy cái bảng vàng treo nhị giáp,
Khoét thằng mặt trắng (1) lấy tam nguyên (2)
Dấu nhà vừa thoát sừng trâu đỏ,
Phép nước xin chừa móng lợn đen (3)
Chỉ cốt túi mình cho nặng chặt,
Trăm năm mặc kệ tiếng chê khen.

1. Thằng mặt trắng: do câu "Bạch diện thư sinh" chỉ người học trò.
2. Tam nguyên: ba đồng bạc; còn đồng âm với chữ "Tam nguyên" là đỗ đầu luôn ba khoa: thi hương, thi hội và thi đình.
3. Móng lợn đen: ám chỉ việc ông đốc học này đã có lần bị Tây đá đít.

Hỏi Thăm Quan Tuần Mất Cướp - Nguyễn Khuyến

Tôi nghe khẻ cướp nó lèn ông,
Nó lại lôi ông đến giữa đồng.
Lấy của đánh người quân tệ nhỉ!
Thân già da cóc có đau không?
Bây giờ mới khẽ sầy da trán,
Ngày trước đi đâu mất mảy lông.
Thôi cũng đừng nên ki cóp nữa.
Kẻo mang tiếng dại với phường ngông!

Chơi Núi Non Nước - Nguyễn Khuyến

Chom chỏm trên sông đá một hòn,
Nước trôi sóng vỗ biết bao mòn?
Phơ đầu đã tự đời Bàn Cổ, (2)
Bia miệng còn đeo tiếng trẻ con.
Rừng cúc tiền triều (3) trơ mốc thếch,
Hồn câu Thái phó (4) tảng rêu tròn.
Trải bao trăng gió xuân già giặn,
Trời dẫu già, nhưng núi vẫn non.

1. Núi Non Nước, một thắng cảnh nằm ven bờ sông Đáy ở thị xã Ninh Bình.
2. Bàn Cổ: Ông Bàn Cổ sinh từ lúc mới có trời đất.
3. Tiền triều: triều vua thời trước.
4. Hòn câu thái phó: tảng đá mà thái phó Trương Hán Siêu đã ngồi câu cá.

Vịnh Núi An Lão - Nguyễn Khuyến

Mặt nước mênh mông nổi một hòn,
Núi già nhưng tiếng vẫn còn non, (1)
Mảnh cây thưa thớt đầu như trọc,
Ghềnh đá long lanh ngấn chửa mòn.
Một lá (2) về đâu xa thẳm thẳm,
Nghìn nhà trông xuống bé con con.
Dẫu già đã hẳn hơn ta chửa?
Chống gậy lên cao gối chẳng chồn!
1. Tác giả chơi chữ, tên núi là An Lão (lão: già) nhưng người ta thường nói "núi non".
2. Lá: con thuyền.

Bồ Tiên Thi - Nguyễn Khuyến

Chú huyện Thanh Liêm khéo giở trò,
"Bồ tiên thi" lại lấy vần bồ.
Nghênh ngang võng lọng nhờ ông sứ,
Ngọng nghẹo văn chương giở giọng ngô.
Bồ chứa miệng dân chừng bật cạp,
Tiên (2) là ý chú muốn vòi xu!
Từ vàng sao chẳng luôn từ bạc,
Không khéo mà roi nó phết cho.

1. Bồ tiên: cái roi bằng cỏ bồ mà Lưu Khoan, một ông quan đời Hán nổi tiếng nhân từ, dùng để đánh tội nhân. Dựa vào điển này, tên tri huyện đã mở cuộc thi thơ và ra đầu đề là "bồ tiên thi" ngầm ý khoe mình là người biết thương dân.
2. Tiên: "tiên" nghĩa là cái roi, đồng âm với chữ "tiên" nghĩa là đồng xu.

Vịnh Tiến Sĩ Giấy - Nguyễn Khuyến

I
Rõ chú hoa man (1) khéo vẽ trò,
Bỡn ông mà lại dứ thằng cu.
Mày râu mặt đó chừng bao tuổi,
Giấy má nhà bay đáng mấy xu?
Bán tiếng mua danh thây lũ trẻ,
Bảng vàng bia đá vẫn nghìn thu.
Hỏi ai muốn ước cho con cháu,
Nghĩ lại đời xưa mấy kiếp tu.

II
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng, (2)
Nét son điểm rõ mặt văn khôi. (3)
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh thế mới hời! (4)
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!

1. Hoa man: người thợ làm nghề hàng mã.
2. Giáp bảng: bảng đề tên từ học vị tiến sĩ trở lên.
3. Văn khôi: đầu làng văn. ở đây chỉ người có đỗ đạt cao.
4. Hời: giá rẻ.

Anh Giả Điếc - Nguyễn Khuyến

Trong thiên hạ có anh giả điếc,
Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!
Chẳng ai ngờ "sáng tai họ, điếc tai cày",
Lối điếc ấy sau này em muốn học.
Toạ trung đàm tiếu, nhân như mộc
Dạ lí phan viên, nhĩ tự hầu. (1)
Khi vườn sau, khi ao trước; khi điếu thuốc, khi miếng trầu.
Khi chè chuyên năm bảy chén, khi Kiều lẩy một đôi câu;
Sáng một chốc, lâu lâu rồi lại điếc
Điếc như thế ai không muốn điếc?
Điếc như anh dễ bắt chước ru mà!
Hỏi anh, anh cứ ậm à.

1. Hai câu chữ Hán ý nói: khi mọi người ngồi nói chuyện và cười cợt thì ngây ra như gỗ, nhưng đêm khuya leo trèo thì lanh lẹn như con khỉ.

Lời Gái Goá - Nguyễn Khuyến

Chàng chẳng biết gái này gái goá,
Buồn nằm suông, suông cả áo cơm.
Khéo thay cái mụ tá ơm. (1)
Đem chàng trẻ tuổi ép làm lứa đôi.
Chàng tuổi trẻ chơi bời quên nhọc,
Gái già này sức vóc được bao?
Muốn sao, chiều chẳng được sao.
Trước tuy sum họp, sau nào được lâu?
Lấy chồng vốn nhờ câu ăn mặc,
Chẳng ngờ rằng đói rách hổ ngươi;
Vốn xưa cha mẹ dặn lời,
Tư bôn (2) lại phải kẻ cười người chê.
Hỡi mụ hỡi, thương chi thương thế?
Thương thì hay, nhưng kế chẳng hay.
Thương thì gạo vải cho vay,
Lấy chồng thì gái goá này xin van!

(Tác giả tự dịch bài "Li phụ hành") 
1. Mụ tá ươm: chỉ người mai mối.
2. Tư bôn: chỉ người con gái chốn nhà đi theo trai.

Ông Phỗng Đá (2) - Nguyễn Khuyến

Người đâu tên họ là gì?
Khéo thay chích chích chi chi (1) nực cười.
Dang tay ngửa mặt lên trời,
Hay còn lo tính sự đời chi đây?
Thấy phỗng đá lạ lùng muốn hỏi.
Cớ làm sao len lỏi đến chi đây?
Hay tưởng trông cây cỏ nước non này,
Chí cũng rắp dan tay vào hội lạc (2)
Thanh sơn tự tiếu đầu tương hạc,
Thượng hải thùy tri ngã diệc âu. (3)
Thôi cũng đừng chấp chuyện đâu đâu,
Túi vũ trụ mặc đàn sau gánh vác.
Duyên hội ngộ là duyên tuổi tác,
Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác,
Cuộc tỉnh say, say tỉnh một vài câu.
Nên chăng đá cũng gật đầu!

(1) Chích chích chi chi: ngây ngô, khờ khạo.
(2) Hội lạc: một hội hưởng vui của một số nhà thơ về đời Tống.
(3) Câu này và câu trên ý nói: ta tự cười đầu đã bạc phơ như đầu chim hạc trong chốn núi xanh, ai có hay đâu ta cũng như con chim âu, ung dung nơi bãi biển xanh.

Ngày Xuân Dặn Các Con - Nguyễn Khuyến

Tuổi thêm, thêm được tóc râu phờ,
Nay đã năm mươi có lẻ ba.
Sách vở ích gì cho buổi ấy,
áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.
Xuân về ngày loạn càng lơ láo,
Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ.
Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng,
Sao con đàn hát vẫn say sưa?
(Tác giả tự dịch bài "Xuân nhật thị chư nhi")

Đêm Xuân Thương Con Thiêu Thân - Nguyễn Khuyến

Giống lông cánh phận mình nho nhỏ
Chết là yên , chết chỗ quang minh
Phải chăng thảng thốt đã đành
Mà trong dúng dắng xem tình dễ đâu
Chữ trí năng trước sau giữ vẹn
Thời buổi này chẳng bén lợi danh
Đèn chong chừng cũng thương mình
Thân tàn ra bụi, lệ tình chưa khô .

(Bản dịch của Hoàng Tạo )

Vịnh Trâu Già - Nguyễn Khuyến

Một nắm xương khô, một nắm da
Bao nhiêu cái ách đã từng qua
Đuôi khom biếng vẫy Điền Đan hỏa
Tai nặng buồn nghe Nịnh Tử ca
Sớm thả vườn Đào chơi đủng đỉnh
Tối về thôn Hạnh thở nghi nga
Có người toan giết tô chuông mới
Ơn đức Vua Tề lại được tha.

Đại Lão - Nguyễn Khuyến

Năm nay tớ đã bảy mươi tư
Rằng lão, rằng quan tớ cũng ừ
Lúc hứng, uống thêm dăm chén rượu
Khi buồn, ngâm láo một câu thơ
Bạn già lớp trước nay còn mấy ?
Chuyện cũ mười phần chín chẳng như
Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa
Thử xem trời mãi thế này ư ?

Phú Đắc - Nguyễn Khuyến

Bà già đã bảy mươi tư,
Ngồi trông cửa sổ gửi thư lấy chồng 
(ca dao)

Đã trót sinh ra kiếp má đào,
Bảy mươi tư tuổi có là bao ?
Xuân xanh xấp xỉ hàng răng rụng,
Ngày vắng ân cần mảnh giấy trao
Chữ nhất nhi chung (1) đành đã vậy
Câu tam bất hiếu nữa (2) làm sao ?
May mà chim được ông chồng trẻ,
Họa có sinh ra được chút nào ?

Mạn Hứng - Nguyễn Khuyến

Đô Môn nhất xuất toại qui điền
Bẩn bệnh niên lai độc tự liên
Song nhật ám di hồng ảnh cận
Trúc phong bất nhượng bạch đầu tiên
Bố ương bô lão tri hòa cước
Địch cốc nhân hồi dẫn đấu niên
Thừa hứng chỉ duy tôn tửu thích
Nam Sơn bằng diếu chính du nhiên

Dịch nghĩa: 

Bước ra khỏi cửa kinh đô liền trở về đồng ruộng
Đã nghèo lại ốm, ít lâu nay mình riêng tự thương mình
Trước cửa sổ, mặt trời lặng lẽ đưa bóng nắng lại gần
Trên ngọn tre, làn gió không nhường cho đầu bạc trước
Người làm ruộng già gieo mạ hiểu biết chân lúa xấu tốt
Kể đong thóc về trình bày tuổi đấu nhiều ít
Lúc hứng chỉ có chén rượu là thích thú

Ngồi nhìn núi Nam Sơn lòng dường phơi phới

Cáo Quan Về Ở Nhà - Nguyễn Khuyến

Ngần ấy năm nay vẫn ở nhà
Nghỉ ta, ta lại chỉ thương ta
Bóng hiên thêm ngán hơi nồng nhỉ
Ngọn gió không nhường tóc bạc a !
Thửa mạ rạch ròi chân xấu tốt
Đấu lương đo đắn tuổi non già
Khi buồn chén rượu say không biết
Ngửa mặt lờ mờ ngọn núi xa

Tác giả tự dịch bài “Mạn Hứng”

Than Già - Nguyễn Khuyến

Tháng ngày thấm thoát tựa chim bay
Ông gẫm mình ông, nghĩ cũng hay
Mái tóc chòm xanh, chòm lốm đốm
Hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay
Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ
Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say
Còn một nỗi này thêm chán ngắt
Đi đâu giở những cối cùng chày .