Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Song Điệp và thơ Lưỡng Đầu Xà - Hàn Sĩ Nguyên

SONG ĐIỆP (song: đôi; điệp: trùng nhau) là lối thơ mỗi câu hoặc ở đâu hoặc ở cuối có đặt hai cặp điệp tự (chữ lặp lại). Trong tác phẩm Việt Nam Văn Học Sử Yếu của GS Dương Quảng Hàm có ghi chép lại một bài thơ (duy nhất) có sử dụng SONG ĐIÊP. Vì hai cặp từ được lặp lại ấy nằm ở đầu câu của bài Thất Ngôn Bát Cú, nên tôi tạm xếp bài thơ ấy vào loại SONG ĐIỆP TIỀN. 


Có TIỀN, tất phải có HẬU, có TRUNG và nhiều hơn thế nữa. Sau nhiều năm nghiên cứu, tổng kết và sáng tạo mới, tôi xin phép được giới thiệu với quý bạn đọc bài viết này để có một cái nhìn tổng quát hơn về MỸ TỪ PHÁP SONG ĐIỆP.

Nói chung, SONG ĐIỆP có thể tạm chia ra thành 10 loại, bao gồm

-Song điệp tiền
-Song điệp trung
-Song điệp hậu
-Song điệp điên đảo càn khôn
-Song điệp tiền hậu song trùng
-Song điệp Lưỡng đầu xà
-Song điệp Lã đầu xường.
-Song điệp Liên hoàn chữ Chi, cũng được gọi là Liên hoàn Ziczac (Chữ Z) 
-Song điệp Liên hoàn thủ vỹ
-Song điệp Song Vỹ Hổ 

Năm 2001, khi sơ kết về SONG ĐIỆP, tôi đã xếp các loại SONG ĐIỆP này vào mười loại thơ khác nhau, tạm gọi là THẬP LOẠI TÚY THI (Mười món thơ SAY)

1-SONG ĐIỆP TIỀN. 

Vất vất vơ vơ cũng nực cười!
Căm căm cúi cúi có hơn ai?
Nay còn chị chị anh anh đó,
Mai đã ông ông mụ mụ rồi.
Có có không không, lo hết kiếp
Khôn khôn, dại dại chết xong đời.
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy,
Ngủ ngủ, ăn ăn, nói chuyện chơi
Vô danh
(Trích Việt Nam Văn Học Sử Yếu – Dương Quảng Hàm)
Trong bài này có 5 lần sử dụng SONG ĐIỆP TIỀN

2-SONG ĐIỆP TRUNG

Vất vất vơ vơ cũng nực cười!
Căm căm cúi cúi có hơn ai?
Nay còn chị chị anh anh đó,
Mai đã ông ông mụ mụ rồi.
Có có không không, lo hết kiếp
Khôn khôn, dại dại chết xong đời.
Chi bằng láo láo lơ lơ vậy,
Ngủ ngủ, ăn ăn, nói chuyện chơi

Vô danh
(Trích Việt Nam Văn Học Sử Yếu – Dương Quảng Hàm)
Cũng trong bài thơ ấy, 3 lần SONG ĐIỆP TRUNG đã được sử dụng

3-SONG ĐIỆP HẬU

Gẫm nực cười vất vất vơ vơ
Căm căm cúi cúi đến bao giờ
Tiền đầy bị anh anh chị chị
Túi rỗng không xác xác xơ xơ…. [HSN]
Trong 4 câu thơ viết lại này có 3 lần sử dụng SONG ĐIỆP HẬU

4-SONG ĐIỆP ĐIÊN ĐẢO CÀN KHÔN

Vơ vất vất vơ cũng nực cười!
Cúi căm căm cúi có hơn ai?
Chị anh anh chị vừa còn đó,
Ông mụ mụ ông đã sớm thôi.
Không có có không, lo hết kiếp
Dại khôn, khôn dại chết xong đời.
Láo lơ lơ láo cho xong vậy,
Ăn ngủ, ngủ ăn, nói chuyện chơi

[HSN viết lại]

Trong bài viết lại này 8 lần sử dụng SONG ĐIỆP ĐIÊN ĐẢO CÀN KHÔN. Trong thơ Lục bát thủ pháp này cũng rất thường được vận dụng. Thí dụ:

Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng 
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng ? 
.....................................(Nguyễn Du-Kiều) 

Lửng lơ lơ lửng cánh diều 
Lênh đênh theo sóng bọt bèo lênh đênh 
...................(HSN-Bọt bèo lênh đênh) 

5-SONG ĐIỆP TIỀN HẬU SONG TRÙNG

Vất vơ chân bước, mãi vất vơ
….
Loại điệp ngữ này thường gặp trong thơ Lục bát hơn là trong Thất ngôn bát cú:

Sá chi liễu ngõ hoa tường 
Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh
.....................................(Nguyễn Du-Kiều) 

Xót thay đào lý một cành 
Một phen mưa gió, tan tành một phen 
.....................................(Nguyễn Du-Kiều) 

Phận bèo bao quản nước sa 
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh
.....................................(Nguyễn Du-Kiều) 

Anh hùng mới biết anh hùng
Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa ? 
.....................................(Nguyễn Du-Kiều) 

Giá đành trong nguyệt trên mây 
Hoa sao hoa khéo đoạ đày bấy hoa ? 
Tức gan riêng giận trời già 
Lòng này ai hiểu cho ta hỡi lòng ? 
.....................................(Nguyễn Du-Kiều) 

Dẫu rằng vật đổi sao dời 
Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh
.....................................(Nguyễn Du-Kiều) 

Thân tàn gạn đục khơi trong 
Là nhờ quân tử khác lòng người ta 
Mấy lời tâm phúc ruột rà 
Tương tri dường ấy, mới là tương tri
.....................................(Nguyễn Du-Kiều) 

Lá dâu thưa lá vườn dâu 
Giàn hoa thiên lý phai màu giàn hoa 
Bèo ken đặc kín ao nhà 
Vườn mênh mông cỏ, xót xa không vườn ? 
...................(HSN-Áo anh sứt chỉ đường tà) 

Lửng lơ lơ lửng cánh diều 
Lênh đênh theo sóng bọt bèo lênh đênh
...................(HSN-Bọt bèo lênh đênh) 

6-SONG ĐIỆP LƯỠNG ĐẦU XÀ

Lưỡng Đầu Xà (Rắn hai đầu) là một hình thức Mỹ Từ Pháp, thuộc họ SONG ĐIỆP (2 lần dùng điệp ngữ), với đặc trưng : Hai chữ cuối trong câu thơ là từ LẬT NGƯỢC lại của hai chữ đầu câu, khiến cho câu thơ có dạng như một con rắn hai đầu đang ngúc ngoắc vậy. 

Trong các thư tịch cổ, hầu như không thể tìm thấy loại mỹ từ pháp này, riêng trong toàn bộ truyện Kiều cũng chỉ tìm thấy một câu có sử dụng Lưỡng Đầu Xà như sau : 

Nay hoàng hôn đã, lại mai hôn hoàng

Nhưng câu này không phải là Lưỡng Đầu xà chính tông, vì 2 chữ "hoàng hôn" ấy không nằm ở đầu câu 

Khi sáng tạo ra thể thơ Thất Ngôn Bát Cú đặc biệt này, năm 2000, tôi đặt tên cho nó là thơ LƯỠNG ĐẦU XÀ, bác Bảy Hồng Thất Công thì gọi kiểu thơ Lưỡng Đầu Xà này là THƠ RẮN HỔ. Dưới đây là một số thí dụ minh họa cho TNBC Lưỡng Đầu Xà: 

1-BĂNG ĐĂNG
-Lưỡng Đầu Xà-

HOA ĐÈN nhấp nháy ánh ĐÈN HOA
TÀ NGUYỆT nghiêng nghiêng bóng NGUYỆT TÀ
ĐỔ TUYẾT trùng trùng hoa TUYẾT ĐỔ
SA SƯƠNG lóng lánh giọt SƯƠNG SA
MÃ HÀ lui tới hằng HÀ MÃ
XA TRỰC ngược xuôi hoành TRỰC XA
BÓNG NGẢ lầu đài nghiêng NGẢ BÓNG
SA TRƯỜNG chẳng phải, ấy ... TRƯỜNG SA ! 

Hàn Sĩ Nguyên 

2-XUÂN THÁN
-Lưỡng Đầu Xà-

AI MỪNG năm mới, tớ MỪNG AI ?
BÀI BẠC thâu canh mải BẠC BÀI
CHÉN CẠN xoay vòng, mơ ... CẠN CHÉN
CHAI ĐẦY dốc ngược, mộng ... ĐẦY CHAI !
CÓC KHINH bù tọt, đời KHINH CÓC 
NAI GIẢ cầy tơ, điếm GIẢ NAI
TÚI THỦNG trỏng trơ, buồn THỦNG TÚI
NGÀY QUA tháng lại, nhậu ... QUA NGÀY !

Hàn Sĩ Nguyên

3-CHÚC XUÂN ( Thơ ... Lưỡng đầu xà )

RỒNG RẮN lên mây, hết RẮN RỒNG
CÔNG THÀNH mã đáo tất THÀNH CÔNG
CHÚC XUÂN ba chữ chờ XUÂN CHÚC
MỪNG TẾT dăm câu đợi TẾT MỪNG
LÃO GIẢ vô ưu , ưu GIẢ LÃO (1)
ĐỒNG NHI bất dục, dục NHI ĐỒNG (2)
CHÉN ANH chén chú mời ANH CHÉN
KHÔNG XỈN không về, có XỈN KHÔNG ? 

Hàn Sĩ Nguyên

Ghi chú :
(1)-Người già không lo, lo còn trẻ mà giả bộ già háp thôi.
(2)-Con trẻ nó không muốn, cứ ... muốn ... trẻ con !

7-SONG ĐIỆP LÃ ĐẦU XƯỜNG

LÃ ĐẦU XƯỜNG chính là LƯỠNG ĐẦU XÀ nói lái, trong đó 2 chữ cuối mỗi câu là từ nói lái của 2 chữ đầu câu. Lúc mới khai sinh ra thể thơ này (năm 2001) tôi gọi tên nó là LƯỠNG ĐẦU XÀ NGHỊCH THIỆT, trong đó chữ THIỆT nghĩa là lưỡi, cái lưỡi. Nghịch Thiệt là trẹo lưỡi, nói lái. Bác Bảy H7C gọi nôm na là THƠ RẮN LỤC vì nó độc và khó làm hơn thơ rắn hổ gấp nhiều lần. 

1-XÀ TINH 

XÀ TINH khơi gợi mối TÌNH XA 
TỪ GIÃ không xong, bị GIỮ TÀ 
CÁ ĐỐI sa đà vào CỐI ĐÁ 
PHA SƯƠNG vẫn nhớ khách PHƯƠNG XA 
CÁO BÒ lộn ngược ra CÒ BÁO 
MA SÁT rêm mình vẫn MÁT XA 
CHƯA CHÁN nghĩa tình còn CHAN CHỨA 
CẠ MÔNG hát mãi khúc MỘNG CA 

Hàn Sĩ Nguyên 

2-THÀY GIÁO THÁO GIÀY. 
-Lã Đầu Xường-

THÀY GIÁO thương ôi phải THÁO GIÀY
THÀY QUÂN quẫn quẫn chẳng QUẦN THAY
PHÚ THI ngâm ngợi thôi THU PHÍ
GÀ CÁY nhâm nhi phải GÁ CÀY 
GIÁO ÁN tiêu tùng đem DÁN ÁO
MANG CÀY ngẫm lại thấy CÀNG MAY
ĐẠO CẦU không đặng nên ĐẦU CẠO
XAY BẾP(1) chờ thời đợi XẾP BAY 

Hàn Sĩ Nguyên 

(1)Xay bếp : cách nói dân gian miền Nam, nghĩa là “xoay bếp”, xoay ông Táo sang hướng khác, hy vọng được may mắn hơn ! 

3-MỠ CHÀI .... 
-Lã Đầu Xường- 

CHỜ MÃI cô em, miếng MỠ CHÀI 
VÀI TÊ (1) bay biến, chửa TỀ VAI 
MỐI GÀI cò gạt, cam ... MÀI GỐI 
XÀI HÁCH tiêu hăng, chỉ ... XÁCH HÀI 
TỊCH SUỐT ba thu, xe TUỘT XÍCH 
CHÀI TINH giày rách (2), khối TÌNH ... CHAI 
TRÁNH ĐÂU cho khỏi, chờ TRÂU ĐÁNH 
BÀI XÉ tiền chung, mặc BÉ XÀI !!! 

Hàn Sĩ Nguyên

(1) Vài tê : Vài triệu đồng
(2) Quăng chài, thu được toàn là giày rách

8-SONG ĐIỆP LIÊN HOÀN CHỮ CHI (LH zigzag)

Trong 7 loại Song điệp đã nêu, ta thấy 2 cặp điệp tự đều nằm trong cùng một câu. Bây giờ nếu 2 cặp Song điệp ấy nằm vắt qua 2 câu : Một ở cuối câu trên, một ở đầu câu dưới thì sao? Thì lúc đó ta vẫn có SONG ĐIỆP dưới hình thức chữ CHI (hay chữ Z), còn được gọi là Liên hoàn zig zag. Dưới đây là một số thí dụ về Song điệp liên hoàn chữ CHI:

Ai đã hay đâu tớ chán đời
Đời chưa chán tớ, tớ còn chơi
Chơi cho thật chán, cho đời chán
Đời chán nhau rồi, tớ sẽ thôi

(CÒN CHƠI – Nguyễn Khuyến)

Nhớ mi nhớ quá nên ông đến
Đến thì mi hỏi: Đén mần chi?
Mần chi? Ông chửa mần chi đặng
Mần đặng, ông mần đã chán khi !

(NHỚ - Khuyết Danh)

Giã từ, từ giã, giã từ từ
Từ từ giã giã cối không hư
Không hư vừa giã vừa từ giã
Giã suốt đêm rồi, từ chán chưa?

(GIÃ TỪ - Hàn Sĩ Nguyên)

Trong ba thí dụ trên đây, từ được lặp lại có khi 1 chữ, có khi 2 chữ, đó là Song điệp … lai (!). Song điệp chính tông buộc phải lặp lại 2 chữ, như các thí dụ này:

Những lúc say sưa cũng muốn chừa, 
Muốn chừa nhưng tỉnh lại hay ưa. 
Hay ưa nên nỗi không chừa được. 
Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa.

(CHỪA RƯỢU – Nguyễn Khuyến)

Ông ở nhà ông ông nhớ mi
Nhớ mi ông mới bước chân đi
Chân đi đi mãi nên ông đến
Ông đến thời mi đã ngủ khì

(NHỚ - Khuyết Danh)

Ta chửa xa nhau, đã nhớ nhau
Nhớ nhau nhưng vẫn phải xa nhau
Xa nhau chỉ khiến lòng thêm nhớ
Thêm nhớ nhau hoài, thêm xót đau!

(NHỚ NHAU - Khuyết Danh)

Chán chưa? Tình nghĩa ấy chứa chan
Chứa chan nên lệ đổ hai hàng
Hai hàng chan chứa, tình chưa chán
Chưa chán sao lòng nghe nát tan!

(GIÃ TỪ - Hàn Sĩ Nguyên)

9-SONG ĐIỆP LIÊN HOÀN THỦ VỸ

-Khác với Song điệp liên hoàn chữ CHI chỉ một điểm nhỏ, là 2 chữ cuối cùng KẾT THÚC bài thơ cũng chính là 2 chữ MỞ ĐẦU. Cách viết này khiến cho bài thơ giống như một cái vòng tròn, liên miên không dứt

GIÃ TỪ 
(Liên Hoàn Thủ Vỹ Ngâm) 

Giã từ, từ giã, giã từ từ
Từ từ giã giã cối không hư
Không hư vừa giã vừa từ giã
Giã suốt đêm rồi, từ chán chưa?

Chán chưa? Tình nghĩa ấy chứa chan
Chứa chan nên lệ đổ hai hàng
Hai hàng chan chứa, tình chưa chán
Chưa chán sao lòng nghe nát tan!

Nát tan chua xót buổi tiễn đưa
Tiễn đưa sao chẳng thấy … tiền đưa?
Đưa tiền ắt hẳn hơn đưa tiễn
Tiễn có đưa tiền mới giã từ!

Hàn Sĩ Nguyên

-Ở thơ 5 chữ, 7 chữ, kiểu Song điệp Liên hoàn này có thể không thực hiện ở cuối mỗi câu, mà là ở cuối mỗi khổ (một khổ =4 câu). Thí dụ:

CHIM HÓT TRONG LỒNG
(Liên Hoàn Thủ Vỹ Ngâm) 

Ngẩn ngơ ngơ ngẩn biết bao ngày
Dáo dác tìm phương chắp cánh bay
Căm phẫn thốt ra lời nguyền rủa
Chúng nhân ca ngợi :-“Chim ... hót hay” ! 

Hót hay sao được lúc đau lòng
Lâm phải cảnh này mới cảm thông
Trời rộng đất dài đang bay nhảy
Sa cơ một phút hóa chim lồng 

Chim lồng biết đến thuở nào ra ?
Thương lũ con thơ, xót mẹ già.
Hỏi người "quân tử" nghe chim hót :
-"Ai nhốt ngươi, mà ngươi nhốt ta ?" 

Ta trách các ngươi, lũ đốn hèn
Chẳng biết thương ai, chỉ hám tiền
Trời hỡi ! Bao giờ ta thoát được
Ta thề xa lánh lũ người điên 

Lũ người điên đảo, hiểu hay không ?
Chí ta bay bổng giữa không trung
Lồng vàng chén bạc cùng then khóa
Quyết phá cho tan mới hả lòng 

Lòng ta nhất mực hướng về quê
Nhớ tổ ta xưa, nhớ bạn bè
Một mai nếu có ngày ra thoát
Đường xưa còn nhớ nẻo quay về ? 

Về đâu ? Thân ở giữa lồng son
Nước bạc cơm vàng cũng chẳng ngon
Ước gì có thể ngừng tiếng "hót"
Thà chết còn hơn sống mỏi mòn ! 

Mỏi mòn sống mãi kiếp sống thừa,
Giam cầm tù rạc đến bao giờ ?
Mơ tưởng trời cao cùng đất rộng,
Bâng khuâng xao xuyến dạ ngẩn ngơ .... 

Hàn Sĩ Nguyên

-Với Thất ngôn Bát Cú, Song điệp liên hoàn này được thực hiện ở cuối mỗi bài. Các chữ cuối bài trước là từ mở đầu bài sau, hình thành một LIÊN HOÀN KHÚC liên miên bất tuyệt. 

10-SONG ĐIỆP SONG VỸ HỔ (Hổ 2 đuôi)

Giống như 2 loại Song điệp liên hoàn kể trên, SONG VỸ HỔ là một loại THẤT NGÔN BÁT CÚ đặc biết, trong đó SONG ĐIỆP nằm vắt qua 2 câu trong 4 câu giữa của bài bát cú. Cụ thể: 

-2 hoặc 3 chữ cuối câu 4 là từ nói lái của 2 hoặc 3 chữ cuối câu 3
-2 hoặc 3 chữ cuối câu 6 là từ nói lái của 2 hoặc 3 chữ cuối câu 5

Tóm lại, trong thơ Song Vỹ Hổ sẽ có 2 cặp LÃ ĐẦU XƯỜNG rơi vào các câu THỰC, LUẬN.

Thí dụ

QUAN ĂN VỤNG
-Song Vỹ Hổ, Bát Cú Nhất Vận-

Quan bà mấy thuở vắng tư dinh
Phải chớp thời cơ đến cửa… mình
Cụ lớn nhăn răng, HÔ phải TỊNH
Cô hàng hé lợi, HỘ còn TINH?
Mão quan úp ngược vui MÀ QUÝNH
Yếm lá rơi xuôi đỏ MÁ QUỲNH
Một khắc chưa qua đà xính vính
Nửa đêm viên mãn tụng huỳnh đình

Hàn Sĩ Nguyên

0 nhận xét:

Đăng nhận xét