Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

1000 Bài thơ châm ngôn - Phần 7 (601-700)

1
Ít nhiều ai cũng có
Cái gọi là lương tâm.
Khác nhau: cắn đau nhói,
Hay chỉ cắn âm thầm.

2
Mỗi lần gặp tai họa,
Bạn bè không giúp đâu,
Hoặc giả nếu có giúp,
Cũng rất chậm và lâu.

Có thể nhờ bố mẹ
Nếu thực sự thấy cần.
Nhưng xưa nay tốt nhất
Là dựa vào bản thân.

3
Người biết yêu cuộc sống,
Biết vui đùa, là người
Sớm muộn sẽ thành đạt
Và hạnh phúc ở đời.

Ai chỉ biết than vãn
Và nhăn nhó suốt ngày,
Thì trời cũng bất lực.
Tội nghiệp cái anh này.


4
Về bản chất, tiền bạc
Chỉ khêu gợi lòng tham,
Chứ không mang hạnh phúc.
Mà tham thì lại thâm.

Càng có nhiều tiền bạc,
Người ta càng muốn thêm.
Như người thích của ngọt,
Không bao giờ đã thèm.

5
Đi nhà chùa cúng Phật
Có thể bằng tay không.
Các mâm cỗ đầy ắp
Chưa hẳn bằng tấm lòng.

6
Khi dính vào phụ nữ,
Dẫu thần thánh hay người,
Đều mất thiêng, điều ấy
Đúng mọi lúc, mọi nơi.

Đặc biệt khi ông chủ
Trót dính vào Ô-sin,
Thì chủ không là chủ,
Mà trở thành con tin.

7
Ai ôm máy điện thoại
Suốt ngày gọi và nghe,
Tôi cá mười ăn một,
Thần kinh có vấn đề.

Tôi, cả tuần không gọi
Nghe thì buộc phải nghe,
Ngày vài cuộc, có lẽ
Thần kinh cũng vấn đề.

8
Nhiều người hay lợi dụng
Tình bạn và tình thân,
Nói điều không tế nhị,
Đôi lúc không thực cần.

Ngược lại, đã thân thiết,
Càng phải nói nhẹ nhàng.
Họ là người trước hết
Đáng để ta dịu dàng.

9
Nô tỳ lấy ông chủ,
Thì dẫu trước nô tỳ,
Giờ vẫn là bà chủ,
Chẳng coi ai ra gì.

Ông chủ mà dại dột
Trót dính vào ô-sin,
Thì ô-sin là chủ,
Ông chủ là ô-sin.

10
Thời trang với phụ nữ
Còn hơn cả quan tòa.
Quan đòi hối lộ một.
Quần áo đòi gấp ba.

11
Ai đến ba mươi tuổi
Chưa khôn ngoan thành người,
Thì suốt đời người ấy
Khó khôn ngoan thành người.

12
Tôi quan sát, và thấy
Nhiều người hứa rất nhiều,
Nhưng chẳng làm được mấy
Cho người mình nói yêu.

Không ít người hào phóng
Hứa giúp đỡ, tuy nhiên,
Họ lặng lẽ biến mất
Khi liên quan đến tiền.

Đừng tin ai to tiếng
Thương xót bạn suốt ngày.
Người thực sự muốn giúp
Nói ít và giúp ngay.

13
Đừng tin ai tuyên bố,
Dẫu chân thật, hồn nhiên:
Họ muốn làm việc thiện,
Chỉ tiếc không có tiền.

Tạm gác chuyện người ấy
Có tiền thật hay không.
Có một điều chắc chắn:
Người ấy không có lòng.

14
Muốn biết ai bần tiện
Và keo kiệt thế nào,
Hãy xem họ sử dụng
Điện cơ quan ra sao.

Nếu họ bật máy lạnh,
Đóng cửa đi chơi lâu,
Ở nhà mình, chắc chắn,
Họ chỉ thắp đèn dầu.

15
Một khi anh giàu có,
Bạn kéo đến rất đông.
Họ có phải bạn không,
Chỉ khi nghèo mới biết.

16
Xưa, một cô bé nọ,
Mong ước suốt ngày đêm,
Có chiếc váy thật đẹp,
Như của nàng Lọ Lem.

Tất nhiên cô diện nó
Trong ngày cưới của mình.
Cô nghèo, người lại xấu,
Chắc nó làm cô xinh.

Thế là cô ki cóp
Từng đồng một âm thầm
Tiền quà, tiền ăn sáng,
Tiền mừng tuổi đầu năm.

Đến năm mười ba tuổi
Cô góp được khá nhiều,
Đủ mua nửa chiếc váy,
Loại có chỉ vàng thêu.

Cô sẽ nhịn ăn nữa,
Sẽ làm nũng, xin bà.
Còn lại nửa chiếc váy,
Mục tiêu không còn xa.

Tiếc rằng một ngày nọ,
Mẹ cô đi đâu về,
Thấy số tiền cô giấu,
Liền đem đi chơi đề.

17
Tôi có ông hàng xóm,
Được mời, không mất tiền,
Ông gọi món đắt nhất,
Gọi to và thản nhiên.

Ở nhà, ông ghê lắm.
Con cá trích chia ba
Cho ba đứa con nhỏ.
Ông và vợ ăn cà.

Một lần, ông nổi hứng,
Mời bạn chơi tất niên.
Uống bia xong, ông nói:
“Để đấy, tớ trả tiền.”

Ông bắt đầu móc túi.
Móc rất chậm, than ôi,
Đến khi tìm được ví,
Thì bạn đã trả rồi.

Ông này, buồn cười lắm.
Cái gì cũng tranh hơn.
Cái gì cũng sợ thiệt.
Không biết nói “Cảm ơn”.

18
Bọn trộm cướp, cặn bã,
Đĩ điếm và du côn,
Vì là người, nên chúng
Tất nhiên cũng có con.

Bố mẹ đã như thế,
Con cái sẽ ra sao?
Chúng, lũ trẻ tội nghiệp,
Được nuôi dạy thế nào?

Ba mươi năm về trước,
Sống ở Ngõ Mai Hương,
Tôi tận mắt chứng kiến
Câu chuyện này đáng thương.

Một câu chuyện có thật,
Như vừa mới hôm nay.
Bạn đọc rồi suy ngẫm.
Đại khái là thế này.

* Thằng nghiện lên cơn thèm,
Cần tiền mà không có.
Nhà chỉ có bóng đêm,
Mùi hôi và ít gió.

Vợ hắn vào giờ này
Đang hành nghề ăn cắp.
Khốn nỗi mấy hôm nay
Toàn công an bắt gặp.

Còn hắn thì tay chân
Luôn run run vì đói
Đói chích và đói ăn,
Cả người đau nhức nhối.

Hắn nhìn quanh khắp nhà
Không thấy gì, tức giận
Đá thằng con lên ba
Bẩn và gầy như hắn.

Hắn chửi đất, chửi trời,
Chửi đứa con quấy nghịch.
Chửi vì sống ở đời
Không có tiền để chích.

Cuối cùng hắn nghĩ ra
Cách kiếm tiền hiếm có.
Hắn lôi con khỏi nhà
Rồi ngồi chờ trước ngõ.

Thì ra hắn sẵn sàng
Chỉ rình xô con ngã
Vào xe người đi ngang
Để bắt đền, ăn vạ.

Mọi người biết, bảo nhau
Phải lánh xa, cẩn thận.
Xe nhiều mà hồi lâu
Không ai chèn con hắn.

Còn thằng bé đáng thương
Luôn khóc kêu sợ sệt,
Vì bị xô ra đường,
Bị đánh vì không chết.

Thằng nghiện đang lên cơn,
Hắn gầm gừ tức giận,
Mong ai đó ban ơn
Chẹt hộ con cho hắn.

20
Hôm nọ, do click chệch,
Lạc vào một trang Phây
Của bác gái nào đó.
Bác post cái tin này:

“Mình mua chiếc áo mới
Giá bảy mươi nghìn đồng.
Màu cũng đẹp đấy nhỉ?
Mọi người thấy được không?”

Status chỉ thế.
Tôi thoáng đọc, giật mình.
Hơn một trăm còm sĩ
Cùng xúm lại rồi bình.

Có bác còm mấy bận,
Còm ngắn rồi còm dài.
Sôi nổi và nghiêm túc.
Số còm lên trăm hai.

Người còm ở Hà Nội,
Ở Mỹ, Nhật, Trung Đông…
Tán về một chiếc áo
Giá bảy mươi nghìn đồng.

Cái hoạt động còm ấy
Kéo dài hai giờ liền.
Có cả lời châm chọc,
Cả chửi thề, xỏ xiên.

Tôi ngồi im, thuỗn mặt.
Đứng dậy, ra ban - công.
Không thể không thất vọng,
Không thể không đau lòng.

Bao cái hay cần đọc,
Bao cái tốt của đời
Không thèm đọc, không biết,
Họ, friends của tôi.

PS
Thú thật, sau vụ ấy
Tôi bỏ Phây hai ngày,
Suýt nữa thì bỏ hẳn.
Tiên sư thằng Phây này.

21
Ngày xưa có cây táo,
Lá xum xuê và dày.
Một cậu bé rất thích
Chơi với nó hàng ngày.

Cậu thường leo lên nó,
Hái quả ăn ngon lành.
Trưa mệt, cậu nằm ngủ
Dưới tán lá cây xanh.

Cậu bé yêu cây táo
Chân thành và ngây thơ.
Cây táo cũng yêu cậu,
Ngày nào nó cũng chờ.

Thời gian trôi, cậu bé
Cứ lớn dần, lớn dần,
Cậu bận học, có vẻ
Đã quên người bạn thân.

Một hôm cậu xuất hiện,
Đôi mắt thoáng buồn rầu.
Cây táo hồ hởi nói:
“Nào, ta chơi với nhau!”

Cậu bé đáp: “Xin lỗi,
Tớ đã lớn, buồn sao,
Không thể chơi với cậu
Vui vẻ như ngày nào.

Tớ muốn đồ chơi đẹp,
Mà lại không có tiền.”
Cây táo nói: “Thật tiếc,
Tớ cũng không, tất nhiên,

Nhưng cậu có thể hái
Táo của tớ trên cây.
Cách ấy tớ có thể
Giúp được cậu lần này.”

Cậu bé nghe, sung sướng
Hái hết táo mang đi,
Rồi không thấy quay lại.
Cây buồn, không nói gì.

Bỗng một hôm, cậu bé,
Giờ là người đàn ông,
Quay lại gặp cây táo,
Nhiều phiền muộn trong lòng.

Lần nữa ông xin lỗi:
“Tớ đã có gia đình,
Mà nhà thì chưa có,
Một ngôi nhà của mình.”

Cây táo đáp: “Thật tiếc,
Tớ cũng không có nhà.
Nhưng cậu có thể chặt
Cành lá tớ xùm xòa.

Hy vọng cậu đủ gỗ
Để xây nhà cho mình.
Ngôi nhà quan trọng lắm
Khi cậu có gia đình.”

Người đàn ông sung sướng
Chặt hết cành mang đi,
Không một lần quay lại.
Cây buồn, không nói gì.

Rất cô đơn và lạnh
Khi gió bão, mưa sa,
Nhưng cây táo hạnh phúc
Biết bạn mình có nhà.

Người đàn ông lại đến,
Mái tóc bạc trên đầu.
Cây táo thấy, vui sướng:
“Nào, ta chơi với nhau!”

“Không, tớ già, muốn nghỉ.
Bao phiền muộn trong lòng.
Tớ cần chiếc thuyền nhỏ.
Cậu giúp tớ được không?”

“Thế thì chặt thân tớ,
Để đóng một con tàu.
Cậu tha hồ chơi biển,
Sẽ không thấy buồn rầu.”

Ông già chặt cây táo,
Thuê xe đến mang đi
Rồi không hề quay lại.
Cây buồn, không nói gì.

Cuối cùng ông cũng đến,
Một ông lão yếu gầy.
“Tớ không còn gì nữa
Để cho cậu lần này, -

Cây nói. - Không còn táo
Để cậu thích thì ăn.”
Ông lão đáp: “Răng rụng,
Không nhai được, không cần.”

“Thân tớ không còn nữa
Để leo như ngày nào.”
“Đã qua rồi thời đó.
Ừ, cái thời vui sao.”

“Vậy thì tớ quả thật
Không còn gì để cho,
Ngoài gốc cây và rễ
Đang mục dần thành tro.”

“Bây giờ, - ông lão nói.
Tớ quả không cần nhiều.
Chỉ một nơi để nghỉ
Và để sưởi nắng chiều.”

“Thế thì tốt, thật tốt.
Tớ giúp cậu lần này.
Để tựa và để nghỉ,
Gì tốt hơn gốc cây?”

Ông lão ngồi xuống nghỉ,
Tựa lưng ông bạn già.
Cây táo vui, muốn khóc,
Đôi mắt lệ ướt nhòa.

Các bạn trẻ thân mến,
Tôi viết câu chuyện này
Cho bạn - những cậu bé,
Còn bố mẹ là cây.

Thế đấy, ta, con cái,
Chỉ biết nghĩ về mình.
Không biết rằng bố mẹ
Phải suốt đời hy sinh.

Ta được sinh, khôn lớn,
Rồi đi xa, bay xa,
Cuối cùng lại cần đến
Vòng tay bố mẹ già.

Câu chuyện này triết lý
Hãy đọc cho con mình,
Để chúng không ích kỷ,
Dẫu tài giỏi, thông minh.

22
Theo người ta kể lại,
Xưa có người đàn ông
Sống với một cậu bé
Trong ngôi nhà ven sông.

Đó là hai ông cháu.
Người ông tóc bạc phơ.
Cậu bé mới mười tuổi.
Quang cảnh đẹp, nên thơ.

Hàng ngày ông đọc sách.
Vâng, đọc sách hàng ngày.
Có nhiều cuốn sách cổ
Gáy bọc da, rất dày.

Còn cậu bé đi học,
Cũng hàng ngày, buổi chiều,
Khi làm xong bài tập,
Cậu chơi bóng, thả diều.

Cũng có hôm chơi chán,
Cậu đọc sách cùng ông,
Nhưng đọc không hứng lắm,
Và lúc hiểu, lúc không.

“Ông ơi, sao thế nhỉ, -
Cháu đọc thấy không hay,
Lại buồn ngủ, không hiểu.
Mà ông đọc suốt ngày.”

Ông mỉm cười bảo cậu
Lấy chiếc giỏ than đen
Vừa đổ than vào bếp,
Xuống sông xách nước lên.

Cậu vâng lời, rất cố,
Nhưng khi lên đến nơi,
Nước đã chảy ra hết.
Ông cậu lại mỉm cười:

“Thì cháu hãy thử lại.
Lần này đi nhanh hơn.”
Cậu đi gần như chạy,
Mà nước vẫn không còn.

Cậu xách thêm lần nữa,
Mồ hôi chảy thành dòng:
“Không thể dùng chiếc giỏ
Để lấy nước, thưa ông.”

Ông cậu đáp: “Đúng vậy.
Thực ra ông hôm nay
Không muốn cháu lấy nước,
Mà muốn nói điều này:

Giỏ không đựng được nước.
Nhưng giỏ bám than đen,
Sau mấy lần “lấy nước”
Sẽ sạch, trắng dần lên.

Cũng vậy, cháu đọc sách,
Khó hiểu, thấy không cần.
Nhưng cháu kiên trì đọc,
Đầu óc sẽ sáng dần.”

Cậu bé nhìn chiếc giỏ,
Hình như lần đầu tiên,
Thấy nó được nước rửa
Không còn bám bụi đen.

Vâng, ông già nói thế,
Rằng đọc sách rất cần
Tâm hồn và ý nghĩ
Sẽ thanh lọc dần dần.

Còn tôi thì nhân tiện
Xin nói thêm một điều:
Tương tự, nhạc cổ điển
Cũng giúp ta rất nhiều.

Nghe nó, từng tí một,
Như đọc sách hàng ngày,
Ta trở thành người tốt
Tự lúc nào không hay.

Nó làm ta tinh tế,
Thấy cái đẹp của đời,
Nghe bài ca của gió,
Thấm cái đau của người.

23
Khi một cửa bị đóng,
Có thể cách không xa,
Một cửa khác đang mở,
Bạn có thể đi qua.

Thế mà bạn chỉ tiếc
Chiếc cửa đóng, buồn phiền.
Không tìm các lối khác
Để tiếp tục đi lên.

24
Tứ Thư của Khổng Tử
Có cuốn gọi Trung Dung,
Khuyên ta trong mọi cái
Đừng đẩy đến tận cùng.

Lão Tử, còn hơn thế,
Khuyên ta sống tự nhiên
Như mây trời, cây cỏ,
Sẽ thoát hết buồn phiền.

Cứ đều đều mà tiến.
Vội vã mà làm gì.
Cái gì đến sẽ đến.
Cái gì đi sẽ đi.

Trong cái may có rủi.
Trong rủi có cái may.
Để chứng minh điều ấy,
Tôi có câu chuyện này.

* Một bác nông dân nọ
Có con ngựa cái non.
Thế mà nó chạy mất,
Khiến cả nhà rất buồn.

Hay tin, nhiều hàng xóm
Đến chia buồn với ông.
Ông nói: “Ừ, rủi thật.
Cũng có thể là không.”

Hôm sau, con ngựa cái
Tự nhiên chạy về nhà,
Kéo theo một con đực.
Ối chà chà, ối chà!

Hàng xóm lại kéo đến
Chia vui, uống say mèm.
Chủ nhà vẫn tỉnh táo:
“Ừ, còn để rồi xem.”

Được hai ngày, bất cẩn,
Thằng con cả của ông
Tập cưỡi con ngựa mới,
Ngã gãy chân, vẹo hông.

Hàng xóm đến an ủi:
Ôi tiếc sao, buồn sao.
Ông bố tư lự nói:
“Để còn xem thế nào.”

Bỗng xẩy ra chiến sự.
Lính vua đến đầy nhà
Để bắt lính, cậu cả
Chân què, nên được tha.

Hàng xóm lại kéo đến,
Lại mừng, uống suốt đêm.
Ông chủ nhà không uống,
Lẩm bẩm: “Để rồi xem.”

25
Câu chuyện này có thật,
Mà lại chuyện ngày nay,
Được nhiều người biết đến.
Đại khái chuyện thế này.

Có một nhà toán học
Trẻ tuổi và thông minh,
Tiếc rằng chàng nghèo quá
Nên đã bị người tình

Bỏ rơi, theo người khác,
Theo một chàng sĩ quan.
Cuộc đời vốn vẫn vậy,
Chẳng có gì đáng bàn.

Một lần, hai chàng ấy
Cãi cọ rất gắt gay,
Rồi thách nhau đấu súng,
Hẹn sau hai mươi ngày.

Nhưng đời thật trái khoáy:
Trong hai mươi ngày sau,
Nhiều phương trình toán học
Bỗng xuất hiện trong đầu.

Chàng cắm cúi làm việc,
Chạy đua với thời gian,
Hết tính toán lại viết,
Không rời khỏi chiếc bàn.

Rồi hai mươi ngày hết,
Công trình vẫn chưa xong.
Một công trình vĩ đại,
Chàng ấp ủ trong lòng.

Thôi thì đành chịu nhục.
Phải hoàn tất công trình,
Chàng xin hủy cuộc đấu,
Và đã được người tình

Thẳng thừng ném vào mặt
Một chữ “Hèn” sỗ sàng.
Chữ “Hèn” nhục nhã ấy
Suýt đã giết chết chàng.

Nhưng chàng cố gượng dậy
Bất chấp lời thị phi,
Lại làm việc, làm việc,
Ngoài ra không biết gì.

Cuối cùng, công trình ấy
Cũng được chàng viết xong,
Một công trình vĩ đại
Chàng thực sự hài lòng.

Chàng tắm rửa sạch sẽ,
Uống một cốc rượu vang,
Cầm khẩu súng thách đấu
Rồi bắn vào tim chàng. *

“Bàn về toán vũ trụ”,
Công trình toán “dở hơi”,
Được in mấy trăm bản
Sau khi chàng qua đời.

Rồi thiên tài vật lý
Einstein, một ngày,
Trong cửa hàng sách cũ
Nhìn thấy công trình này.

Ông say mê đọc nó,
Quả có một không hai.
Chốc chốc ông ngả mũ
Như cúi chào thiên tài.

Đọc xong ông kinh ngạc,
Suýt nữa thì kêu lên,
Khi thấy chữ “Le Lâche
Tên tác giả - Thằng Hèn.

Lát sau ông chữa lại
Thành “Lâche le Grand”,
Tức “Thằng Hèn Vĩ Đại.”
Cũng là một dạng hèn.

* Câu chuyện chỉ có thế.
Chẳng biết viết thêm gì.
Mà cũng chẳng cần viết.
Ai nghĩ gì thì tùy.

Có cái sai trong đúng,
Có cái đúng trong sai.
Có những người nhỏ bé,
Có những bậc thiên tài.

Có cái hèn hèn thật,
Có cái hèn tạm thời.
Ừ, thì hèn cũng được,
Miễn có ích cho đời.

26
Cả khi nhiều người trách,
Anh cũng chớ nản lòng.
Thường sai và thiên vị
Là ý kiến đám đông.

27
Lấy vợ, anh sẽ chết.
Không lấy càng chết hơn.
Hay chọn cái ở giữa
Có vợ và cô đơn?

28
Đừng đem chiếc lược quí
Tặng ông hói đáng thương.
Đừng mong người mù mắt
Cảm ơn anh cho gương.

29
Ai may mắn có cháu
Và được gọi bằng ông,
Thì phải nhớ cư xử
Đúng nghĩa một người ông.

30
Khổng Tử có một thuyết
Gọi là thuyết Chính Danh.
Ai làm việc người ấy,
Theo chức phận của mình.

Người dạy phải dạy tốt.
Người học phải siêng năng.
Tuyệt đối không lẫn lộn,
Kiểu nửa ông nửa thằng.

Ta bây giờ, thật lạ,
Ai cũng muốn làm thầy,
Dù ít học, ngu dốt.
Tai họa là chỗ này.

31
Người dân quê chân chất,
Thật thà và hiền lành.
Có thể đúng thế thật,
Nhưng nhiều bác cũng kinh.

Đặc biệt là mấy bác
Đạp xe bán hàng rong,
Thường nói thách, cân thiếu
Với tôi, khách đàn ông.

Họ thơ ngây, cứ nghĩ
Dân thành phố dễ lừa.
Chuyện nhỏ, tôi không nói,
Nhưng biết thì biết thừa.

32
Nhiều người nói hay lắm,
Nghe cứ như thánh thần,
Nhưng làm thì dở ẹc,
Đặc biệt trong thơ văn.

Là ý tôi muốn nói
Rằng khi nghe nhà thơ,
Muốn thì tin một nửa,
Còn thì hãy cứ chờ.

Lại nữa, đọc thơ họ
Mà bạn không hiểu gì
Thì lỗi không phải bạn,
Mà là họ, tin đi.

Vì trong trường hợp ấy,
Điều họ viết, thực ra
Không có gì để hiểu,
Toàn nhảm nhí, ba hoa.

Thấy nhà thơ nào đó
Nói oang oang, hùng hồn,
Cam đoan, thơ người ấy
Bé tí, cỏn còn con.

33
Về khái niệm hạnh phúc,
Người ta nói mãi rồi.
Xin phép kể câu chuyện
Từng xẩy ra với tôi.

Lần ấy nằm bệnh viện,
Phải mổ, đái không ra.
Có thằng nhóc giường cạnh,
Lên hai hoặc lên ba.

Hắn tè vào bô sắt,
Tiếng thật đều, thật êm.
Nói thật với các bác,
Tôi nghe thế mà thèm.

Và nghĩ, nếu đái được,
Chắc chắn tôi là người,
Dẫu nghèo, dẫu sắp mổ,
Hạnh phúc nhất, nhất đời.

Sau lần ấy, ra viện,
Tôi vẫn tè hàng ngày,
To và êm hơn nó,
Thế mà lạ điều này,

Tôi nghĩ sự tè ấy
Là bình thường, đương nhiên,
Không thấy mình hạnh phúc,
Cũng chẳng sướng như tiên.

Thế đấy, ta đang có
Nhiều cái để làm ta
Trở thành người ta muốn.
Vậy còn kiếm đâu xa?

34
Để kính trọng người khác,
Người có tài, thông minh,
Trước hết anh phải học
Kính trọng bản thân mình.

35
Mấy cái vụ bê bối
Về thơ thẩn vừa rồi,
Lỗi không phải tác giả,
Mà lỗi chính, theo tôi,

Là dân trí nó thấp,
Là xã hội nó điên,
Là những trò vớ vẩn
Nghe thum thủm mùi tiền.

36
Ta có thể hào phóng
Chơi thân với một người.
Tặng quà, mời ăn nhậu…
Liên tục mấy năm trời.

Nhưng một lần, vô ý,
Nhỡ làm hắn mất lòng.
Hắn gọi ta là chó,
Trở mặt, coi như không.

Điều này nghe thật lạ,
Nhưng lạ nữa, bây giờ
Đa phần là như thế.
Không tin, mời cứ chờ.

37
Bào thai trong bụng mẹ
Chỉ chín tháng mười ngày.
Khó tin nhưng sự thật:
Trong quãng thời gian này

Bào thai ấy lặp lại
Lịch sử của cuộc đời,
Nhiều triệu năm tiến hóa
Từ đơn bào thành người.

38
Không có ai, nam giới,
Là phái mạnh hoàn toàn.
Không có ai, nữ giới,
Là phái yếu hoàn toàn.

Yếu hay mạnh phụ thuộc
Cách ứng xử với nhau.
Muốn gì sẽ được ấy,
Thậm chí cả đối đầu.

39
Đàn ông sống không vợ,
Nhà không còn là nhà.
Quan trọng không phải sex,
Mà hơi ấm đàn bà.

40
Tục ngữ Anh có nói:
Lúc trẻ ai thích lười
Thì yên tâm mà khổ
Ở phần cuối cuộc đời.

A youngman iddle,
An old man needy.
Người Anh nói thế đấy,
Tin hay không thì tùy.

41
Trung Quốc có tục ngữ:
Trồng cây mất mười năm.
Trồng người cả thế kỷ.
Tuyệt đối không thể nhầm.

42
Tục ngữ của người Pháp:
Đàn ông mà không chơi,
Tức là không tán gái,
Coi như phí cuộc đời.

Tôi thấy họ nói đúng.
Các bác thấy đúng không?
Vậy hãy rút bài học,
Cho đáng mặt đàn ông.

43
Nước ta có tục ngữ
Rằng gần mực thì đen.
Nhưng tôi thấy nhiều bác
Vấn tối khi gần đèn.

44
Cái đích của nghệ thuật,
Nhất là trong văn thơ,
Là trong sáng, giản dị,
Không vòng vo, ỡm ờ.

Mà thường, như ta thấy,
Chỉ có các bậc thầy,
Người thực sự uyên bác,
Mới đạt được đích này.

45
Tôi quan sát, và thấy
Thường nói to, nói nhiều
Là người ít suy nghĩ.
Mà lắm khi nói điêu.

46
Thắng lợi to lớn nhất
Trong mọi cuộc chiến tranh
Là thắng lợi tốn ít
Xương máu dân nước mình.

47
Sự dạy và sự học
Là hoạt động hai chiều.
Ta dạy người, ngược lại,
Ta học người cũng nhiều.

48
Nhiệt tình mà thái quá
Thường hỏng việc; nhiệt tình
Phải đúng lúc, đúng chỗ
Và hợp khả năng mình.

49
Trong trường hợp xấu nhất,
Kẻ thù tấn công anh.
Cũng thế, rất có thể
Bàn bè chống lại anh.

Điều ấy không đáng sợ.
Đáng sợ - người xung quanh
Không yêu cũng không ghét,
Mà dửng dưng với anh.

51
Tôi nghĩ người Pháp đúng
Khi nói: Với đàn bà
Không bao giờ được đánh,
Thậm chí bằng bông hoa.

52
Một sự thật chua xót:
Sống gần hết đời người,
Có lẽ ta mới biết
Ý nghĩa của cuộc đời.

Tượng tự, thành chồng vợ,
Một bầy con đầy nhà,
Ta mới thực sự hiểu
Bạn đời của chúng ta.

53
Đúng, mẹ hát con khen,
Kẻ sĩ sinh kẻ sĩ,
Nhưng sao gà mái đen
Đẻ trứng màu trắng nhỉ?

54
Hàng xóm muốn hòa thuận
Là phải có bờ rào.
Mời các bác tưởng tượng
Không có sẽ thế nào.

55
Gió ngược chiều, thổi mạnh
Mà anh vẫn coi khinh,
Nhổ nước bọt vào gió
Là tự nhổ vào mình.

56
Pháp có câu tục ngữ,
Rất đúng với nhiều người:
Nếu cắn được thì cắn,
Đừng sủa, nghe buồn cười.

57
Về việc thiện, người Pháp
Có tục ngữ thế này:
Anh muốn làm việc thiện,
Vậy xin mời, làm ngay.

Mà bắt đầu từ việc,
Đối xử với vợ con.
Làm sao không để vợ
Thiếu nước hoa và son.

58
Khách đến chơi là tốt.
Chủ vui, khách cũng vui,
Nhưng nhớ: Khách như cá,
Ba ngày sẽ bốc mùi.

59
Giúp đỡ người là tốt,
Và dẫu không mất tiền,
Nhưng khi chưa được hỏi,
Chưa vội đưa lời khuyên.

60
Đừng vội nói nên lời
Trong trường hợp tế nhị.
Vì im không trả lời
Cũng là cách trả lời.

61
Trong hầu hết trường hợp
Chuyện trong nhà, chuyện ngoài,
Ta phải tin bằng mắt
Chứ không tin bằng tai.

62
Gái đẹp lấy chồng sớm
Cũng là chuyện bình thường.
Bông hoa dại nở đẹp
Kho đứng lâu bên đường.

63
Việc cũng ba bảy loại,
Y hệt như con người.
Việc thú vị, làm việc
Lại chính là nghỉ ngơi.

64
Người Đức có tục ngữ,
Nhiều người biết xưa nay.
Tôi không biết sai đúng,
Nhưng đại khái thế này:

Ngày cưới cô dâu khóc,
Sau thành vợ hay cười.
Ngày cưới mà nàng cười,
Nhất định sau cau có.

65
Đồ vật cũ là vứt,
Trừ trường hợp đàn bà.
Như người ta vẫn nói:
Cũ người nhưng mới ta.

66
Sống lâu, tôi nhận thấy:
Người nói đẹp, nói hay
Dễ thành người nói dối.
Xin lưu ý điều này.

67
Làm gì cũng suy nghĩ,
Nhưng vấn đề là anh
Nghĩ, phải nên nghĩ chậm,
Còn làm, phải làm nhanh.

68
Không có gì chung thủy
Với người bằng cái nghèo.
Bạn bè bỏ đi hết,
Nó vẫn cứ bám theo.

69
Núi nào nhìn từ xa
Cũng xanh và thơ mộng.
Biển ngắm từ trên cao
Luôn hiền hòa, lặng sóng.

Con người ở xa nhau
Dễ yêu thương, cũng vậy.
Nhiều cái xấu của nhau
Vì xa nên không thấy.

70
Người ta không thể sống
Duy nhất bằng bánh mì.
Người cần thêm cuốn sách.
Người chỉ cần ti-vi.

Thanh niên cần ai đó
Để nhớ và yêu thương.
Tôi thì mong cháu lớn
Để đưa cháu đến trường.

71
Vợ chồng con năm ngoái
Về quê thăm ông bà.
Đông như một đại đội,
Tiếng cười nói vang nhà.

Bất chợt bà cụ nói:
“Vợ chồng anh lại đây.
Nghe nói nhà cũng khá,
Mà sao lại thế này?

Là ý tôi muốn nói
Có tiền mua ô tô,
Mà quần con anh mặc
Có miếng thủng rất to.”

Tôi gãi tai, im lặng,
Chẳng biết nói thế nào.
Không lẽ nói là mốt,
Quần rách, người cào cào.

May Mụ Vợ nhanh trí,
Nhảy vào cứu: “Dạ thưa.
Quần cũ của con đấy,
Nay cháu nó mặc thừa.”

Bà cụ nghe, thích lắm,
Rồi quay sang bảo tôi:
“Vợ con anh khá đấy.
Biết tiết kiệm, mà rồi

Mua quần mới cho nó,
Giá rẻ, chợ bán đầy.
Không thì nên vá lại,
Ai mặc rách thế này.”

72
Người Ý có tục ngữ:
Đàn ông mà không râu
Trông vừa gian vừa xấu,
Còn hơn cả hói đầu.

Vâng họ nói thế đấy.
Tôi chẳng hiểu vì sao.
Chắc không phải vô cớ.
Các bà nghĩ thế nào?

73
Đàn ông vì tuổi tác
Mà cảm thấy mình già.
Thôi không muốn trang điểm
Là cái già đàn bà.

74
Chỉ mất một con gà
Mà đem nhau ra tòa,
Thì quan tòa chắc chắn
Được ăn mười con gà.

Chỉ vì một chuyện nhỏ,
Loại bé như con thỏ,
Mà vợ chồng cãi nhau,
Hàng xóm được con trâu.

75
Tớ đang gặp phiền muộn.
Khuyên nhủ làm đếch gì.
Bạn bè, nói thật nhé,
Có tiền thì cho đi.

76
Bát cơm là bát ngọc,
Cũng là bát mồ hôi
Người nông dân cày ruộng
Làm ra để nuôi tôi.

Một hạt rơi xuống đất,
Một viên ngọc của đời.
Sao có thể nỡ phí?
Cúi nhặt, cháu con cười.

Cười thì cười, vẫn nhặt,
Còn nâng bằng hai tay
Giọt nắng, giọt nước mắt
Của tổ tiên đi cày.

77
Cháu mới đi chập chững,
Được ông dắt đi chơi.
Lần đầu ông dắt cháu
Chập chững bước vào đời.

Một người cực to béo,
Một người bé tỉ ti.
Thẳng hưởng mặt trời mọc,
Cùng dắt tay nhau đi.

78
Suốt đêm thơ với thẩn.
Sáng dậy mệt bã người.
Ra ban công hút thuốc,
Ngỡ ngàng vì mặt trời.

Ngỡ ngàng vì ruộng lúa,
Xanh đến nhói trong lòng.
Mấy cô gái hôm trước
Vẫn bón phân đón đòng.

Thương các cô vất vả
Lo chăm lúa nuôi người.
Thương cả mình vắt óc
Viết thơ dâng cho đời.

Nhưng ai cũng cần gạo,
Còn thơ thì chắc không.
Tự nhiên ngồi đực mặt,
Hơi ngường ngượng trong lòng.

80
Hóa ra, toàn thế giới
Đều có chung ý này:
Cách giữ bạn tốt nhất,
Có tiền, đừng cho vay.

81
Người thực sự thông thái
Tự biết giá trị mình,
Nên cách sống, đồ đạc
Giản dị là thường tình.

Người chưa thông thái lắm,
Muốn nâng mình lên cao,
Họ chơi toàn đồ xịn,
Bằng bất cứ giá nào.

Cứ để ý thì thấy
Rằng tôi nói không sai.
Người mua xe tiền tỉ
Là mua cho người ngoài.

82
Ở nước nào cũng vậy.
Có nhiều người đang nghèo,
Bỗng nhiên thành giàu có,
Mà chưa biết chi tiêu,

Thì có thể nói chắc,
Rằng với những người này
Tiền bạc và giàu có
Mang họa nhiều hơn may.

83
Ta nên học người Đức,
Ai ăn tự trả tiền.
Chứ ta, vì bệnh sĩ,
Hóa ra lại rất phiền.

Ai cũng tranh nhau trả,
Nhưng móc ví thật lâu.
Ai “nhanh tay” thanh toán,
Về nhà cứ lầu bầu.

Hơn thế, có nhiều bác
Mời người ta đi ăn
Mà tiền thì đếch có,
Phải suýt khóc nhiều lần.

Lại nữa, ai to tiếng
Tuyên bố “tớ khinh tiền!”,
Thì đích thị người ấy
Trong túi không có tiền.

84
Có một điều thật lạ:
Nhiều thanh niên ngày nay
Sợ đọc đến co rúm
Khi thấy cuốn sách dày.

Nên văn hóa của họ
Dừng ở báo An Ninh,
Nghe các Sao Việt hát
Và điện thoại thông minh.

Nhìn mà thấy thương hại.
Thương hại hơn: Hàng ngày
Các thanh niên “lùn” ấy
Tỏ vẻ rất ta đây.

85
Có một sự khác biệt
Giữa đọc tờ An Ninh
Và đọc sách, đọc báo
Loại đáng đọc, tiếng Anh.

Khác biệt về đẳng cấp,
Giữa cái thấp, cái cao,
Như nghe nhạc cổ điển
Và nghe nhạc tầm phào.

86
Ngày xưa các cụ nói
Thùng rỗng luôn kêu to.
Giờ, nhiều anh tiền ít
Mà vẫn đi ô tô.

87
Tôi, nông dân chính gốc,
Xin được nói thế này:
Ta nông dân, khôn lắm,
Mặc dù cứ giả ngây.

Tức là khôn mà ngốc,
Kiểu tư lợi tiểu nông.
Cái gì cũng muốn có,
Không mất tiền, mất công.

Và ta, cả tôi nữa,
Rất sợ phải tiêu tiền.
Hám lợi từng tí một,
Gì cũng muốn có liền.

Đại khái là như vậy.
Mà tất cả điều này
Là đặc tính cố hữu
Của nông dân xưa nay.

Giờ ta lên thành phố,
Nên dù muốn hay không,
Ta vẫn phải thay đổi
Cái chất ấy tiểu nông.

Khó, việc này khó lắm.
Phải cố, biết làm sao.
Tôi, thú thật, đã cố,
Nên cũng giảm phần nào.

88
Có một cô gái nọ,
Vừa xinh, vừa nết na,
Nên con trai gần đấy
Luôn tấp nập vào ra.

Nhiều chàng cũng khá lắm,
Nhưng cô cứ lắc đầu.
Đêm, vào Phây tình tự
Với một chàng đâu đâu.

Chàng ấy ở xa lắm,
Chưa gặp mặt bao giờ.
Thế mà yêu, họ hẹn,
Rồi thề thốt đợi chờ.

Thằng Phây và Số Phận
Tiếc, đã không chiều người.
Cô lấy chàng trai ảo,
Chịu đau khổ suốt đời.

Câu chuyện buồn, có thật,
Tôi đem kể ra đây
Chỉ để các cô gái
Ngẫm nghĩ bài học này.

89
Yêu, không cần thề thốt.
Nghe mà thấy ghê ghê.
Cá nhân tôi, thú thật
Rất sợ các lời thề.

90
Một sinh viên “sống thử”,
Đến nhà chùa sinh con,
Nhờ sư cụ đùm bọc,
Rồi cũng được vuông tròn.

Khi con gần một tuổi,
Tính toán rất tinh vi,
Cô lừa chùa một vố,
Rồi ôm con ra đi.

Từ đấy cô biệt tích
Cùng hơn mười triệu đồng.
Sư cụ biết mọi chuyện,
Nhưng cứ lờ như không.

91
Khi bàn tay dính bẩn,
Rửa là xong, không sao.
Nhưng ý nghĩ trót bẩn,
Phải rửa bằng cách nào?

Mỗi người theo một cách.
Có nhiều cách khác nhau.
Tốt nhất, nhìn mắt trẻ,
Chăm chú và thật lâu.

92
Một người mà không biết
Rằng mình không biết gì,
Thì đó là thằng ngốc,
Hãy quên anh ta đi.

Một người có đầu óc,
Tự mình không nhận ra,
Thì người ấy đang ngủ.
Hãy đánh thức anh ta.

Một người giỏi và biết
Mình biết rất nhiều điều,
Thì đó là hiền triết,
Hãy cố gắng đi theo.

93
Đàn ông như con chó
Nuôi giúp việc trong nhà.
Được nuôi tốt thì nó
Là bạn của đàn bà.

94
Để thành người hạnh phúc,
Chí ít trong một ngày,
Tôi có một bí quyết,
Mời bạn thử, thế này:

Ra khỏi nhà buổi sáng,
Bạn đứng im, nhắc mình:
Không nói dối, không vội,
Không suy nghĩ linh tinh.

Gặp ai cũng chào hỏi,
Nếu được thì mỉm cười.
Hãy cố tìm cái tốt,
Cái hay của từng người.

Tuyệt đối không chê trách,
Lại càng không dạy khôn.
Nếu tiện thì chọn lúc
Xin hoặc nhận chiếc hôn.

95
Thêm một bí quyết nữa
Để mạnh khỏe, sống lâu
Và béo như tôi béo,
Nghiêm túc, không đùa đâu,

Là cố không nghĩ xấu
Về bất kỳ người nào.
Nói to, cười thoải mái,
Và - gặp ai cũng chào.

96
Muốn bảo đảm biết đúng
Và đầy đủ một điều,
Thì thông tin nhất thiết
Phải hai hoặc nhiều chiều.

97
Nói về điều nhỏ nhặt,
Tôi có bài thơ này,
Ngẫu nhiên đọc, rồi dịch.
Cực đúng và cực hay.

* Những giọt nước bé nhỏ,
Những hạt bụi đang bay
Đã làm nên biển lớn
Và cả trái đất này.

Cũng thế, giây và phút,
Ta tưởng ngắn, không dài,
Đã làm nên thế kỷ,
Quá khứ và tương lai.

Những sai lầm nhỏ bé,
Ta tưởng chẳng là gì,
Tích lại là tai họa,
Làm ta chệch hướng đi.

Những điều tốt nhỏ nhặt;
Những lời nói yêu thương
Làm trái đất thành đẹp,
Đẹp như chốn thiên đường.

98
Thời bé ta mơ mộng
Đủ cái hay trên đời.
Sau ta thành người lớn,
Ngẫm lại thấy buồn cười.

Cuộc đời luôn vẫn vậy,
Mộng mơ cứ mộng mơ,
Nhưng phải biết, cơm áo
Không đùa với khách thơ.

Có một ông người Bỉ
Viết bài thơ như sau.
Chỉ mấy dòng, nhưng đúng,
Vừa đúng lại vừa đau.

* Nếu không là con gái,
Tớ đã bỏ nhà đi,
Cô bé nói với bạn.
Mà sang tận châu Phi!

Còn cậu bạn thì đáp:
Nếu không là con trai,
Tớ sẽ thêu tấm lụa
Bằng tia nắng ban mai.

Rồi hai người khôn lớn.
Sau thành vợ, thành chồng,
Suốt từ sáng đến tối
Chỉ nói chuyện tiền nong.

99
Có nhà thơ đã nói,
Rằng chúng ta con người,
Khiêm tốn và nhỏ bé,
Không cần nhiều ở đời.

Và cái ta cần nhất
Là biết được ở nhà,
Khi ta đi đâu vắng,
Có người đang chờ ta.

100
Không việc gì phải sợ
Người khác chống lại anh.
Chính nhờ gió thổi ngược,

Diều bay lên trời xanh. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét