Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Bài 1- Làm sao làm thơ Lục Bát - Hàn Sĩ Nguyên

1-Thơ Lục Bát là gì ?

Là một thể thơ thuần túy Việt Nam, gồm một câu 6 chữ, nối theo một câu 8 chữ, rồi lại một câu 6 chữ, một câu 8 chữ ... liên tiếp vô cùng vô tận

2-Độ dài của một bài thơ Lục Bát :

a- Lục bát ngắn :

+Bài ngắn nhất gồm 2 câu : một câu lục (6 chữ), một câu bát (8 chữ) thường gặp trong ca dao, thí dụ như :

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

+Các bài ngắn khác gồm 4, 6, 8, 10 câu, thí dụ như :

Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn , trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ

b-Lục bát trung bình :

Thường có độ dài từ 12 đến 24 câu, tối đa là 36 câu mà thôi. Nếu dài quá bài thơ sẽ bị nhàm chán, mất hay.

Chẳng thương ...

Chẳng thương cũng gọi rằng chồng
Chẳng tình cũng nghĩa, chẳng mong cũng chờ
Ai làm cho rối duyên tơ
Gió xuân hiu hắt, nhạt nhòa mưa xuân
Hỏi người tham bã phù vân
Nhớ chăng bể ái nguồn ân thuở nào
Lưng dưa dĩa muối bên nhau
Gừng cay khế ngọt biết bao nhiêu tình
Ngỡ rằng phu quý phụ vinh
Ngờ đâu rũ áo dứt tình theo ai
Một mai phấn nhạt hương phai
Bình rơi, trâm gãy, bèo trôi, hoa tàn
Trách mình số kiếp gian nan
Trách trời ghen ghét hồng nhan muộn rồi !
Mộng mơ chi lắm người ơi
Nồi nào vung nấy suốt đời thong dong

Mộ Trung Nhân

c-Trường thiên lục bát :

Thường gặp trong các bộ truyện thơ , thí dụ như :
-Thạch Sanh Lý Thông (1790 câu)
-Truyện Kiều tức Đoạn Trường Tân Thanh (3254 câu)
-Thừa Tướng Ứng Hầu Phạm Thư (3380 câu)
Truyện thơ dài nhất tính đến nay được biết là bộ truyện thơ Cuộc đời Chúa Cứu Thế (hơn 9 ngàn câu) của nhà thơ Linh mục Xuân Văn

3-Cách gieo vần trong thơ Lục Bát :

Lục Bát chính thể là thể loại nối tiếp một câu 6, một câu 8 rồi lại đến một câu 6, một câu 8 khác , cứ thế nối tiếp nhau, trong đó cách gieo vần như sau :

-Chữ thứ 6 câu 1 ăn vần với chữ thứ 6 câu 2
-Chữ thứ 8 câu 2 ăn vần với chữ thứ 6 câu 3
-Chữ thứ 6 câu 3 ăn vần với chữ thứ 6 câu 4
-Chữ thứ 8 câu 4 ăn vần với chữ thứ 6 câu 5
..... cứ như thế nối tiếp nhau mãi

Thí dụ 1: Ca dao

Anh về rẫy vợ anh RA
Công nợ em trả, mẹ GIÀ em NUÔI
Anh đã rẫy vợ anh RỒI
Công nợ anh trả, anh NUÔI mẹ già .

Thí dụ 2 : Cây thông ( Nguyễn Công Trứ )

Ngồi buồn mà trách ông XANH
Khi vui muốn khóc, buồn TÊNH lại CƯỜI
Kiếp sau xin chớ làm NGƯỜI
Làm cây thông đứng giữa TRỜI mà REO
Giữa trời vách đá cheo LEO
Ai mà chịu rét thì TRÈO với thông .

4-Luật Nhị Tứ Lục trong thơ Lục bát : (Luật B-T-B)

Điều này không quy định thành luật bắt buộc chính thức, nhưng thường thì muốn cho một câu thơ hay, phải tuân thủ luật nhị tứ lục (chữ thứ 2,4,6 trong câu phải mang thanh Bằng, Trắc, Bằng theo thứ tự).

+Riêng chữ thứ 2 được phép linh dộng tự do, muốn Bằng Trắc gì cũng được
+Mấu chốt ở nơi chữ thứ 4 bắt buộc phải là thanh Trắc ( có dấu sắc, hỏi, ngã, nặng ) và chữ thứ 6 bắt buộc phải là thanh Bằng ( không dấu, hoặc dấu huyền ) .

Tóm tắt : Phải tuân theo luật \'Tứ Trắc Lục Bằng\'

5-Luật Phù Trầm trong thơ Lục bát :

Phù : nổi
Trầm : chìm
Bình thanh : thanh bằng
Phù bình thanh : thanh bằng nổi, không dấu
Trầm bình thanh : thanh bằng chìm, có dấu huyền
Trong câu bát (câu 8 chữ) của bài Lục bát, đã hình thành một quy luật, một giao ước như sau :

-Nếu chữ thứ 6 của câu bát là Trầm Bình Thanh (dấu huyền) thì chữ thứ 8 của câu ấy phải là Phù Bình Thanh (không dấu).

Thí dụ :
Người đi, người đã đi rồi
Sao còn đứng đó ngậm NGÙI mà CHI
(HSN-Thừa Tướng Ứng Hầu Phạm Thư)

-Ngược lại, nếu chữ thứ 6 là Phù Bình Thanh (không dấu) thì chữ thứ 8 phải là Trầm Bình Thanh (dấu huyền).

Thí dụ :

Hỡi ơi người đó ta đây
Trăm năm trăm tuổi bèo MÂY hững HỜ
(HSN-Mộ Sầu)

Tóm lại :

Chỉ cần bấy nhiêu vốn liếng thôi, các bạn cũng đã đủ để viết được thơ lục bát rồi vậy.
Tuy nhiên, muốn viết được một bài Lục bát cho hay, nhất thiết phải tránh không để vấp phải lỗi Lục bát trôi xuôi, lỗi lạc vận và lỗi vần trùng lặp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét