Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Gấu và hai bác lái

Gấu và hai bác lái - L'ours et les deux compagnons

Deux compagnons pressés d'argent 
A leur voisin Fourreur vendirent 
La peau d'un Ours encor vivant, 
Mais qu'ils tueraient bientôt, du moins à ce qu'ils dirent. 
C'était le Roi des Ours au compte de ces gens. 
Le Marchand à sa peau devait faire fortune. 
Elle garantirait des froids les plus cuisants, 
On en pourrait fourrer plutôt deux robes qu'une. 
Dindenaut prisait moins ses Moutons qu'eux leur Ours: 
Leur, à leur compte, et non à celui de la Bête. 
S'offrant de la livrer au plus tard dans deux jours, 
Ils conviennent de prix, et se mettent en quête, 
Trouvent l'Ours qui s'avance, et vient vers eux au trot. 
Voilà mes gens frappés comme d'un coup de foudre. 
Le marché ne tint pas; il fallut le résoudre: 
D'intérêts contre l'Ours, on n'en dit pas un mot. 
L'un des deux Compagnons grimpe au faîte d'un arbre; 
L'autre, plus froid que n'est un marbre, 
Se couche sur le nez, fait le mort, tient son vent, 
Ayant quelque part ouï dire 
Que l'Ours s'acharne peu souvent 
Sur un corps qui ne vit, ne meut, ni ne respire. 
Seigneur Ours, comme un sot, donna dans ce panneau. 
Il voit ce corps gisant, le croit privé de vie, 
Et de peur de supercherie 
Le tourne, le retourne, approche son museau, 
Flaire aux passages de l'haleine. 
C'est, dit-il, un cadavre; Otons-nous, car il sent. 
A ces mots, l'Ours s'en va dans la forêt prochaine. 
L'un de nos deux Marchands de son arbre descend, 
Court à son compagnon, lui dit que c'est merveille 
Qu'il n'ait eu seulement que la peur pour tout mal. 
Eh bien, ajouta-t-il, la peau de l'animal? 
Mais que t'a-t-il dit à l'oreille? 
Car il s'approchait de bien près, 
Te retournant avec sa serre. 
- Il m'a dit qu'il ne faut jamais. 
Vendre la peau de l'Ours qu'on ne l'ait mis par terre.

Bản dịch : Nguyễn Văn Vĩnh

Hai bác lái tiền lưng đã cạn 
Gạ láng giềng, nhà bán mền lông: 
- Gấu to mua giúp hay không? 
Để ta đi bắt đóng gông lôi về 
Gấu lớn kếch, gớm ghê chúa gấu 
Bán bộ da đủ tậu trăm gian 
Mặc vào thách được dao hàn 
Lót xong đôi áo hãy còn có dư 
Bác lái đã hợm chưa, bác lái? 
Vội vàng đâu bé cái vội vàng! 
Hai ngày tình nguyện đem sang 
Đôi bên giá cả sẵn sàng đã xong 
Rồi hai gã gia công tìm gấu 
Thấy một con loạn tẩu trong rừng 
Ở đâu chạy lại sau lưng 
Hai anh khiếp đảm hàm răng cập kè 
Đành thất ước, trở về tay trắng 
Lẽ thiệt thòi cũng chẳng kêu ca 
Một anh trèo tót ngọn đa 
Một anh sợ khiếp, sởn da rùng mình 
Nằm sóng sượt làm thinh tảng chết 
Miệng ngậm hơi như hệt thây ma 
Bấy giờ lại sực nhớ ra 
Gấu tha thây chết, người ta vẫn đồn 
Anh lái nọ khốn hồn chẳng cựa 
Quả Hùng công mắc lựa mưu khôn 
Thấy người nằm đó chổng trôn 
Đã ngờ chết thật, xong còn hơi nghi 
Bèn lấy cẳng hất đi lật lại 
Vẫn cứng đờ một cái xác người 
Mõm thò vào mũi đánh hơi 
Thấy im phăng phắc thôi thời hết nghi 
Chết đã hẳn, ta đi xa quách 
Kẻo thối tha có sạch sẽ gì! 
Gấu ta nghĩ vậy bỏ đi 
Trên cây bác lái tức thì xuống ngay 
Đến thăm bạn, khen ngay mẹo giỏi 
Mừng cho nhau thoát khỏi nạn to 
Lại còn sẽ gặng hỏi dò: 
- Còn da gấu nọ ai cho bây giờ? 
Lúc ban nãy gấu giơ mõm hỏi 
Nó bảo gì, anh nói em hay? 
Lái kia bèn đáp lại ngay: 
- Gấu giơ mõm bảo từ nay thì chừa 
Da gấu kia hễ chưa bắt được 
Chớ vội đem kết ước bán đi!

(Nguồn: Nguyễn Văn Vĩnh, Thơ ngụ ngôn La Fontaine, Cảo thơm, 1970)

Bản dịch : Nguyễn Đình

Túng tiền, hai bác lái 
Gạ anh bạn thuộc da 
Để bán cho anh ta 
Da một con Gấu sống 
Mà theo lời hứa khống 
Họ giết chết nay mai 
Họ tán tỉnh: Đây loài vua Gấu 
Da sẽ làm người tậu giàu ra 
Đánh lùi cơn rét cắt da 
Lót thừa một áo, khéo là được đôi 
Họ tán tới tán lui con Gấu 
Dẻo quẹo hơn mồm lão lái trâu 
Tính suy không kể Gấu đâu 
Mà theo cái bụng, cái đầu lái ta! 
Hẹn hai bữa giao da vua Gấu 
Mặc cả xong họ tẩu đi lùng 
Gặp ngay một cụ Gấu hung 
Nhằm hai bác lái mà xông thẳng vào 
Hai bác lái khác nào sét đánh 
Giao ước kia phải tính làm sao? 
Giữ lời, chả giữ được nào 
Họ đành vứt cả ước giao cho rồi! 
Khoản thiệt hại đền bồi phí tổn 
Đòi Gấu ư? Ai dám mảy may! 
Bác này trèo tót ngọn cây 
Bác kia lạnh toát chân tay như đồng 
Nằm nín thở, sấp lưng giả chết 
Như lời truyền, Gấu ghét thây ma 
Thân không sống, không thở ra 
Thân không động đậy, Gấu tha không màng 
Ngài Gấu tựa thằng đần bị bịp 
Thấy nằm im tưởng chết thật rồi 
Còn ngờ, ghé mõm tận nơi 
Lật qua lật lại, ngửi hơi mũi mồm 
Đúng xác chết! Thối om! Thôi xéo! 
Gấu nói xong tếch nẻo rừng bên 
Tụt xuống đất chạy đến liền 
Bác kia vội tỏ nỗi niềm hân hoan: 
- Ôi, may quá! Tưởng tan xác chứ! 
Lại rằng: Nào, da Gấu ra sao? 
Rỉ tai Gấu bảo gì nào 
Mà đưa vuốt lật, ghé vào tai anh? 
- A, Gấu nó bảo mình cậu ạ! 
Khi Gấu chưa bị hạ hãy khoan 
Chớ đem da Gấu rao hàng!

(Nguồn: Ngụ ngôn chọn lọc La Fontaine, NXB Văn học, 1985)

Bản dịch : Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Hai bạn nọ túng tiền nên đến 
Tiệm da lông dạm bán, kể là: 
- Chúng tôi sắp có tấm da 
Một con Gấu chúa thật là lớn lao 
Hai chiếc áo lót vào cũng đủ 
Lạnh cắt da vẫn ủ ấm người 
Giết về chỉ mấy bữa thôi 
Ông mua được nó phát sồi hẳn to 
Khi giá cả so đo đã ngã 
Thì Gấu xù ở ngả rừng sâu 
Chợt trông Gấu đã lao đầu 
Phóng về phía họ thật mau ghê người 
Cuộc mua bán đành thôi bãi ước 
Đòi Gấu đền mà được sao đây! 
Một chàng nhảy tót lên cây 
Một chàng bình tĩnh nằm ngay gốc gần 
Giả cách chết, úp mình không thở 
Cứng đơ đơ, Gấu ngỡ thây sình 
Lật lên, úp xuống mấy lần 
Đánh hơi như thấy hôi tanh, Gấu chuồn 
Chàng trên cây tụt luôn xuống đất 
Bảo bạn rằng: "Mày thật là may 
Ghé tai Gấu bảo chi mày?" 
- Nó rằng: "Đừng bán trước ngày có da"

(Nguồn: Ngụ ngôn La Fontaine, NXB Tân Văn, 1992)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét