Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Vịnh Tiền Xích Bích - Nguyễn Công Trứ

Gió trăng chứa một thuyền đầy,
Của kho vô tận biết ngày nào vơi ? (1)

Nói:

Ông Tô tử (2) qua chơi Xích Bích, (3)
Một con thuyền với một túi thơ.
Gió hiu hiu mặt nước như tờ,
Trăng chênh chếch đầu non mới ló.
Thuyền một lá xông ngang ghềnh bạch lộ, (4)
Buông chèo hoa len lỏi giữa sơn cương.
Ca rằng: quế trạo hề lan tương,
Kích không minh hề tố lưu quang,
Diểu diểu hề dư hoài
Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương. (5)
Người ỷ ca (6) réo rắt khúc cung thương,
Tiếng tiêu lẩn tiếng ca vang mặt nước.
Sực nhớ kẻ cầm ngang giáo vịnh câu thơ thuở trước (7)
Nghĩ sự đời thêm cảm nỗi phù du. (8)
Đành hay trời đất dành cho
Hai kho phong nguyệt nghìn thu hãy còn.
Còn trời còn nước còn non.

(1) Lấy ý từ bài Tiền Xích Bích Phú của Tô Thức (xem chú thích (2) ở dưới): Duy giang thượng chi thanh phong, dữ sơn gian chi minh nguyệt, thử tạo vật chi vô tận tạng, nhi ngô dữ tử chi sở cộng thích -- Chỉ có gió mát ở trên sông, trăng sáng ở sườn núi là kho vô tận của tạo vật mà ta với ngươi cùng thích. 
(2) Tô tử: tức Tô Thức hay Tô Đông Pha đời nhà Tống, một trong Bát Đại Gia của văn chương Trung Quốc, thường hay cùng bạn thả thuyền chơi trên sông Xích Bích. Ông là tác giả của hai bài phú nổi tiếng Tiền và Hậu Xích Bích Phú. (3) Xích Bích: tên khúc sông nay ở huyện Gia Ngư tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Xưa vào thời Tam Quốc, tướng Đông Ngô là Chu Du mượn gió do Gia Cát Lượng cầu, dùng hỏa công phá tan hơn 80 vạn quân Tào Tháo ở đây. Tương truyền các sườn núi đá ở đây bị lửa đốt nên đỏ rực lên, người đời sau gọi là Xích Bích. 
(4) bạch lộ: sương trắng 
(5) Chèo quế sào lan; Đập bóng sáng chèo ngược sóng lên; Nao nao lòng ta; Nhớ mỹ nhân ở một phương trời. 
(6) ỷ ca: dựa vào bài hát mà họa lại. 
(7) Tác giả nhắc chuyện năm xưa trên sông Xích Bích, gặp đêm thu trăng sáng, Tào Tháo uống rượu say rồi cầm giáo ra đứng ở đầu thuyền mà hát; bài hát có ý coi thường thiên hạ. 
(8) phù du: con vờ, sống trên mặt nước, sớm nở chiều chết. Từ sách của Trang tử: "phù du triêu sinh mộ tử". Ngày nay người ta thường dùng để ám chỉ những gì hư ảo, thoáng có thoáng không ở trên đời.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét