Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Bài 7 - Lục bát biến thể (Song thất lục bát) - Hàn Sĩ Nguyên

1-Tổng quát : 

Trong tất cả các dạng biến thể của thơ Lục bát, có thể nói rằng chính Song Thất Lục Bát (STLB/7768) là thể loại biến thể quan trọng nhất, đã tách rời khỏi thể loại gốc, hình thành một thể thơ riêng biệt, đậm đà bản sắc dân tộc, với các đặc trưng chủ yếu như hào hùng, bi thiết, trữ tình, lãng mạn, không thua kém gì thơ Lục bát, thậm chí tính hào hùng có thể nói là hơn hẳn thơ Lục bát nữa. 

Biến thể STLB này đã có tự lâu đời trong thi ca Việt Nam, mà đỉnh cao vòi vọi của nó chính là bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm, dịch từ nguyên tác Hán văn của Đặng Trần Côn. (Bản dịch này gần đây có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng là của Phan Huy Ích) 

Kể từ sau tác phẩm ấy, STLB vẫn còn xuất hiện thường xuyên trong thơ ca, đặc biệt là thường thấy trong những bài Kệ ( Kinh Phật diễn giải thành thơ), và cũng chính vì yếu tố này, mà STLB ít hiện diện trong thi ca đời thường 

Đã một thời gian dài, lâu lắm, STLB không còn được sử dụng để viết thơ trữ tình nữa. Kể ra như thế thật là đáng tiếc cho một thể loại thơ hết sức đặc sắc của thi ca VN 

2-Bố cục một bài STLB : 

-STLB được viết thành từng khổ, mỗi khổ 4 câu, bao gồm 2 câu 7 chữ, một câu 6 chữ và một câu 8 chữ 

-Hai câu 7 hầu như tất cả đều được ngắt mạch 3 / 4, có thể đối nhau hoặc không đối. Tất nhiên những câu có đối nghe sẽ hay hơn. Và 3 chữ đầu trong câu 7 thường gợi nên một hình ảnh, hoặc một âm thanh để câu thơ đột nhiên trở nên sắc sảo như một nét khắc hoạ, một ấn tượng mạnh mẽ đi thẳng vào tâm hồn người đọc vậy 

-Một bài thơ STLB hay, luôn luôn có đi kèm cùng các hình thức Mỹ Từ Pháp (đã trình bày trong Phần I, Thơ Lục bát) như ngắt mạch, tiểu đối, đồng dạng, đảo ngữ, điệp ngữ v.v... 

3-Cách gieo vần trong STLB 

Xin được tóm tắt gọn như sau, để giúp các bạn trẻ nhanh chóng nắm bắt được các bí quyết của thể loại này : 

-Chữ thứ 5 câu 7 đầu tiên vần Bằng (B). 
-Chữ cuối câu 7 đầu tiên ở vần Trắc(T), ăn vần với chữ thứ 5 của câu 7 thứ nhì (cũng vần Trắc) 
-Chữ cuối câu 7 thứ nhì vần Bằng, ăn vần với chữ cuối câu 6 (vần Bằng) 
-Chữ cuối câu 6 vần Bằng , ăn vần với chữ thứ 6 câu 8 (vần Bằng) 
-Chữ cuối câu 8 vần Bằng , lại ăn vần với chữ thứ 3 hoặc chữ thứ 5 của câu 7 đầu tiên trong khổ thơ tiếp theo. Chữ thứ 5 này vần Bằng. Chữ thứ 3 linh động hơn, khi ăn vần với câu trước thì phải là vần Bằng, nếu không ăn vần với câu trước thì Trắc, Bằng gì cũng được. 

Các thí dụ : 

1- 
Thuở trời đất // nổi cơn (B) gió BỤI (T) 
Khách má hồng // nhiều NỖI (T) truân CHUYÊN 
Xanh kia thăm thẳm từng TRÊN 
Vì ai gây dựng cho NÊN nỗi NÀY 

Trống Trường Thành // lung LAY (B) bóng NGUYỆT (T) 
Khói Cam Tuyền // mờ MỊT (T) thức MÂY 
Chín tầng gươm báu trao TAY 
Nửa đêm truyền hịch, định NGÀY xuất CHINH 

Nước thanh BÌNH (B) // ba TRĂM (B) năm cũ (T) 
........................ĐTĐ-Chinh Phụ Ngâm.....

2- 
Cùng trông lại // mà cùng (B) chẳng THẤY (T) 
Thấy xanh xanh // những MẤY (T) ngàn DÂU 
Ngàn dâu xanh ngắt một MÀU 
Tình chàng ý thiếp ai SẦU hơn ai ? 
........................ĐTĐ-Chinh Phụ Ngâm...... 

3- 
Đàn ai gảy // tình tang (B) đêm VẮNG (T) 
Vỡ can tràng // giọt ĐẮNG (T) mềm MÔI 
Bóng ai đã ngả nghiêng RỒI 
Ta còn ngồi lại ngậm NGÙI thế nhân 
.......................HSN-Phá Thành Sầu...... 

4-Thơ STLB trữ tình khác với một bài Kệ ở chỗ nào ? 

a-Khác ở 3 chữ đầu trong 2 câu 7 : 

-STLB trữ tình : thường thì 3 chữ này khơi gợi nên một hình ảnh trữ tình (Mưa vần vũ // Sóng thu ba // Đò một chiếc // Đàn ai gảy // Sương giăng giăng //.....) 
-Bài kệ : Thiếu những hình ảnh trữ tình như trên. 

b-Khác ở các hình thức tu từ : 

-STLB trữ tình : dùng rất nhiều Mỹ từ pháp 
-Bài kệ : thường nôm na, đơn giản, thiếu hẳn các thủ pháp này. Chỉ vậy thôi. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét