I-BÀI TOÁN KẾT HỢP THƠ LỤC BÁT & THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT :
Thơ Lục Bát (LB) là một đỉnh cao trong thi ca Việt Nam, còn Thất ngôn Bát cú Đường luật (TNBCDL) cũng là một đỉnh cao trong thi ca Trung Quốc. Hai thể loại thơ này có nhiều điểm đặc sắc, hoàn toàn khác biệt với nhau
Nếu TNBCDL với những quy luật chặt chẽ nghiêm minh về “Vần-Luật-Niêm-Đối” gói gọn trong 8 câu, mỗi câu 7 chữ, nổi tiếng như một cái bình gốm sứ thượng hảo hạng, thì Lục Bát với khả năng vận dụng “Mỹ từ pháp” (1) vô hạn lại độc đáo như một giải lụa đào êm mướt, thướt tha.
Không thể và cũng không nên so sánh thể loại này với thể loại khác, nhưng có một vấn đề bức thiết được đặt ra, làm đau đầu người viết hơn 15 năm , đó là vấn đề : Có thể nào KẾT HỢP 2 thể loại hoàn toàn khác biệt nhau ấy vào trong một hình thức diễn đạt duy nhất hay không ???
Cụ thể là làm sao đưa được những thủ pháp quái chiêu của Lục Bát như “Đồng dạng, Tiểu đối, Đoạn cú, Song điệp các loại” vào trong thơ TNBCDL ? ...
Nói cách khác, làm thế nào để một thể loại thơ Trung Quốc lại có thể chuyên chở được cái hồn thơ Việt Nam ?
Sau nhiều năm nghiên cứu những độc đáo của 2 thể loại thơ Lục Bát và TNBCDL, với những nỗ lực không mệt mỏi trong việc tìm cách dung hòa 2 đỉnh cao ấy, cuối cùng người viết đã tìm được lời đáp khá là bất ngờ : LỤC NGÔN THỂ hoàn toàn có đủ khả năng ấy !!!
Vậy thì LỤC NGÔN THỂ là gì ???
II-LỤC NGÔN THỂ CỔ ĐIỂN :
Lục ngôn thể (cổ điển) là một BIẾN CÁCH , xuất xứ từ Thất ngôn Bát cú Đường Luật, có thể xem như một thể loại thơ hoàn toàn Việt Nam, đã xuất hiện trong Thi ca VN từ thế kỷ thứ 15, qua các bài thơ của Nguyễn Trãi và sau đó là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhiều thi nhân khác nữa
Thí dụ :
THỦ VỸ NGÂM
Góc thành Nam, lều một gian
No nước uống, thiếu cơm ăn
Con đòi trốn dễ ai quyến
Bầy ngựa gầy thiếu kẻ chăn
Ao bởi hẹp hòi, khôn thả cá
Nhà quen xuế xóa, ngại nuôi vằn
Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải
Góc thành Nam, lều một gian
Nguyễn Trãi
1-Các đặc điểm, ghi nhận được từ bài thơ này như sau :
-Về BỐ CỤC : Bài thơ gồm 8 câu giống như TNBCDL, nhưng số chữ trong câu được phép linh động : Khi thì 7 chữ, khi thì 6 chữ . Trong bài này có 3 câu 7 chữ và 5 câu 6 chữ.
-Về ĐỐI : các câu 3-4 và 5-6 vẫn tuân thủ nghiêm ngặt luật ĐỐI NGẪU của TNBCDL .
-Về VẦN : Vần gieo độc vận ở cuối câu 1,2,4,6,8 giống hệt như TNBCDL.
-Về NIÊM : Không nhất thiết phải bị gò bó, trói chặt về NIÊM. Nghĩa là Niêm được càng tốt, không Niêm cũng ... không sao cả. Càng phóng khoáng tự do càng hay .
-Về LUẬT : Luật Nhị Tứ Lục đảo thanh trong TNBCDL cũng được tôn trọng một cách ... tương đối . Nghĩa là không nhất thiết phải theo đúng trật tự BẰNG-TRẮC-BẰNG hoặc TRẮC-BẰNG-TRẮC ở các chữ thứ 2,4,6 như trong TNBCDL.
Tóm lại,
Lục ngôn thể là một thể thơ Việt Nam, thoát thai từ Thất ngôn Bát cú Đường Luật, nhưng có nhiều biến thái mang tính tự do, phóng khoáng hơn, thích hợp với tâm hồn bay bổng của người VN chúng ta hơn
2-Những nhược điểm lớn lao của Lục ngôn thể (cổ điển) là ở chỗ :
Vì xuất hiện từ thế kỷ thứ 15, lúc ấy các phương tiện thông tin còn rất hạn chế, nên tầm phổ biến của thể thơ này không rộng : trong cộng đồng rất ít người biết đến thể loại thơ này.
Ngôn từ thời ấy đến nay đã trở thành ... quá cổ xưa, thậm chí đã mất hẳn trong tiếng Việt hiện đại . Thí dụ :
-Con đòi : con ở, tớ gái
-Vằn : chó (vằn)
-Quyến : dụ dỗ, rủ rê
-Khôn : không thể
Vì vậy, đối với người thời nay, Lục ngôn thể (cổ điển) trở nên khá xa lạ, quá ... bí hiểm, khó gây được sự cuốn hút, hấp dẫn
Không có sự xuất hiện nhiều của các thủ thuật Mỹ từ pháp, hậu quả là bài thơ thiếu hẳn đi những nét đan thanh
III-LỤC NGÔN THỂ HIỆN ĐẠI :
Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, Lục ngôn thể hiện đại đã ra đời với những đặc điểm như sau :
1-Kế thừa những đặc sắc của Lục ngôn thể cổ điển về tinh thần tự do, phóng khoáng :
Chỉ tuân thủ chặt chẽ VẦN và ĐỐI của TNBCDL mà thôi, còn Bố cục, Niêm và Luật được hoàn toàn linh động trong phạm vi TÁM câu. Cụ thể là
-Về BỐ CỤC : Trong bài thơ LNT ít nhất phải có một câu 6 chữ, nhiều nhất là 7 câu 6 chữ . những câu còn lại 7 chữ .
-Về Luật : Tôn trọng luật "Nhị Tứ Lục đảo thanh" một cách tương đối mà thôi . Không bắt buộc phải là T-B-T hoặc B-T-B như TNBCĐL .
-Về Niêm, Niêm được càng tốt, không niêm cũng ... chẳng sao cả .
2-Không dùng những hình thức ngôn từ quá cổ xưa nữa.
3-Sử dụng nhiều thủ thuật Mỹ từ pháp quái chiêu, đặc trưng của thơ Lục Bát như : Ngắt mạch 2/2/2 (Đoạn cú), Tiểu đối 3/3, Tiểu đối mini 2/2, Tiểu đồng dạng 3/3, Điệp ngữ Điên đảo càn khôn, Điệp ngữ Tiền hậu song trùng, Điệp ngữ Lưỡng đầu xà, v.v... Đây cũng chính là đặc điểm phân biệt Lục ngôn thể hiện đại và Lục ngôn thể cổ điển vậy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét