Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Bài 2 - Lục bát biến thể (Tứ bằng lục trắc) - Hàn Sĩ Nguyên

1-Nhắc lại đôi điều về Lục bát chính thể : 

Trong phần mở đầu của Thơ Lục bát (ở phần I) ta đã biết là Lục bát chính thể luôn luôn tuân thủ luật “Tứ Trắc Lục Bằng” trong câu 8. (Câu 6 được tự do, linh động hơn, có thể không theo luật này) 

Vài thí dụ : 

Mai sau dù CÓ bao giờ 
Đốt lò hương CŨ, so tơ phím này 
Trông ra ngọn CỎ lá cây 
Thấy hiu hiu GIÓ thì hay chị về 
Hồn còn nặng MỘT lời thề 
Nát thân bồ LIỄU đền nghì trúc mai 
............................(Nguyễn Du-Kiều)....... 

Nước non nặng MỘT lời thề 
Nước đi đi MÃI không về cùng non 
Nhớ lời nguyện NƯỚC thề non 
Nước đi chưa LẠI, non còn đứng không 
Non cao những NGÓNG cùng trông 
Suối khô dòng LỆ chờ mong tháng ngày 
.......................(Tản Đà NKH-Thề non nước).....

Tâu rằng :-“Cha QUÁT ngày xưa, 
Trước khi lâm TỬ dặn dò đinh ninh 
Chớ nên cho QUÁT cầm binh 
E rằng hại NƯỚC, thân mình cũng vong 
Trước làm bại HOẠI gia phong 
Sau làm xương TRẮNG máu hồng tuôn rơi 
Việc quân há PHẢI việc chơi 
Xin vua xét LẠI, chớ vời trẻ ranh” 
.........(HSN-Thừa tướng Ứng hầu Phạm Thư)....

Vài thí dụ về sự linh động trong câu 6 : Chữ thứ tư có thể là thanh bằng, đặc biệt khi sử dụng thủ pháp Ngắt mạch kèm theo Tiểu đối hoặc Tiểu đồng dạng 

Nước trong xanh, TRỜI trong xanh 
Êm êm tiếng hát , bập bềnh thuyền con 

Yêu nhau đi, YÊU nhau đi 
Ngày mai hai đứa biệt ly ngàn đời 

Khi tựa gối, KHI cúi đầu 
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày 

Tuy vậy hình thức này không nên lạm dụng, chỉ nên lâu lâu điểm xuyết như dùng Mỹ từ pháp mà thôi. Nếu lạm dụng, sẽ đánh mất sự hài hoà, thanh thoát của bài lục bát. 

2-Lục bát biến thể “Tứ Bằng Lục Trắc” 

Thay vì “Tứ Trắc Lục Bằng” như truyền thống lâu đời của Thơ lục bát chính thể, nếu bây giờ ta đảo ngược luật đó thành “Tứ Bằng Lục Trắc”, thì ta sẽ có được một thể Lục bát mới, đó là Lục bát biến thể “Tứ Bằng Lục Trắc”. 

Chữ cuối câu 6 sẽ phải ăn vần với chữ thứ 4 của câu 8 

Lục bát biến thể loại này cũng ít khi thấy toàn bài, mà chỉ thấy thỉnh thoảng đan xen trong Lục bát chính thể mà thôi 

Vài thí dụ về Lục bát biến thể “Tứ Bằng Lục Trắc”: 

Mẹ già ở với nàng DÂU 
Đoạn thảm vơi SẦU, con một cậy cha 
Mười phần thương mẹ ở nhà 
Chín phần thương vợ còn là thơ ngây 
....(Khuyết Danh-Thoại Khanh Châu Tuấn)...... 

Thoắt thôi vợ nói cùng CHỒNG 
Đặng bốn mươi ĐỒNG gặp buổi đúc chuông 
.......................... 
Âu là một thái tử ĐÂY 
Ban cho nhà NÀY chẳng tiếc làm chi 
............(Khuyết Danh-Phạm Công Cúc Hoa) 

Em ta bé bỏng thơ ngây 
Ngày xưa hay đứng nhìn mây trông trời 
Môi hồng má đỏ thắm TƯƠI 
Ít nói ít CƯỜI, hay mộng hay mơ 
Ông tơ làm rối mối tơ 
Một lần lỡ bước bơ vơ xứ người 
........................(HSN-Ngàn dâu)...... 

Bảy năm giao kết Đào viên 
Trong nhà chăm chỉ, ngoài thềm siêng năng 
Thạch Sanh hay lũ hay LAM 
Ít ngủ hay LÀM, dậy sớm thức khuya 
Lý gia hưng thịnh mọi bề 
Tiền muôn bạc ức đề huề hơn xưa 
........(HSN-Thạch Sanh Lý Thông tân biên).....

0 nhận xét:

Đăng nhận xét