Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Vần và Thông Vận - Nhất Lang

NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN 

1) TIẾNG BẰNG: 

Tiếng BẰNG là những tiếng KHÔNG DẤU, và những tiếng có DẤU HUYỀN, thí dụ như hai chữ "THƠ" và "TÌNH", cả hai chữ này đều là tiếng BẰNG !

Tiếng BẰNG là những tiếng có giọng ÊM dịu, có thể đọc kéo dài ra được. 

*Phân loại : Tiếng BẰNG có HAI LOẠI: THƯỢNG BÌNH THANH, và HẠ BÌNH THANH. 

Nói cách khác, Thượng Bình Thanh là tiếng BỔNG, Hạ Bình Thanh là những tiếng CHÌM hay TRẦM. 

-"THƠ" là tiếng KHÔNG CÓ DẤU, ta gọi là tiếng BỔNG! 

-TÌNH là tiếng CÓ DẤU HUYỀN, ta gọi là tiếng CHÌM hay TRẦM! 

Tiếng Bổng và tiếng Trầm chan hòa với nhau tạo ra âm điệu du dương, làm bài thơ hay hơn. Nếu ta chỉ dùng 1 loại tiếng trong một câu thơ thì âm điệu sẽ rất ngang và trúc trắc. 

2) TIẾNG TRẮC : 

Bên cạnh những tiếng BẰNG, chúng ta còn cần phải làm quen với những tiếng TRẮC. Tiếng TRẮC là những tiếng có giọng đọc ngắn, không kéo dài ra như tiếng BẶNG . Những tiếng có chữ C, CH, P, T đứng ở cuối tiếng và những tiếng có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều là những tiếng TRẮC. 

Cũng như tiếng BẰNG, TRẮC có tiếng TRẦM và BỔNG - tiếng TRẦM của tiếng TRẮC là những tiếng có dấu HỎI và NẶNG, tiếng BỔNG của tiếng TRẮC là những tiếng có dấu SẮC và NGÃ. 

Hai chữ "Lãng" và "Mạn" đều là tiếng TRẮC, "Lãng" là tiếng BỔNG, "Mạn" là tiếng Trầm hay Chìm. 

3) KẾT HỢP BẰNG TRẮC : 

Mỗi câu thơ đều nên có tiếng BẰNG và tiếng TRẮC, và vì hai loại tiếng khác nhau, nên ta phải xếp sao cho tiếng nọ chế tiếng kia, thì khi đọc sẽ tìm thấy một âm điệu du dương. Nói tóm lại, mỗi câu thơ nên được xếp sao cho mỗi loại tiếng chan hòa với nhau, có nghĩa là cố giữ sao cho câu thơ 8 chữ phải có ít nhất 3 tiếng BẰNG, 5 tiếng TRẮC hoặc ngược lại... nếu được 4 tiếng này, 4 tiếng kia thì càng tốt; câu thơ 8 chữ mà chỉ có 1 tiếng BẰNG và 7 tiếng TRẮC, thì câu thơ ấy thiệt là chướng tai ghê lắm. 

Cho dù câu thơ có mấy chữ đi nữa, BẰNG và TRẮC nên được cân đối với nhau, tuy nhiên không đòi hỏi phải bằng số ! 

*Điều quan trọng : 

Văn thơ khác hơn âm nhạc ở chỗ chữ BẰNG không thể nào hợp VẬN cùng chữ TRẮC. Nghĩa là chữ TÌNH có thể vần cùng chữ MÌNH, nhưng không thể vần cùng chữ TÍNH. 

Luật định : BẰNG vần với BẰNG, TRẮC vần với TRẮC. 

4) KẾT HỢP TRẦM BỔNG : 

Tiếng Bổng và Trầm được xếp ra sao thì là do biệt tài của mỗi người, ta không có luật định rõ... 

Tuy nhiên, TRẦM và BỔNG được xem là nhất định ở chữ thứ 6 và thứ 8 trong câu BÁT của thơ Lục Bát. Nếu tiếng BỔNG được dùng ở vị trí chữ thứ 6 thì tiếng TRẦM nhất định phải được dùng ở vị trí chữ thứ 8. Và ngược lại, nếu chữ thứ 6 đã là tiếng TRẦM, thì chữ thứ 8 nhất định phải là tiếng BỔNG. Nếu 1 loại tiếng được dùng ở cả hai vị trí nói trên, thì câu thơ ấy sẽ bị mất đi âm điệu của thơ. 

Các bạn đọc thử hai câu thơ này: 

Đêm nay trăng tỏ sao mờ, 
Đò ngang vĩ tuyến còn CHỜ em VỀ

Các bạn đọc lại hai câu này: 

Đêm nay trăng tỏ sao mờ, 
Đò ngang vĩ tuyến còn CHỜ em TÔI. 

Hai câu trên đọc nghe chướng tai lắm, vì cả hai tiếng TRẦM đều được dùng ở vị trí thứ 6 và 8 trong câu Bát (câu có 8 chữ). 

Hai câu dưới đọc nghe êm tai, vì hai loại tiếng khác nhau (Trầm và Bổng) đã được dùng vào vị trí chữ thứ 6 và 8 trong câu Bát. 

5) VẦN : 

VẦN - Nghĩa là những tiếng có cùng một ÂM HƯỞNG; hai tiếng có cùng giọng phát âm thì VẦN với nhau được... hai tiếng không VẦN với nhau thành ra LẠC VẬN, trái luật thơ ! 

Tuy hồn thơ, lời và ý đều quan trọng, nhưng nếu bài thơ không có VẦN thì không gọi là thơ. Cho dù là thơ MỚI (không chú trọng đến luật) cũng cần phải có VẦN thì bài thơ mới hay.

*Tiếng BẰNG vần với tiếng BẰNG, tiếng TRẮC vần với tiếng TRẮC... không có điều ngoại lệ! 

a-Vần chính của vần BẰNG : 

A vần với A hoặc À, E vần với E hoặc È, AN vần với AN hoặc ÀN, INH vần với INH hoặc ÌNH. 
Một thí dụ cho vần chính của vần BẰNG: 

Pháo nổ dồn, pháo nổ DỒN, 
Pháo đang xâu xé tâm HỒN lẻ loi. ... 

Trong hai câu LỤC BÁT trên Nhất Lang đã dùng vần chính của âm ÔN ... 

Mắt em hãy nghiền nhắm, 
Anh tặng một nụ HÔN, 
Cho em ấm cả HỒN, 
Mộng liêu trai chìm đắm. 

Bốn câu trên được viết theo thể loại thơ MỚI (5 chữ), hai chữ cuối của câu 2 và 3 phải vần nhau, và Nhất Lang cũng đã dùng vần chính của âm ÔN. NHẮM và ĐẮM chỉ là trùng hợp, hai chữ này không cần phải VẦN nhau. 

b-Vần chính của vần TRẮC 

-Á với Á, Ả, Ã, hoặc Ạ vần với nhau. 
-É với É, Ẻ, Ẽ, hoặc Ẹ vần với nhau. 
Một thí dụ cho vần chính của vần TRẮC : 

Cứ mỗi độ chiều về bên SUỐI, 
Anh trộm nhìn đắm ĐUỐI dáng hoa. 

Vần chính của vần TRẮC đã được dùng trong hai câu SONG THẤT trên. 

c-Vần thông của vần BẰNG : 

Vần thông là những tiếng không có cùng một ÂM như các vần CHÍNH, nhưng có cùng một giọng PHÁT ÂM, có thể ăn vận với nhau được. 

Nếu không am hiểu vần THÔNG chúng ta rất dễ bị LẠC VẬN khi làm thơ. Vì thế khi muốm dùng vần thông, chúng ta cần phải hiểu rõ luật vần thông. 

Theo kinh nghiệm và cách nhìn của Nhất Lang thì người miền Nam thường hay bị lầm lẫn về vần THÔNG hơn (Nhất Lang chỉ nói là thường - riêng Nhất Lang cũng là người miền Nam. 

VẦN THÔNG là những tiếng có sự vận động của môi và lưỡi rất giống nhau khi ta phát âm. 

Nhất Lang cố gắng đem vào đây hầu hết những VẦN THÔNG mà chúng ta thường gặp ... Các bạn và các em cố gắng chú ý : CẦN NHẤT LÀ NÊN THUỘC LÒNG những vần Thông này, nếu không thì nên dùng chỉ vần chính mà thôi

TÓM TẮT các VẦN THÔNG của vần BẰNG 

-A và Ơ thông với nhau. Ơ và Ư thông với nhau 
(Nhưng A và Ư KHÔNG thông với nhau được !) 
-E, Ê và I thông với nhau 
-O, Ô và U thông với nhau 
-AI thông với AY. AI thông với tất cả các ÂM sau đây: OI, ÔI, ƠI, ƯƠI,
UI, Nhưng, AY, tuy thông với AI nhưng không thông với các ÂM trên ! Tất
cả những ÂM trên THÔNG với nhau. 
-AO thông với AU. AU thông với ÂU, Nhưng AO không thông với ÂU. 
-AO thông với tất cả các âm sau: EO, ÊU, IÊU, IU, ƯU Nhưng AU và ÂU không thể thông. 
-AM thông với ƠM 
-ĂM thông với ÂM 
-ÊM thông với IM và EM 
-AN thông với ƠN 
-ĂN thông với ÂN và UÂN 
-EN, IN, IÊN, và UYÊN thông nhau 
-ON, ÔN và UÔN hoặc UN thông nhau 
-ANG và ƯƠNG thông nhau. ƯƠNG và UÔNG thông nhau. Nhưng ANG không thông với UÔNG. 
-ĂNG, ÂNG, và ƯNG thông nhau 
-ONG, ÔNG, và UNG thông nhau 
-ANH, ÊNH và INH thông nhau 

LƯU Ý : 

ĂN và ĂNG, ÂN và ÂNG, hay UN và UNG, ON và ONG, ÔN và ÔNG vv... không thông nhau. 

Những chữ có "G" theo sau nhất định chỉ thông với những chữ có G theo sau ! Đây là điểm mà Nhất Lang nhìn thấy người có giọng phát âm của miền Nam hay bị lầm vì sơ ý hay theo thói quen. (Nhất Lang lắm khi cũng không ngoại lệ) 

NHẮC LẠI : THÔNG thì có nghĩa là những ÂM ấy VẦN với nhau được ! 

d-Vần thông của vần TRẮC 

Vần thông của vần TRẮC cũng dựa theo nguyên tắc như những vần thông của vần BẰNG. 

Vần thông có nguyên âm đứng cuối : 

-É, Í, Ẻ, Ỉ, Ẽ, Ĩ, Ẹ, Ị thông với nhau. 

Cũng như vần BẰNG tất cả những âm I có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều có thể thông với những âm Y có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG, nhưng Y không thông được với E. 

-Ổ, Ũ, Ó, hay Ộ, Ú, Ọ thông nhau 
-Ọ và ỦA thông nhau (tất cả các âm O và UA có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều thông) 
-ĨA và UỆ thông nhau 
-ÁO, IỄU, ẢO, YẾU, ÉO, ỈU, ỮU và tất cả các đồng âm có dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều vần được. 
-ÓI, ẢI, Ội, ỠI, ƯỢI, ÚI và các đồng âm có các dấu SẮC, HỎI, NGÃ, NẶNG đều vần nhau được. 
-ẤC và ỰC thông nhau 
-ẠM, ỢM, ÁM, ỞM thông nhau 
-ẶN và ẨN hay UẨN thông nhau 
-ÓNG và ÚNG 
-ẬT và ẮT 
-ẬT và ỨT 
-ÚT và UỐT vv... 

Tóm lại : vần thông của vần TRẮC không khác chi vần thông của vần BẰNG về ÂM, tuy nhiên ta cần hiểu rõ khác biệt giữa TRẮC và BẰNG. 

6) GIEO VẦN 

Sau đây là các điều đáng nhớ trong sự GIEO VẦN: 

A, Ă, Â rất thường được GHÉP với một phụ âm khác như C, M, N, P, T để tạo thành âm GHÉP như: AC, ĂC, ÂC... AM, ĂM, ÂM... AN, ĂN, ÂN... AP, ĂP, ÂP... AT, ẮT, ẤT vv... Những vần GHÉP nói trên CHỈ thông được với nhau khi có cùng một phụ âm đứng trước! 

Thí dụ: BÁT thông được với BẮT hay BẤT, mà KHÔNG thông được với CẮT hay CẤT hoặc MẮT hay

MẤT... tuy nhiên BÁT thông được CÁT hay MÁT vì chúng đều có âm GHÉP "AT" theo sau. 

TAM thông với TĂM hay TÂM, mà KHÔNG thông với CĂM hay CÂM, cũng không thông được với TRĂM hay TRÂM... tuy nhiên TAM thông được với CAM, TRAM, vì chúng có cùng âm GHÉP "AM" theo sau. 
TAN thông với TĂN hay TÂN, mà không thông với VĂN hay VÂN vv... 

a-Khi có vần GHÉP bằng 2 hoặc 3 chữ nguyên âm

với một phụ âm đứng cuối: IÊN, UYÊN, UÂN, UÔN, ta nên lấy 2 chữ cuối cùng làm VẬN CĂN, Có nghĩa là dựa theo hai chữ cuối cùng mà gieo vần...

Thí dụ: 
-EN, IN, vần với YÊN hay UYÊN 
-ÂN vần với UÂN 
-ƠN vần với OAN 
-ON vần với UÔN 

b-Vần GHÉP bằng 2 hay 3 nguyên âm với 2 phụ âm 

Thí dụ như chữ ƯƠNG... thì ta nên lấy 3 chữ cuối mà làm VẬN CĂN để GIEO VẦN. 
Cho nên : ƯƠNG vần với ANG, 
Cũng nên nhớ : ƯƠNG vần với UÔNG vì Ơ vần với Ô, nhưng UÔNG không vần với ANG vì Ô không vần với A. 

c-Vần GHÉP bằng 2 hay 3 nguyên âm : 

Khi có loại âm này thì ta nên theo âm điệu mà lấy 1 hay 2 chữ ấy mà làm VẬN CĂN. 
Thí dụ: 
-OA, OE, UÊ, UY... thì vận căn là A, E, Ê, Y; nên OA vần với A, OE vần với E, UÊ vần với Ê, UY vần với I hay Y. 
-UÂY vần với ÂY 
-IA, UYA ... vận căn là I, Y mà chữ A đứng cuối không ảnh hưởng chi cả. 
-UA, ƯA vận căn là U , Ư chữ A cuối không ảnnh hưởng chi cả 
-I vần với IA 
-A vần với IA trong chỉ một chữ GIA, không vần với IA bắt đầu bằng phụ âm khác, như TIA, KIA... 
-Ư vần với ƯA 
-Ô vần với UA vv... 

d-Lưu ý : 

-Hai tiếng đồng âm và đồng nghĩa thì không vần được với nhau ! 
-Hai tiếng đồng âm mà khác nghĩa thì vần được ! 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét