1 - Chân quê - Nguyễn Bính
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh (1) rộn ràng
Nào đâu cái áo lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân ?
Nào đâu (2) cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen ? (3)
Nói ra sợ mất lòng em
Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa (4)
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
Hoa chanh nở giữa vườn chanh (5)
Thày u mình với chúng mình chân quê (6)
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội (7) bay đi ít nhiều.
-7 lần dùng Mỹ từ pháp :
(1)-Tiểu đối mini 2/2 : “Khăn nhung / quần lĩnh”
(2)-Điệp ngữ và câu đồng dạng : “Nào đâu ...”
(3)-Tiểu đồng dạng 4/4 : “Cái khăn ... / cái quần ...”
(4)-Ngắt mạch 2/6
(5)-Điệp ngữ 2 chữ “chanh”
(6)-Điệp ngữ 2 chữ “mình” và ngắt mạch 3/5
(7)-Tiểu đối mini 2/2 : “Hương đồng / gió nội”
-2 lần sử dụng cưỡng vận :
“ràng” (câu 3) và “làm” (câu 4)
“đen” (câu 8) với “em” (câu 9), và “em” (câu 9) với “nguyên” (câu 10)
Ý kiến của HSN :
Trong 16 câu thơ ngắn ngủi, tác giả đã thực hiện 7 lần thủ pháp Mỹ từ hoá, và bài thơ có đủ cả 3 phần nhập đề, thân bài, kết luận !!! Vì vậy, dẫu rằng có 2 lần sử dụng cưỡng vận, bài thơ vẫn không mất hoặc giảm đi giá trị thực sự của nó. Trước sau đây vẫn là một bài thơ hay của Nguyễn Bính nói riêng, và văn học VN nói chung vậy.
2 - Giản dị - Hồ Dzếnh
Em ăn, em nói, em cười [1]
Đời này không có hai người như em
Kinh thành quần nhiễu, hàng len [2]
Em tôi áo trắng quần đen [3] sơ sài
Ai mà để ý đến ai [4]
Quần đen lẩn bóng, áo gai lẩn màu [5]
Trót đời hai đứa yêu nhau
Quần đen hoá đẹp, áo sầu hoá vui [6]
Tình là hạnh phúc chia đôi
Hương lan kẽ lá, trăng soi dặm đường [7]
Đừng mong ước cả thiên đường
Hãy xin lấy nửa mảnh vườn trắng hoa.
-7 lần dùng Mỹ từ pháp :
[1]-Ngắt mạch 2/2/2
[2]-[3]-Tiểu đối mini 2/2
[4]-Điệp ngữ bất định từ AI
[5]-[6]-Tiểu đồng dạng
[7]-Tiểu đối 4/4 : đối song song
-2 lần bị cưỡng vận :
“em” (câu 2) và “len” (câu 3)
“đường” (câu 12) và “vườn” (câu 13)
Ý kiến của HSN:
Trong bài Lục bát 12 câu này, tác giả đã sử dụng 7 lần thủ pháp Mỹ từ hoá thuộc 5 hình thức khác nhau !!! Vì vậy, dẫu có đến 2 lần bị cưỡng vận, đây vẫn là một bài thơ hay.
3 - Sang ngang - Nguyễn Đình Thư
Lòng tôi như chiếc thuyền nan
Tình cô như khách sang ngang một chiều [1]
Thu nào quá đỗi cô liêu
Bờ hun hút lạnh nắng hiu hiu buồn [2]
Bến tình vương vất khói sương [3]
Phất phơ vạt áo dọc đường hư không
Sóng đưa bọt nước mênh mông
Ai người xa bến còn trông nhớ đò ?
-3 lần dùng Mỹ từ pháp :
[1]-Thủ pháp Nhập đề Tỷ giảo
[2]-Tiểu đối 4/4
[3]-Đảo ngữ toàn phần : Ý câu xuôi là “Khói sương vương vất ở nơi bến tình”.
-2 lần bị cưỡng vận :
“nan” (câu 1) và “ngang” (câu 2)
“buồn” (câu 4) và “sương” (câu 5)
Ý kiến của HSN :
Trong bài thơ 8 câu này, tác giả đã 3 lần vận dụng thủ pháp Mỹ từ hoá. Chỉ 3 lần thôi, nhưng hiệu quả thật là lớn lao. Hai lần cưỡng vận vẫn không làm giảm được giá trị bài thơ.
4 - Tương Tư - Trần Huyền Trân
Phải đây mùa nhớ thương nhau
Chim ngoài ngọn giá, hoa đầu cành mưa (1)
Biết yêu thì khổ có thừa
Hình dung một thoáng tương tư chín chiều (2)
Xa nhau gió ít lạnh nhiều (3)
Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh (4)
Bóng đơn đi giữa kinh thành
Nhìn duyên thiên hạ nghe tình người ta (5)
Đêm về hương ngát bên hoa
Tỉnh ra thì lại vẫn là chiêm bao.
(1),(2),(4),(5)-Tiểu đối 4/4
(3)-Tiểu đối mini 2/2
Ý kiến của HSN :
Trong 10 câu ngắn ngủi, tác giả đã sử dụng 5 lần thủ pháp Mỹ từ hoá, và không có chỗ nào bị cưỡng vận cả. Tuy vậy, bài thơ này hơi “phô” (mắc lỗi nhẹ) vì 2 lẽ :
-Một là, dùng quá nhiều tiểu đối (5 lần), không có thủ pháp khác chen vào, nên có vẻ hơi gượng ép, thiếu nét tự nhiên
-Hai là, 2 lần dùng chữ “thì” trong câu 3 và câu 10. “Phô” nhất là 4 “dư từ” đi liên tiếp với nhau trong câu cuối : “thì lại vẫn là” (!).
Tiếc thay !
Trong thi ca, việc sử dụng những “dư từ” như : thì , và, là, mà, [cho] nên, bởi, tại, vì, do, lại, cũng, vẫn, cứ, dù, dẫu [rằng], nhưng, v.v... là điều nên tránh. Càng ít sử dụng những “dư từ” này càng tốt vậy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét