Hiển thị các bài đăng có nhãn Thơ dịch từ tiếng Pháp. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thơ dịch từ tiếng Pháp. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

VICTOR HUGO (1802 - 1885)

VICTOR HUGO (1802 - 1885)
Victor Hugo sinh vào ngày 26 tháng 2 năm 1802 trong tỉnh Besancon, nước Pháp mất vào ngày 22 tháng 5 năm 1885 tại Paris. Thuở nhỏ sống ở Ý và Tây Ban Nha, sau đó ở Paris.
Ông là một thiên tài lớn của Pháp bao gồm nhiều lãnh vực: văn, thơ, kịch, phê bình...Năm 39 tuổi (1841), ông đã vào Viện hàn lâm Pháp và ông cũng là một chính khách
Sự nghiệp sáng tác của ông thật đồ sộ, có hơn 45 tác phẩm. Trong các tác phẩm văn xuôi ông có hai tác phẩm lớn là :Những người khốn khổ (Les Misérables) và Nhà thờ Đức bà Paris (Notre Dame de Paris) đã nổi danh lừng lẫy khắp cả thế giới, để lại ảnh hưởng sâu sắc về phong cách viết cho các nhà văn sau này. Riêng trong lĩnh vực thơ, ông có 9 tác phẩm. Ông được xem là một đại thi hào, một con chim đầu đàn của phong trào thi ca lãng mạn.Ông là danh nhân lớn của Pháp và thế giới.
Sau đây là bài thơ tình tiêu biểu của ông.

BỞI CÓ TÌNH YÊU
VICTOR HUGO

Bởi môi anh chạm chén tình lai láng.
Được tay em áp vầng trán xanh xao.
Bởi vì anh hít hơi thở ngọt ngào
Cả hồn em đọng hương đêm thầm kín.

Bởi được nghe tiếng nói em trìu mến
Mang đầy lời bí ẩn của con tim.
Cả nụ cười, ngấn lệ thoáng mi em.
Môi ta gắn và mắt chìm trong mắt. 

Bởi thấy trên đầu anh sáng ngời hạnh phúc
Có ngôi sao em lấp lánh mơ màng.
Bởi thấy rơi vào lượn sóng đời anh
Một chiếc lá hoa hồng từ đời em buông thả.

Giờ anh nói với tháng năm hối hả
Cứ qua đi! Nhưng ta chẳng cỗi già.
Cuốn theo ngươi xác tàn tạ loài hoa!
Trong hồn ta có đóa hoa không thể hái.

Đôi cánh ngươi chạm vào không rơi vãi
Nước trong bình vẫn đầy ngập chứa chan.
Tâm hồn ta có lửa hơn ngươi có tro tàn.
Tim ta có tình yêu hơn ngươi có lãng quên vô tận...
· 
HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG 

Théophile Gautier (1811-1872) - Pháp

Théophile Gautier (1811-1872) - Pháp
Tên đầy đủ là Pierre Jules Théophile Gautier, là một nhà thơ, họa sĩ, nhà văn, nhà viết kịch,nhà báo và nhà phê bình văn học của Pháp. Theo trường phái Lãng mạn và Thi sơn. (Romantisme, Parnasse). 

Đôi mắt đẹp
Pierre Jules Théophile Gautier

Em có vẻ nhìn quyến rũ dễ thương.
Như mặt trăng tự đáy hồ phản chiếu.
Đôi ngươi ướt sáng long lanh ảo diệu.
Lộng điểm vàng lăn trong khóe dịu êm.

Chúng dường như có mượn lửa kim cương.
Cho ánh nước đẹp hơn màu ngọc trai ẩn bóng.
Hàng mi dài chớp cánh mi lay động.
Nửa che hờ cho tia sáng tỏa buông.

Ngàn kẻ yêu chuốc ánh lửa trong gương.
Sẽ đến trông , tìm ra điều đẹp nhất.
Và mong ước nhóm lên ngọn lửa hồng sáng rực.

Tâm hồn em hiện ở mắt gương soi.
Như đài hoa mang ý nghĩa tuyệt vời.
Cho người nhận từ pha lê trong suốt.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG 

Sully Prudhomme (1839 - 1907) – Pháp

Sully Prudhomme (1839 - 1907) – Pháp
Sully Prudhomme, tên thật là René-Francois-Armand Prudhomme. Sinh ngày16. 03.1839 tại Parí và mất ngày 07. 9. 1907 tại Châtenay-Malabry (ngoại ô Paris). Từ năm 1865, khi tập thơ đầu tay của ông được xuất bản và năm sau thơ ông được in chung trong tập “Le Parnasse contemporain “- một tập thơ được xem như tuyên ngôn của phái Thi Sơn (Parnasse) , ông được xem là thành viên tiêu biểu của nhóm này.
Ông là nhà thơ xuất sắc, là thành viên của Viện Hàn lâm Pháp và cũng là người đầu tiên trên thế giới đoạt giải Nobel Văn học ngày 10. 12. 1901.Đặc biệt, ông đãi dùng số tiền thưởng này để lập quỹ thưởng khuyến khích cho giới văn nghệ sĩ trẻ ở Pháp.
Một số bài thơ:

1) Bài 1 :
Tha thứ
Sully Prudhomme,

Miễn có chút bóng hình em sống lại,
Trong hồn tôi, chợt hiểu vẫn yêu em.
Dẫu em để vết thương đầu tuổi trẻ.
Đôi mắt say lòng đến chết vẫn không quên.

Cả tiếng nói âm vang đầy dịu ngọt,
Đã thấm vào tất cả trái tim tôi,
Còn âm ỉ giữ lâu trong lồng ngực,
Như đàn ngân khi những ngón tay rời.

Ôi! Tôi quá biết về làn môi tuyệt diệu,
Vầng trán xinh, cả lời nói êm đềm.
Bạn bè cho tôi hát vì bằng hữu.
Riêng mẹ bảo rằng tôi đã khóc vì em.

Tôi đã khóc nhưng lệ trào rất hiếm,
Xưa nỉ non, nay thành tiếng thở dài.
Rồi luống tuổi khi mắt nhìn hạn hẹp.
Ngày vợi buồn đâu hẳn chán vì ai.

Vâng, dù nát đóa hoa lòng tuổi trẻ,
Tôi sợ e thành nỗi ghét già nua.
Hình bóng em hồn tôi luôn sống lại.
Tôi khoan dung, thương đôi mắt sao vừa!...

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG 

Stéphane Mallarme (1842 – 1898) - Pháp

Stéphane Mallarme (1842 – 1898) - Pháp
Tên thật là Étienne Mallarmé, sinh ở Paris và mất ở Valvins. Là nhà thơ của Pháp, giáo sư dạy tiếng Anh. Ông được xem là nhà thơ lớn của thế kỷ 19, mang tính hiện đại, đi đầu trong nghệ thuật phong trào thơ “Tượng trưng” và đã chịu ảnh hưởng sâu sắc ở Baudelaire.. Có người cho thơ ông khó hiểu vì ngữ nghĩa bí hiểm... Ở Việt Nam, trong phong trào thơ mới trước năm 1945, nhiều nhà thơ danh tiếng đã ảnh hưởng ở thơ ông.

Xuất hiện
Stéphane Mallarme

Trăng não nuột, thiên thần đầy nước mắt.
Mơ ngón tay cung trong hoa lặng yên bình..
Hơi mờ ảo cho vĩ cầm hấp hối.
Thành nỉ non lướt trắng chuỗi hoa xanh.

Đó là ngày nụ hôn đầu em ban phúc.
Nỗi yêu thương mơ mộng đọa đày tôi.
Hương đượm buồn làm cho say khéo léo.
Không hối tiếc bâng khuâng, không thất vọng đau đời.

Mùa quả mộng trong trái tim đã hái.
Tôi lang thang, dán mắt phố già nua.
Qua vỉa hè, nắng vàng buông trên tóc.
Em xuất hiện mỉm cười, cho tôi cả chiều thơ.

Tôi ngỡ thấy mũ nàng tiên rực sáng.
Trong giấc mơ đứa trẻ được nuông chiều.
Luôn để lại bàn tay hờ khép kín.
Tuyết trắng chùm, sao tỏa ngát hương yêu.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG 

Pierre-René Favre (1901-1949) – thi sĩ Pháp

TRÊN CẦU
Pierre-René Favre

Trên cầu này em nghiêng mình soi bóng.
Để chiều nay anh thả lưới theo dòng.
Tìm vớt lại hình em chìm trong đáy nước.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG 

DE CE PONT 
Pierre-René Favre

De ce pont où tu te penchas 
J'ai jeté ce soir mes filets 
Pour reprendre à l'eau ton image 

Giới thiệu các bản dịch khác:

1) Bản dịch của Lãng Nhân:

TRÊN CẦU

Hôm nao đứng trên cầu.
Nhìn sông em cúi đầu.
Chiều nay anh thả lưới.
Vớt lại bóng yêu kiều.

2) Bản dịch của Ngô Khôn Bác:

TRÊN CẦU

Em hờ hững soi mình trên sóng nước.
Nơi cầu xưa một thoáng nét bơ vơ.
Để vớt lại chút hương tình đã mất.
Chiều hôm nay anh thả lưới bên bờ.

Pierre de Ronsard (1524 – 1585) – Pháp

Pierre de Ronsard (1524 – 1585) – Pháp
Là nhà thơ Pháp thời Phục Hưng, người đứng đầu lập ra thi phái La Pleiade (Thất Tinh hay còn gọi là Tao Đàn),có ảnh hưởng đến nhiều thế kỷ sau. Các nhà phê bình gọi Ronsard là ông tổ của thơ trữ tình Pháp. Và ông cũng là người mở đường cho thơ lãng mạn Pháp sau này.
Một số bài thơ nổi tiếng của ông :

1) Bài 1 :
Gửi Hélène 
Pierre de Ronsard

Khi luống tuổi, đêm về chong ngọn nến.
Bên lửa hồng, em kéo sợi quay tơ.
Ngâm thơ tôi, em kinh ngạc không ngờ.
Ronsard đã có thời ngợi ca mình xinh đẹp

Giờ, nữ tỳ không thể còn nghe tiếp.
Việc nhọc nhằn, chợp mắt ngủ thiu thiu.
Cả tên tôi không thức tỉnh được nhiều.
Dẫu em được vinh danh lời ngợi ca bất tử.

Tôi sẽ về lòng đất sâu yên ngủ.
Thành bóng ma vất vưởng cõi u linh.
Em già nua, bên lò sưởi ngẫm mình.

Tiếc tình tôi, tiếc cho em đã kiêu kỳ hờ hững.
Hãy tin tôi, đừng đợi đến ngày mai, hãy sống.
Hãy đón nhận hôm nay đóa hồng của cuộc đời. 

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG  

PAUL VERLAINE (1844 - 1896) - Nhà thơ Pháp

PAUL VERLAINE (1844 - 1896)- Nhà thơ Pháp

Tên đầy đủ: Paul-Marie Verlaine 
Sinh:30 tháng 3 năm 1844 tại Metz.
Mất: 08 tháng 1 năm 1896 tại Paris 
Là một trong những nhà thơ lớn nhất của Pháp ở thế kỷ XIX, được xem như ông tổ của phong trào thơ tượng trưng và là người sáng tạo nghệ thuật thơ mới, phục hồi mối liên hệ với thơ ca dân gian, giữ gìn truyền thống nghệ thuật của thơ ca Pháp.
Tác phẩm có rất nhiều, bao gồm cả văn và thơ. Tập thơ nổi tiếng nhất của ông là “Romances sans paroles”(Khúc lãng mạn không lời,1874) và tập thơ này được xem như một tuyên ngôn của phong trào.

Bài 1 : Mưa khóc trong lòng
Paul-Marie Verlaine 

Mưa nhẹ rơi trên phố...
(Arthur Rimbaud) 

Mưa nhỏ lệ hồn tôi
Cũng là mưa trên phố
Có điều gì buồn khổ
Thấm đẫm ướt tim người.

Ôi! Tiếng mưa thánh thót
Trên mặt đất, mái nhà
Cho con tim ray rứt
Theo khúc hát mưa qua.

Mưa khóc không duyên cớ
Trong trái tim rã rời
Nào có ai phụ bạc
Mà tang lòng khôn vơi.

Có gì hơn đau khổ
Mà chẳng biết vì đâu
Không tình yêu thù hận
Sao lòng đầy khổ đau.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

PAUL ÉLUARD (1895 - 1952)

PAUL ÉLUARD (1895 - 1952)

PAUL ÉLUARD

Sinh: 14.12.1895 tại Saint-Denis ở Pháp
Mất: 18.11.1952 tại Charenton-le-Pont ở Pháp.
Paul Éluard là bút danh, tên thật là Eugène Émile Paul Grindel, thường gọi là Paul. Ông là một trong những người sáng lập ra phong trào siêu thực ở Pháp (*) và là một nhà thơ trữ tình quan trọng của thế kỷ 20. Số lượng sáng tác của ông thật đồ sộ, có trên 106 tác phẩm mà phần lớn là thơ. Trong đó có những tác phẩm thơ tình đặc biệt viết cho những người yêu của ông như: L’amour la poésie (1929), Le temps déborde (1947), Le Phenix( 1951).Ông nổi tiếng cả thế giới về bài thơ Liberté (Tự do).

DOMINIQUE CÓ MẶT HÔM NAY

Nguyên tác: Paul Éluard.

Em đã đến trong chiều, trái đất dường nứt vỡ
Đất và người như đã đổi chiều xoay
Anh cảm thấy như nam châm cuốn hút
Như cành nho tươi tắn quyện bao ngày.

Đường vô tận của ta, mục tiêu bao kẻ khác
Như ong bay chứa đầy mật tương lai
Anh tăng mãi nỗi khát thèm ánh sáng
Muốn hiểu từ nguồn cội bởi do ai.

Em đã đến, anh buồn, ừ hết thảy
Thế giới này anh ừ cả, vì em
Anh yêu nhỏ khác nào như cậu bé
Chỉ biết yêu thời thơ ấu êm đềm.

Bằng sức mạnh trắng trong thời dĩ vãng
Bằng ngọn lửa bài ca không lỗi nhịp sai lời
Đá nguyên vẹn thoáng qua dòng máu chảy
Đang ấm nồng trong cổ họng làn môi

Em đã đến điều ước mong được sống
Đào đêm sâu, ve vuốt bóng thâm u
Làm sạch bùn và chảy tan băng giá
Như mắt trong lại thấy giữa sa mù.

Cỏ non tơ, chim én bay ngừng cánh
Mùa thu chìm trong chiếc túi tối tăm
Em đã đến cho đôi bờ giải thoát
Dẫn sông về nơi biển cả mênh mông.

Em đã đến, cao hơn niềm thống khổ
Như cây mọc lìa rừng không có khí trời riêng
Tiếng kêu thương , hoài nghi đà vụn vỡ
Trước tình ta ngày trút bỏ ưu phiền.

Ôi! Vinh quang mặt trời thay bóng tối
Sức nặng vơi, gánh nặng hóa môi cười
Cho địa đạo thành đỉnh cao tột bậc
Sự khốn cùng đã mờ nhạt em ơi!

Nơi quen thuộc đã làm anh mê muội
Hành lang im bên ngõ hẹp kiệt cùng
Đều bừng lên ngọn lửa reo tí tách
Cho lối về nơi vĩnh cửu mở tung.

Em là niềm suy tư, cho tim anh rạo rực
Là im lặng vang âm, dội bí mật qua đời
Là tia sáng chói lòa, là ánh nhìn vô hạn
Anh còn em hiện diện chốn này thôi.

Em bao phủ người anh một niềm tin vững chắc

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

MARCELINE DESBORDES-VALMORE (1786-1859) - Pháp

Marceline Desbordes-Valmore (1786-1859)
Marceline Desbordes-Valmore
(Do Carrière vẽ năm 1823)
Sinh ở ở Douai và qua đời ở Paris, là nữ diễn viên sân khấu, ca sĩ, nữ thi sĩ và tiểu thuyết gia của Pháp. Bà là một trong những người sáng lập ra thơ ca lãng mạn Pháp năm 1819. Bà được nhà thơ Paul Verlaine đánh giá là “người phụ nữ thiên tài và tài năng của thế kỷ này và của tất cả các thế kỷ” (la femme de génie et de talent de ce siècle et de tous les siècles)

1) Bài 1 :
Chia ly
Marceline Desbordes-Valmore

Đừng viết nữa. Em buồn, mong dập tắt.
Hè không anh như đêm tối không đèn.
Tay em khép không mong gì vói tới.
Đánh động tim mình giờ như nấm mộ hoang.
Đừng viết nữa!

Đừng viết nữa. Đừng nên báo tình đôi ta sắp chết.
Đừng hỏi Trời...vì anh biết em yêu.
Từ sâu thẳm nghe tình anh lên tiếng.
Vọng trời xa cách trở đến muôn chiều.
Đừng viết nữa!

Đừng viết nữa. Em sợ anh từ ký ức.
Nó canh giữ lời anh vì hay gọi tên em.
Bởi thấy nước mà không uống được. (*)
Có dung ảnh cuộc đời qua mỗi chữ thân quen.
Đừng viết nữa!

Đừng viết nữa. Lời ngọt ngào em không dám đọc.
Mang giọng anh đổ vào trái tim em.
Nụ cười anh dường như đang bốc cháy.
Như nụ hôn in dấu trái tim mòn.
Đừng viết nữa!...

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG 

Louis Aragon (1897-1982) - Pháp


Louis Aragon (1897-1982) - Pháp
Louis Aragon là nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị, nhà phê bình Pháp, thành viên của Viện hàn lâm Goncourt., là thành viên của đảng Cộng sản Pháp. Ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị cao trong văn học nghệ thuật Pháp và thế giới. Ở Việt Nam, Bộ Giáo duc và Đào tạo đã đưa thơ ông vào chương trình Trung học Phổ thông để giảng dạy cho học sinh.

Đôi mắt Elsa
Louis Aragon

Mắt em sâu, anh cúi mình xuống uống.
Thấy mặt trời chớm mọc để anh trông.
Nó xua tan nỗi chết người tuyệt vọng.
Mắt em sâu, anh quên hết chuyện lòng.

Dưới bóng chim là đại dương nổi sóng.
Tiết đẹp trời thoáng chyển mắt em ngây.
Hè lộ dáng áo choàng mây thiên sứ.
Trời không xanh như sắc lúa phô bày.

Gió rượt đuổi không gian buồn vô vọng.
Mắt em trong hơn giọt lệ long lanh.
Sau cơn mưa để bầu trời ganh tị.
Màu thủy tinh rạn vỡ ánh càng xanh.

Đó là mẹ Bảy nỗi đau, đẫm chiếu.  
Bảy thanh gươm xuyên lăng kính thủng màu.
Ngày tích tụ xót xa đầy nước mắt.
Buồn đi qua, mắt lại biếc dòng sâu

Trong bất hạnh mở nhân đôi khoảng trống.
Ánh quân vương sinh phép lạ diệu kỳ.
Khi trái tim chuyển ba vòng nhịp đập.
Máng cỏ mầu hiển hiện áo Ma-ri.

Lời tháng Năm đủ vừa cho cửa miệng. 
Mọi bài ca dành tất cả vì người.
Trời quá hẹp cho triệu vì tinh tú.
Cho mắt em và bí mật song đôi.

Như đứa bé say mê hình ảnh đẹp.
Mắt mở to nhưng hiểu có là bao.
Trông mắt em, anh chưa hề thấy dối.
Hình như hoa dại nở dưới mưa rào.

Tia sáng ẩn trong oải hương lấp lánh.  
Lũ côn trùng lịm tắt lửa tình yêu.
Anh gỡ rối từ ngôi sao xe sợi.
Giữa biển trời, thủy thủ chết cô liêu.

Anh lọc chất ra-đi-um khỏi quặng.
Lửa dẫu ngăn, vẫn cháy bỏng tay mình.
Ôi! Thiên đường trăm lần tìm để mất.
Mắt em là những xứ sở của anh.  

Buổi chiều đẹp làm nổ tung vũ trụ.
Bãi đá ngầm làm đắm cháy tàu qua.
Anh đã thấy mặt biển xanh bừng sáng.
Mắt Elsa..., mắt Elsa..., vời vợi mắt Elsa..

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Alphonse de Lamartine (1790 - 1869)

Alphonse de Lamartine (1790 - 1869)

LAMARTINE
Sinh: 21.10.1790. Mất: 28.02.1869
Tên thật: Alphonse de Lamartine
Sinh tại Mâcon, Burgundy
Là một nhà thơ, nhà văn theo trường phái lãng mạn nổi tiếng của nước Pháp. Ông còn là một sử gia.
Ông có 27 tác phẩm gồm nhiều thể loại. Tác phẩm thơ nổi tiếng là tập “Meditations”(Trầm tư) gồm 2 tập: Tập 1 ra đời năm 1820; tập 2 ra đời năm 1823.
Xin giới thiệu bài thơ "Le Lac" một bài thơ hay nhất của ông, đã đưa ông nổi tiếng toàn quốc và nhiều nước trên thế giới.

HỒ
Alphonse de Lamartine

Cứ xô đẩy về phía bờ mới lạ.
Chẳng quay về - Đêm vĩnh cửu mênh mang.
Có bao giờ trên biển cả thời gian.
Ta neo giữ được một ngày dừng lại?

Hồ ơi! Năm gần trọn qua đợi chờ khắc khoải.
Bên sóng yêu nàng từng hẹn về thăm.
Giờ mình tôi trên tảng đá âm thầm.
Nơi hồ thấy xưa nàng ngồi ở đó.

Hồ vẫn réo dưới ngầm sâu cuồng nộ
Vẫn lô xô xói lở cạnh đôi bờ.
Gió vẫn từng ném bọt sủi vu vơ.
Từ mặt sóng lên đôi chân kiều mỵ.

Hồ có nhớ buổi chiều xưa không nhỉ?
Chúng tôi dạo thuyền, chiều vắng lặng êm trôi.
Nghe lan xa trên sóng dưới bầu trời.
Tiếng vỗ nhịp của mái chèo khua động.
Mang hòa điệu du dương cùng nhịp sóng.

Bỗng đất truyền là lạ giọng vang ngân.
Nơi bờ hồ quyến rũ dội thanh âm.
Sóng lặng nghe tiếng người tôi yêu quí.
Lời đã thốt nên tiếng lòng vạn kỷ:

“Ôi! thời gian hãy ngừng cánh bay đi!
Với những giờ thuận lợi đã theo mi!
Ngưng dòng chảy vô tình không chuyển hướng!
Hãy ngưng lại để chúng tôi tận hưởng!
Những niềm vui dù chỉ thoáng qua mau.
Quãng ngày yêu đẹp nhất thuở ban đầu!

Đã đủ rồi thế gian đầy bất hạnh!
Ta xin mi cuốn đi muôn thảm cảnh.
Trả lại ngày mi phá hủy vùi chôn.
Hãy quên đi để hạnh phúc được yên.

Nhưng khoảnh khắc nài thêm đành vô ích. 
Thời gian bỏ thoát bay đi biệt tích.
Tôi bảo đêm đen “Hãy chầm chậm lại thôi!”
Kẻo bình minh sẽ xóa bóng bên trời.

" Vậy, hãy yêu! hãy yêu! với phút giờ vội vã.
Hãy tận hưởng! Mau đi! Đừng nấn ná!
Nhân sinh không bến đậu, thời gian chẳng có bờ.
Nó chảy hoài, ta trôi dạt bơ vơ!”...

Luôn đố kỵ, thời gian còn tiềm ẩn.
Nó hiện hữu ngay phút giây say đắm.
Trong sóng tình rót hạnh phúc yêu đương..
Rồi bỏ ta bay về cõi xa phương.
Cùng tốc độ như những ngày bất hạnh.

Vậy nghĩa là! Ta không thể giữ yên.
Lưu dấu tích của chút gì còn lại.
Vậy nghĩa là! Nó sẽ qua mãi mãi.
Ta mất đi toàn thể trước thời gian.
Cả điều cho - điều xóa bỏ phũ phàng.
Không bao giờ trả lại ta
dẫu chỉ phần tối thiểu?

Ôi! Quá khứ, hư vô, vực đen, vĩnh cửu!
Sẽ làm chi với ngày tháng nhấn chìm?
Có trả lại ta niềm ngây ngất con tim.
Mà các ngươi đã vô tình cướp vội.

Hồ ơi! Này hang động, đá im, rừng tăm tối.
Mà thời gian còn để nét xuân riêng.
Hãy gìn giữ đêm này, giữ vẻ đẹp thiên nhiên.
Dẫu ít nhất của phần đời kỷ niệm.

Nó có thể còn trong mi hiện diện.
Trong lượn sóng lao xao, trong vẻ đẹp của hồ.
Trong những ngọn đồi xinh xắn nhấp nhô.
Trong rừng thông đen, trong đá ghềnh hoang dã.
Đang nghiêng xuống soi bóng mình êm ả.

Có thể còn trong ngọn gió thoảng qua.
Trong tiếng động vỗ bờ lập lại vang xa.
Trong vầng trăng long lanh ánh bạc.
Đang dát trắng cả mặt hồ ngơ ngác.
Mang vẻ sáng trong mềm mại ảo huyền.

Có thể còn trong lau sậy thở dài, tiếng gió rỉ rên.
Trong hương thơm nhẹ nhàng theo khí trời tỏa ngát.
Có thể mọi vật đang lắng nghe, đang nhìn dào dạt.
Tất cả đồng thanh:
Rằng “ họ đã yêu nhau!”

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG 

Jean Cocteau (1889 – 1963)

Jean Cocteau (1889 – 1963)
· Jean Cocteau có tên đầy đủ là Jean Maurice Eugène Clément Cocteau, là một nhà thơ , nhà thiết kế đồ họa , vẽ tranh minh họa , nhà viết kịch và nhà làm phim người Pháp . Ông được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp năm 1955 và Viện hàn lâm Hoàng gia Bỉ về Ngôn ngữ và Văn học Pháp.

Sự im lặng của em
Jean Cocteau

Tình yêu của em là khoa học tinh vi.
Tôi học được ở em nhiều thứ.
Nghe từ im lặng của em.
Mà vẫn không hiểu được điều gì.

Có phải tôi là người không ai ưa, hỡi thiên thần yêu quí!
Thiên thần dịu ngọt! Thiên thần nhẫn tâm!
Mang chất đơn thuần, không pha trộn, sáng trong.
Rắn rỏi như pha lê lấp lánh.

Khi tôi lặng ngắm pha lê.
Tránh được nỗi niềm tuyệt vọng.
Hạnh phúc tôi, cả ngôi đền xây dựng.
Từ thời thanh xuân cổ đại của em.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Jacques Prévert (1900 - 1977)

Jacques Prévert (1900 - 1977)  
Jacques Prévert sinh ngày 4.2.1900 tại Neuilly-sur-Seine (Seine) Pháp; mất ngày 11.4.1977 tại Omonville-la-Petite (Manche).
Mặc dù rời ghế nhà trường mới 15 tuổi nhưng với nỗ lực học hỏi, ông đã trở thành một kịch tác gia của nhiều vở kịch , một nhà chuyển thể truyện sang kịch bản và viết đối thoại cho phim ảnh, một nhà văn viết truyện thiếu nhi, một tác giả ca từ của nhiều bản nhạc nổi tiếng và đặc biệt hơn hết là trở thành nhà thơ lớn của thế kỷ 20, có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa.
Ông nổi tiếng từ tập thơ Paroles có từ năm 1946. Đồng thời có nhiều tác phẩm thơ khác như : Spectacle (1951), La Pluie et le Beau Temps(1955), Histoires et Autres Histoires (1963), Fatras (1966), Choses et autres (1972)v.v...
Xin giới thiệu một số bài thơ được nhiều người yêu thích:

1) Bài thơ “Lá rụng” :

LÁ RỤNG

Jacques Prévert

Anh muốn em nhớ nhiều về kỷ niệm.
Những ngày vui hạnh phúc của đôi ta.
Quãng thời gian, đời đẹp ngát hương hoa.
Còn hơn cả hôm nay với mặt trời cháy rực.
Lá rơi rụng được gom vào xẻng xúc.
Em biết chăng anh không thể nào quên.
Xẻng hốt đi những xác lá muộn phiền.
Cả kỷ niệm, cả những điều hối tiếc.
Ngọn gió bấc mang lá bay biền biệt.
Vào lãng quên đêm giá lạnh mông mênh.
Em biết chăng, anh không thể nào quên.
Về bài ca ngọt ngào em đã hát.

Bản tình ca giống đôi lòng dào dạt.
Em yêu anh và anh cũng yêu em.
Mình sống qua những khoảnh khắc êm đềm.
Em yêu anh , anh cũng yêu tha thiết.
Nhưng cuộc đời khiến đôi ta cách biệt.
Rất nhẹ nhàng không để lại âm vang.
Biển triều dâng xóa trên bãi cát vàng.
Những dấu chân của người tình chia cách.

Lá rơi rụng được gom vào xẻng xúc.
Cả kỷ niệm xưa lẫn nuối tiếc không cùng.
Nhưng tình anh vẫn im lặng thủy chung.
Luôn mỉm cười và cảm ơn cuộc sống.
Yêu em nhiều, em vẫn xinh như mộng.
Em làm sao để anh dễ quên em.
Quãng thời gian đời vẫn đẹp ngát hương.
Còn hơn cả hôm nay với mặt trời cháy rực.
Em là người yêu dịu dàng hiền thục.
Nhưng tiếc thương anh không giữ riêng đâu.
Bản tình ca em đã hát cho nhau.
Anh luôn nhớ và sẽ còn nghe mãi...

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

GUILLAUME APOLLINAIRE (1880 - 1918)

GUILLAUME APOLLINAIRE (1880 - 1918)
Sinh : 26.08.1880 ở Rome, nước Ý.
Mất : 09. 11.1918 (38 tuổi) tại Paris, Pháp
Tên thật bằng tiếng Ba Lan: Wilhelm Albert Vladimir Apollinairis de Waz – Kostrowitcki.
Ông đã từng ra mặt trận, phục vụ ngành pháo binh và bị thương nặng Trong năm 1913, bài thơ Le Pont Mirabeau (Cầu Mirabeau)ra đời (in trong tập thơ Alcools) và trường ca Zone đã đưa Guillaume Apollinaire lên vị trí số một trong các nhà thơ đương thời. Năm 1914 in một số bài thơ viết theo kiểu tạo hình (calligrammes). Ông được đánh giá là một trong những nhà thơ lớn nhất ở đầu thế kỷ 20. 
Tác phẩm: Ông viết rất nhiều, một số tác phẩm tiêu biểu sau đây:
- La Chanson du Mal-Aimé (1909)
- La Poésie symboliste (1909)
- Les Peintres cubiste (1913)
- Alcools (1913)
- Les Méditations esthétiques (1913)
- L’Antitradition futuriste (1914)
- Le Poète assassiné (1916)
- L’Esprit nouveau et les Poètes (1917)
- Le Flâneur des deux rives (1918)

Xin giới thiệu bài thơ Le pont Mirabeau nổi tiếng nhất của ông:

CẦU MIRABEAU
Guillaume Apollinaire

Dưới cầu Mirabeau, dòng sông Seine trôi chảy
Và cuộc tình chúng ta cũng vậy
Biết có cần nên nhớ lại không 
Sau nỗi buồn mênh mông,
niềm vui thường xuất hiện

Đêm vẫn đến , chuông báo giờ vẫn điểm
Ngày trôi qua mà tôi vẫn còn đây

Tay trong tay, mặt nhìn mặt
Chính lúc này
Dưới vồng cầu tay 
con nước cuốn trôi qua biền biệt 
Còn để lại sóng mắt nhìn thiên thu mỏi mệt

Đêm vẫn đến chuông báo giờ vẫn điểm
Ngày trôi qua mà tôi vẫn còn đây

Tình yêu đi qua như dòng nước chảy
Tình yêu đi qua
Sao cuộc đời vẫn còn chậm rãi
Sao hy vọng quá nồng nàn

Đêm vẫn đến, chuông báo giờ vẫn điểm
Ngày trôi qua mà tôi vẫn còn đây

Những ngày trôi qua,
những tuần trôi qua
Cả thời gian dĩ vãng cũng không còn
Như cuộc tình chúng ta không bao giờ trở lại
Dưới cầu Mirabeau, dòng sông Seine trôi chảy 

Đêm vẫn đến, chuông báo giờ vẫn điểm
Ngày trôi qua mà tôi vẫn còn đây...

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG 

Philippe Jaccottet (1925) - Pháp (gốc Thụy Sĩ)

Philippe Jaccottet (1925) - Pháp (gốc Thụy Sĩ)
Philippe Jaccottet sinh ngày 30.6.1925 tại Moudon, Thụy Sĩ. Tuy nhiên ông đã đến Paris năm 1946 để sinh hoạt, giao du văn chương với giới văn nghệ sĩ Pháp , sau đó ông đã định cư ở miền nam nước Pháp. Ông là nhà thơ, nhà văn xuất sắc của thời hiện đại Pháp. Trong năm 2003, Jaccottet nhận được giải Goncourt Prix về thơ.Năm 2013, ông là người được giới văn học tiên đoán có thể đề cử vào giải Nobel văn học. Thơ ông được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Giới thiệu một vài bài thơ:

1) Bài 1 :
Khoảng cách
Philippe Jaccottet

Chim én trở về trong trời cao lồng lộng,
còn cao hơn sự trở về của những vì tinh tú vô hình.
Khi ngày rút lui về nơi tận cùng của trái đất.
ánh lửa trời xuất hiện trùm lên bãi cát tối tăm.

Cũng vậy, chúng ta đang sống trong thế giới chuyển động,
và nhiều khoảng cách, trái tim như đồng hóa,
đi từ cây đến chim, từ chim đến những vì sao xa xôi,
từ những vì sao đến tình yêu. Và tình yêu nào có khác gì.
trong ngôi nhà khép kín, càng tăng thắm thiết, trở lại cùng công việc.
Như người đầy tớ lo âu, mang ngọn đèn soi sáng ở tay mình.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Gérard de Nerval (1808 - 1855) - Nhà thơ Pháp


Gérard de Nerval (1808 - 1855)- Nhà thơ Pháp
Gérard de Nerval, tên thật Gérard Labrunie. Sinh 22. 05. 1808 và mất ngày 26. 01. 1855 (47 tuổi) tại Paris. Là một nhà thơ Pháp nổi tiếng, được xem là một trong những người đi đầu trong phong trào thơ tượng trưng, siêu thực và là người khai sinh ra nền thơ hiện đại Pháp.
Tác phẩm: 
- Những khúc bi ca (Élégies) 
- Ảo tưởng (Les Chimère

Lối đi trong vườn Luxembourg
Nguyên tác:Gérard de Nerval

Nàng qua rồi, cô thiếu nữ thơ ngây!
Bước nhanh nhẹn như một con chim nhỏ.
Trong tay nắm một đóa hoa rực rỡ.
Miệng líu lo vang điệp khúc tân kỳ.

Trên đời này có lẽ chỉ mình cô.
Mang đáp lại cho tim tôi nồng ấm.
Cô đến tôi bóng đêm đen thăm thẳm.
Chỉ một ánh nhìn làm tỏa sáng mênh mang.

Nhưng mà không – Tôi đã hết thanh xuân...
Đã từ biệt, tia sáng bừng xao xuyến.
Cô gái trẻ và hương thơm hòa quyện...
Hạnh phúc qua rồi - hạnh phúc mãi lìa xa!

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

Fredéric Mistral (1830-1914) - Pháp


Fredéric Mistral (1830-1914)- Pháp
Nhà thơ Provence (Pháp), giải Nobel Văn học 1904. Ông đã dùng tiền của giải thưởng Nobel lập Bảo tàng Văn hóa Dân gian ở Provence. Thơ của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Magali
Fredéric Mistral 

1- Ôi! Magali, người anh yêu vô kể!
Hãy nghiêng đầu ra ngoài cửa sổ.
Nghe chút nào bài nhạc sớm cùng anh.
Theo điệu trống con và tiếng vĩ cầm.

- Bầu trời cao, còn đầy những vì sao.
Gió đã giảm thành hơi dịu nhẹ.
Các vì sao sẽ mờ nhạt lặn dần.
Trong mắt em vừa nhìn lặng lẽ..

2- Không còn nhiều tiếng xạc xào của những cành cây.
Làm ảnh hưởng em nghe khúc nhạc anh hòa điệu.
Nhưng anh đang đi trong biển sóng vàng.
Hóa thành con cá chình nằm tromg mõm đá.

- Ôi, Magali, nếu,em cũng làm như vậy.
Thành con cá bơi trong sóng lặng lờ.
Anh sẽ hóa thân, thành người câu cá.
Để câu lấy tình em!

3- Ôi! Nhưng nếu em thành người bắt cá.
Khi em tung lưới, thả lờ.
Anh sẽ hóa thành con chim bay bỗng.
Nhẹ lướt cánh đồng hoang.

- Ô! Magali, nếu em làm vậy.
Thành con chim chắp cánh không gian.
Anh sẽ hóa thành gã thợ săn theo đuổi.
Để săn lấy tình em!

4- Ở loài gà gô, ở loài chim sẻ.
Nếu em đến mang theo dây trói dịu dàng.
Anh sẽ hóa thành khóm cỏ hoa tươi sáng.
Giấu ẩn mình trong đồng cỏ thênh thang.

- Ôi! Magali, nếu em cũng làm như vậy.
Trở thành nhành cúc tây.
Anh sẽ làm dòng nước xanh trong vắt.
Để tưới mát tình em!

5- Khi em thành gợn sóng trôi theo nước.
Anh sẽ hóa thành đám mây lớn trên trời.
Và nhanh chóng trôi đi vùn vụt.
Về bên miền châu Mỹ xa xôi!

- Ôi! Magali, nếu em cũng đi như thế.
Băng qua Ấn Độ phương này.
Anh sẽ hóa thành làn gió biển.
Để mang cùng em bay!

6- Nếu em cũng hóa thành gió biển.
Anh tránh qua bên phía bờ ngăn.
Để anh thoát ra khỏi vùng cháy rực.
Nơi mặt trời làm tan chảy giá băng!

- Ôi! Magali, nếu em cũng làm như vậy.
Để tỏa ra tia nắng mặt trời.
Anh sẽ hóa thành con thằn lằn xanh ẩn theo màu lá.
Để em uống dòng băng trôi!

7- Và nếu em hóa thành giống kỳ nhông.
Thường ẩn trốn trong bờ bụi rậm.
Anh trở lại làm mặt trăng tròn.
Để chiếu sáng trong bóng đêm phù thủy!

- Ôi! Magali, nếu em cũng biến hình như vậy.
Để thành ánh trăng thanh.
Anh sẽ hóa thành một màn sương đẹp.
Đón tình em, bao phủ vây quanh!

8- Nhưng sương mù bao phủ cả anh.
Để giữ điều này, em không có cách.
Anh sẽ hóa thành đóa hồng trinh bạch.
Nở bừng trong bụi cây!

- Ôi! Magali, néu em cũng làm như vậy.
Thành đóa hồng đẹp xinh.
Anh sẽ hóa thành loài bướm.
Đậu trên nhành hôn em!

9- Và nếu em cứ đuổi hoài theo dòng vô tận.
Không bao giờ, không bao giờ em bắt được đâu.
Anh sẽ hóa thành vỏ cây sồi to lớn.
Mặc cho mình trong rừng thẳm âm u!

- Ôi! Magali, nếu em cũng làm như vậy.
Thành cây buồn ủ ê.
Anh sẽ hóa thành dây thường xuân quấn quýt.
Để ôm choàng hôn em!

10-Nếu em muốn quấn choàng ngang lưng.
Em sẽ không giũ được cả cây sồi cổ thụ.
Anh sẽ hóa thành con chim sẻ trắng.
Đậu trên nóc nhà tu của thánh Blaise

- Ôi! Magali nếu em cũng làm như vậy.
Thành chim sẻ trắng mượt mà.
Anh sẽ hóa thành con chiên xưng tội.
Kể rõ cùng em nghe!

11-Nơi tu viện, nếu em qua từng cửa.
Em sẽ tìm ra tất cả nữ tu.
Bước quanh anh, lang thang đây đó.
Bởi em thấy anh nằm trong vải liệm âm u!

- Ôi!, Magali, nếu em cũng làm như vậy.
Trở thành cái chết đáng thương.
Ngay lúc ấy, anh hóa mình thành đất.
Để cùng về với em!

12- Giờ anh mở ra niềm tin tưởng cuối cùng.
Em có thể cười, không nói với anh.
Đây chiếc nhẫn pha lê anh tặng.
Kỷ niệm mang tình chàng tuổi trẻ đẹp trai!

- Ôi! Magali, em sẽ hóa điều này cho anh tốt vậy!
Nhưng phải kể từ khi họ chứng kiến em trao.
Ôi! Magali, có thấy những vì sao.
Chúng nhợt nhạt trên đầu em biết mấy! 

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

FÉLIX ARVERS (1806 - 1850) - Pháp

FÉLIX ARVERS (1806 - 1850) Nhà thơ Pháp
Sinh ở Paris, là nhà thơ và nhà viết kịch của Pháp. Ông sáng tác tập thơ “Mes heures perdues” năm 25 tuổi, xuất bản vào năm 1883.Bài thơ “Un Secret” dưới đây là bài thơ nổi tiếng duy nhất của ông.

ĐIỀU BÍ MẬT
(Bài Sonnet của Arvers)

Tâm hồn tôi suốt đời mang bí mật
Một tình yêu bỗng chốc hóa thiên thu
Tình tuyệt vọng nên tôi đành câm nín
Người gây ra nào có biết gì đâu

Đi gần nàng nhưng nàng không để ý
Luôn bên nàng mà tôi vẫn cô đơn
Tôi sẽ giữ suốt thời gian cõi đất
Không dám xin, không dám nhận gì hơn

Dù trời ban vẻ dịu dàng quyến rũ
Trên đường đi, nàng lơ đãng nào hay
Mặc tình yêu thì thầm theo mỗi bước

Nàng vẫn đoan trang, chung thủy bao ngày.
Khi đọc thơ viết về mình, nàng hỏi:
“Người phụ nữ nào đây ?” rồi chẳng hiểu gì hơn!...

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG 

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

EDMOND HARAUCOURT (1856 - 1941)


EDMOND HARAUCOURT  (1856 - 1941) 
Sinh: 18-10-1856 tại Bourmont (Haute-Marne) 
Mất: 17-11-1941 tại Paris, nước Pháp 
Ông là nhà thơ ,nhà văn, nhà viết kịch, nhà báo, nhà soạn nhạc...Ông nổi danh với bài thơ “Rondel de L’Adieu”.
Tác phẩm: Ông viết rất nhiều thể loại, một số tác phẩm tiêu biểu như:
- L’Aame nue,1885 ; Amis , 1890) 
- Choix de poésies (Thơ chọn lọc),1922
- La Peur (Sợ hãi), 1907
Và còn rất nhiều tác phẩm khác.

KHÚC CA LY BIỆT
EDMOND HARAUCOURT

Đi là chết ở trong lòng một ít.
Nỗi chết riêng mang cho người đắm yêu thương:
Còn để lại chút gì như thể vấn vương.
Trong mỗi giờ, mỗi nơi, mỗi bước.

Là mãi mãi của cái tang nguyện ước.
Là câu thơ cuối cùng của một bài thơ:
Đi là chết ở trong lòng một ít.

Cho mỗi phần chia xa, cũng là một cuộc chơi.
Cho đến ngày ly biệt cuối trời.
Còn gieo lại trong hồn ai da diết
Còn gieo lại qua mỗi lần từ biệt:
Đi là chết ở trong lòng một ít...

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG

François-René de Chateaubriand (1768-1848) - Pháp


François-René de Chateaubriand (1768-1848) - Pháp
François-René de Chateaubriand là một nhà văn, nhà thơ, nhà ngoại giao người Pháp.... Ông được coi là người sáng lập ra trào lưu lãng mạn trong văn học Pháp.
Ông được bổ nhiệm vào viện Hàn lâm Pháp năm 1811.

Clarisse
(Nữ tu)
François-René de Chateaubriand
Mô phỏng theo một nhà thơ Ê-cốt.

Vâng, ở cuối mùa, tôi thích cô, Cờ-la-ri.
Hình ảnh ở tuổi này mặc thời gian dẫn dắt.
Ngọn gió đến nhà cô, tôi yêu tiếng thầm thì.
Thổi dài qua đêm tối.

Con sơn ca đã thích hợp khí trời.
Loài chim nhạn lánh đi không phiền muộn.
Ngày đẹp trời cô thấy được niềm vui.
Con thiên nga xưa vẫn còn lưu lại.

Hãy đến cánh đồng hoang trong gió bấc vi vu.
Chiêm ngưỡng mặt trời nơi xa xôi ta ở.
Đến thưởng thức khu rừng còn sắc thái tự nhiên.
Đầy quyến rũ, phảng phất buồn êm ả..

Những chiếc lá lìa cành theo cánh gió bay đi.
Nhào lượn trong không gian, rơi từng hồi lả tả.
Ôi! Có thể nào tôi cũng sắp tàn như xác lá phơi.
Một khoảnh khắc thoáng lòng cô nơi đó.

Hoa nhợt nhạt cuối cùng còn sống ở Pô-môn.
Ánh đèn ngủ trên bãi cỏ xanh, hắt lên số phận tôi và đức tin cô hiu hắt.
Trong những năm lưu chuyển đời tôi, cô đã làm nở sắc hoa thu.
Và tôi đã vì cô thao thức.

Con suối này dưới bước cô qua, còn để dấu in vào lòng đất.
Dòng nước trôi yên tĩnh, bao gợn sóng bỏ quên.
Như cuộc sống mơ hồ của tôi, tối tăm cô độc.
Cũng giống như bàn chân cô đi qua mỗi lúc.

Nơi khung cửa mặt trời lặn úa màu.
Ngày không còn sáng hơn cho câu chyện chúng ta yêu thích.
Nhưng có phải đó là nụ cười trên đôi môi rạng đông.
Hơn hình dáng của cô xinh xắn?

Ngôi sao đêm lộ hình trước khi bão tới.
Cờ-la-ri, hãy cho tôi biết về ngôi sao chiến thắng, yên bình.
Sẽ xua tan những đám mây trên đầu tôi tăm tối.
Và cho tôi giấc mộng của con tim.

HOÀNG NGUYÊN CHƯƠNG